Liên kết website

Tổng hợp chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do Covid-19 năm 2021

07/06/2021

1. Chế độ phụ cấp cho người tham gia chống dịch COVID-19 mới nhất
Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bổ sung nhiều đối tượng được hưởng phụ cấp chống dịch, cụ thể như sau:
a) Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
- Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch.
- Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế.
- Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19.
b) Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
- Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.
- Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2.
c) Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
- Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú).
- Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế.
- Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly; lái xe đưa cán bộ đi kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch.
- Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển.
- Người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm COVID-19.
- Người làm nhiệm vụ phun khử trùng, diệt khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không bao gồm đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP), cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực dân cư bị khoanh vùng, phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Người làm nhiệm vụ phân luồng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19.
d) Chế độ thường trực chống dịch mức 130.000 đồng/người/ngày áp dụng cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 (không bao gồm các đối tượng quy định tại mục (7)).
đ) Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú), phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.
e) Chế độ bồi dưỡng đối với phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19
- Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với phóng viên, nhà báo trực tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị COVID-19; khu vực dân cư có người nhiễm COVID-19 bị phong tỏa; đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới để lấy tin về công tác phòng, chống dịch, số lượng phóng viên, báo được hưởng chế độ bồi dưỡng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp quyết định phù hợp với từng thời kỳ.
- Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch.
- Mức 80.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.
g) Chế độ đối với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp
- Thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các Tiểu ban, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo khi tham gia phòng, chống dịch theo các nhóm quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP  thì được hưởng mức phụ cấp chống dịch tương ứng theo nhóm đó.
- Các thành viên quy định nêu trên trong những ngày thực hiện nhiệm vụ thường trực, chỉ đạo chống dịch theo quyết định phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp được bồi dưỡng mức 100.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
 
2. Người lao động (NLĐ) đi cách ly tập trung có được trả lương ngừng việc không?
Căn cứ theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc...”
Như vậy, việc trả lương ngừng việc cho NLĐ được thực hiện như sau:
- NLĐ được trả đủ tiền lương nếu phải ngừng việc để đi cách ly tập trung là do lỗi của NSDLĐ. Nếu do lỗi của chính NLĐ dẫn đến việc buộc đi cách ly tập trung thì NLĐ sẽ không được nhận lương.
- Đối với trường hợp NLĐ ngừng việc do phải đi cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc sẽ do thỏa thuận theo quy định sau:
+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP):
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.
 
3. Bị nhiễm Covid-19, NLĐ có được nhận BHXH 1 lần?
Pháp luật cho phép NLĐ được nhận BHXH 1 lần nếu có yêu cầu và đủ điều kiện.
Căn cứ theo điểm c Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 4 Thông tư  56/2017/TT-BYT quy định các bệnh được hưởng chế độ  BHXH 1 lần gồm:
(1) Ung thư;
(2) Bại liệt;
(3) Xơ gan cổ chướng;
(4) Phong, lao nặng;
(5) Nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn;
(6) Các bệnh, tật khác ngoài các bệnh quy định trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại mục (6), NLĐ nếu nhiễm Covid-19 mà dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì được hưởng chế độ BHXH 1 lần.
Đối với trường hợp này, NLĐ cần có Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa thể hiện tình trạng suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên và không tự phục vụ được.
 
4. Nghị định 44/2021 hướng dẫn các khoản đóng góp Covid-19 được trừ khi tính thuế TNDN
Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19:
Chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định dưới đây.
Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;
- Cơ sở y tế;
- Đơn vị lực lượng vũ trang;
- Đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung;
- Cơ sở giáo dục;
- Cơ quan báo chí;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương;
- Cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ;
- Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp;
- Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia;
- Quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid19 đã tiếp nhận.
Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có:
Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 44/2021 hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ, kèm theo hóa đơn, chúng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Nghị định 44/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 và năm 2021.
 
5. Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.Theo đó, Nghị định 52/2021 áp dụng đối với các đối tượng sau:
(1) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:
- Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
- Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;
- Xây dựng;
- Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;
- Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);
- Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị;
- Thoát nước và xử lý nước thải.
(2) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:
- Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;
- Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
- Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim;
- Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ  thông tin;
- Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.
(3) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
(4) Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
(5) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021:
- Đối với thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu):
Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức.
Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2021, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2021, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2021.
Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp:
Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng nêu trên.
Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại tại (1), (2), (3) nêu trên.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 31/12/2021.
- Đối với tiền thuê đất:
Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Thời hạn gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.
 
6. Thêm đối tượng được hỗ trợ chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19
Theo Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 07/5/2021 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, sẽ có thêm đối tượng tượng được hỗ trợ chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19. Cụ thể, Chính phủ đồng ý công dân Việt Nam từ các nước láng giềng về nước bằng đường bộ khi thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly y tế, bao gồm chi phí:
- Đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đến cơ sở cách ly y tế tập trung;
- Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2;
- Một số quyền lợi khác tại các cơ sở cách ly bắt buộc.
Chính phủ thống nhất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phân bổ nguồn Quỹ phòng, chống COVID-19.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động quyên góp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để bổ sung nguồn lực mua vaccine phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trên hết, trước hết.
Tiếp tục tuân thủ quy định 5K + vaccine và tăng cường các biện pháp công nghệ. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải trả giá đắt; kiên quyết xử lý hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về phòng, chống dịch, kể cả việc xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự.
Chấn chỉnh và tăng cường thực hiện các biện pháp công nghệ trong quản lý, điều trị, cách ly cũng như trong việc trở lại cộng đồng sau khi hết thời gian cách ly tập trung.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình cụ thể và hướng dẫn của Bộ Y tế, chủ động có giải pháp phù hợp để hỗ trợ các đối tượng bị tác động trong quá trình thực thi chính sách, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
 
7. Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho DN khó khăn do Covid-19 đến 31/12/2021
Ngày 28/5/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Công văn 2059/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Công văn đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021.
Giao Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn.
 
8. Hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày cho trẻ em phải cách ly tập trung
Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định 623/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2021 về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, số lượng trẻ em được hỗ trợ: theo danh sách trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Định mức hỗ trợ: theo quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Tức là trẻ em từ 0 - 16 tuổi được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày trong 21 ngày cách ly tập trung.
- Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thủ tục hỗ trợ cho trẻ em và thanh quyết toán ngay sau khi kết thúc hoạt động hỗ trợ.
 
9. Chính phủ thống nhất giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 do Covid-19
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Báo cáo 283/BC-BCT ngày 27/5/2021 báo cáo đề xuất hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19;
Trên cơ sở ý kiến các Thành viên Chính phủ tại Phiếu ghi ý kiến Thành viên Chính phủ kèm theo Công văn 1173/VPCP-KTTH ngày 28/5/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Chính phủ quyết nghị thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 3) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo 283/BC-BCT ngày 27/5/2021.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.
Nghị quyết 55/NQ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/6/2021.
Trước đó, trong năm 2020, Chính phủ đã 02 lần đồng ý giảm giá điện, giảm tiền điện do Covid-19.
- Đợt 1 (tháng 4, 5, 6/2020): Tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/4/2021 và được hướng dẫn tại Công văn 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020.
- Đợt 2 (tháng 10, 11, 12/2020): Tại Nghị quyết 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 và được hướng dẫn Công văn 9764/BCT-ĐTĐL ngày 18/12/2020.
 
10. Khoản đóng góp Quỹ vắc xin Covid-19 được trừ khi tính thuế TNDN
Ngày 02/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụngvà kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (Quỹ).
Trong đó, hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ như sau:
- Các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ theo quy định tại Nghị định 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Nguyên tắc hoạt động Quỹ
- Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
- Quỹ sử dụng con dấu, kinh phí và bộ máy của Kho bạc Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
 
11. Thêm đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù chống dịch
Tại Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 08/6/2021, Chính phủ đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Ngoài ra, Chính phủ đồng ý áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, như sau:
- Về chế độ bồi dưỡng chống dịch:
+ Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021;
+ Được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP.
- Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện:
Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP).
- Về số ngày hưởng: tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.
- Về thời điểm áp dụng: Từ ngày 01/01/2021.
- Về nguồn kinh phí: từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.
Trước đó, tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP, quy định chế độ bồi dưỡng đối với tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19 như sau:
- Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch.
- Mức 80.000 đồng/người/ngày đối với tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: