Liên kết website

Tọa đàm trực tuyến góp ý dự thảo Sổ tay pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết

19/11/2021

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) và Qũy Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đồng tài trợ, chiều ngày 19/11/2021, Vụ Phổ biến, giáp dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhằm góp ý dự thảo “Sổ tay pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và hướng dẫn kỹ năng thực hiện phổ biến pháp luật cho hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng”. Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam chủ trì Tọa đàm.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có công tác truyền thông, phổ biến pháp luật. Những đặc thù về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, điều kiện sinh sống… của đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi các chính sách dành cho họ cũng cần có sự khác biệt nhất định. Công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực của đội ngũ những người thực hiện công tác này, trong đó có lực lượng hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng – những người được coi là “cầu nối” để truyền tải thông tin, chính sách, pháp luật đến với người dân. 
Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực, bao gồm kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL cho HGVCS, TTVPL và người có uy tín trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Hiện nay, chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên biệt về kiến thức pháp luật và kỹ năng theo từng nhóm đối tượng hoặc theo chủ đề pháp luật cụ thể, chẳng hạn hướng dẫn việc thực hiện phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Do đó đội ngũ HGVCS, TTVPL và người có uy tín trong cộng đồng, nhất là người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm về PBGDPL còn gặp khó khăn, công tác PBGDPL chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn diễn ra trên thực tế và ở mức cao trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Để khắc phục tình trạng này, năm 2021, Bộ Tư pháp nhận được sự hỗ trợ của Dự án EU JULE do Liên minh châu Âu (EU) và Qũy Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đồng tài trợ hoạt động xây dựng “Sổ tay pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và hướng dẫn kỹ năng thực hiện phổ biến pháp luật cho hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng”.
Sau khi đại diện nhóm chuyên gia xây dựng trình bày tóm tắt dự thảo Sổ tay nêu trên, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến về thực tiễn công tác truyền thông, phổ biến pháp luật; thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và đội ngũ thực hiện công tác truyền thông pháp luật tại địa bàn cơ sở. Các ý kiến không chỉ góp phần hoàn thiện dự thảo Sổ tay, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật và thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh đưa pháp luật tới người dân nói chung, nhóm đối tượng đặc thù nói riêng. 
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tại Tọa đàm đã cho thấy bức tranh thực trạng công tác truyền thông pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, cần đề ra các giải pháp, cơ chế hiệu quả để cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội; các quy định pháp luật phải gắn với điều kiện bảo đảm thực hiện; cấp chính quyền và người dân cần có nhận thức về tác hại của vấn đề này, về công tác PBGDPL. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL, đặc biệt là đội ngũ ở cơ sở - hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng, đây là lực lượng nòng cốt mang pháp luật đến với người dân.
Trên cơ sở kết quả trao đổi, thống nhất tại Tọa đàm, sau khi chỉnh lý, hoàn thiện Sổ tay, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và UNICEF tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia thực hiện dịch sang một số tiếng dân tộc và cấp phát về một số địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao so với các địa bàn khác trên cả nước./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: