Liên kết website

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương

23/11/2021

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã ký Quyết định số 115/QĐ-HĐPH ngày 11/11/2021 phê duyệt Danh sách thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (sau đây gọi là Hội đồng). Theo đó, Hội đồng có 39 thành viên, trong đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, 03 Phó Chủ tịch Hội đồng (gồm các ông: Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và 34 Ủy viên Hội đồng đại diện cho các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương.

Bên cạnh đó, để kịp thời kiện toàn Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng, ngày 23/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1753/QĐ-BTP về việc thành lập Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng (Tổ Thư ký). Theo đó, Tổ Thư ký có 21 thành viên là đại diện lãnh đạo cấp Vụ của Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và một số bộ, ngành trung ương (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam), trong đó đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Tổ Thư ký. Các thành viên Tổ Thư ký hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Thứ nhất, tham mưu, giúp Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ hai, chuẩn bị nội dung, điều kiện cần thiết để tổ chức các Phiên họp của Hội đồng; tổng hợp ý kiến đề xuất, tham mưu của các thành viên Hội đồng, báo cáo Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.

Thứ ba, tổng hợp báo cáo, thống kê về công tác phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật của ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng. 

Thứ tư, tham gia các Phiên họp của Hội đồng; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của Hội đồng.

Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ khác được Hội đồng giao./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: