Liên kết website

Đảm bảo tính tinh gọn, hiệu quả của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp

27/04/2021

Sáng 26/4, Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Thành phần tham gia có tính chất đại diện
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết: Hội đồng phối hợp PBGDPL là thiết chế được quy định tại Điều 7 Luật PBGDPL. Cụ thể hoá quy định của Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg. Trên cơ sở các văn bản này, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã được thành lập, tổ chức hoạt động và trở thành thiết chế quan trọng trong việc điều phối, huy động cả hệ thống chính trị tham gia triển khai PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và thực tiễn thi hành Luật PBGDPL, Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg cho thấy những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng, đó là: Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng một số nơi còn chưa cao; tổ chức và hoạt động của Hội đồng chưa thực sự phát huy vai trò trong tư vấn hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL; một số thành viên Hội đồng chưa phát huy trách nhiệm khi tham gia các hoạt động của Hội đồng…

Trước yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL trong tình hình mới, để triển khai kịp thời nhiệm vụ được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ giao, việc xây dựng, ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TT và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg là vô cùng cần thiết.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quyết định đó là sửa đổi về thành phần của Hội đồng. Theo đó, sửa đổi quy định về Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng theo hướng Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng theo quy định của Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Hội đồng là một số đồng chí nòng cốt các ngành bảo đảm sự lãnh đạo trọng tâm.

Thành viên Hội đồng quy định theo hướng rút gọn thành phần tham gia có tính chất đại diện, trụ cột theo khối, ngành: nội chính; kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; khoa giáo văn xã; sự tham gia các ban của Đảng và đại diện các tổ chức đoàn thể… Ở địa phương thì thành phần giữ nguyên như Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg.

Quy định theo hướng như vậy sẽ giúp Hội đồng tinh gọn, thuận tiện trong việc tổ chức các hoạt động của Hội đồng. Tuy nhiên, việc lựa chọn thành viên đại diện tham gia Hội đồng là vấn đề khó, cần sự nghiên cứu đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc để có thể đề xuất được các đại diện tham gia bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Tách bạch nhiệm vụ của Hội đồng Trung ương và địa phương
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trong thời gian qua, dự thảo Quyết định đã kế thừa các quy định vẫn còn nguyên giá trị và hiệu lực thi hành trên thực tiễn. Bên cạnh đó, bổ sung, phát triển một số nhiệm vụ, quyền hạn mới bao gồm: Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan về PBGDPL. Xác định, lựa chọn, định hướng các nội dung PBGDPL trọng tâm, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Điều phối việc triển khai công tác PBGDPL mang tính liên ngành về lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đối tượng đặc thù…

Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, cần lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để tham khảo về vấn đề thành phần của Hội đồng đồng thời cần tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Trung ương và Hội đồng địa phương. Theo đó, các công việc mang tính thực tế như lấy ý kiến dự thảo VBQPPL, triển khai, phổ biến Luật… nên để Hội đồng địa phương làm còn công việc mang tính tư vấn, định hướng, giải pháp thì thuộc về nhiệm vụ của Hội đồng Trung ương.

Còn đại diện Sở Tư pháp TP.Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao về việc sửa đổi quy định theo hướng Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương bởi như vậy sẽ góp phần nâng cao tầm quan trọng của công tác PBGDPL và sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác này. Nhờ đó, việc bố trí các nguồn lực phục vụ công tác này sẽ được quan tâm đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định: quy định thành phần Hội đồng PBGDPL Trung ương và địa phương như dự thảo Quyết định là phù hợp bởi vừa đảm bảo sự tinh gọn, vừa mang tính đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, phức tạp, đa ngành đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc huy động hệ thống chính trị tham gia triển khai PBGDPL.

Về nhiệm vụ quyền hạn, cần bám sát và cụ thể hóa các quy định tại Điều 7 Luật PBGDPL đồng thời đảm bảo không trùng lắp giữa chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng với trách nhiệm triển khai PBGDPL của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể theo quy định của pháp luật. Trong đó, cần chú trọng tới chức năng tham mưu, điều phối việc triển khai công tác PBGDPL mang tính liên ngành; định hướng các vấn đề lớn, quan trọng trong công tác PBGDPL; xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL đảm bảo thực chất, có trọng tâm, trọng điểm; tham mưu tư vấn huy động các nguồn lực trong công tác này…
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp 
Các tin đã đưa ngày: