1. Ngành Tư pháp đóng góp kịp thời và tích cực trong triển khai, thể chế hóa các nội dung chính sách về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Bộ, ngành Tư pháp đã phối hợp với các bộ ngành và địa phương đã tập trung tham mưu triển khai, thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt để triển khai 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp tích cực trong đề xuất các nội dung để các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu với nhiều mục tiêu, giải pháp hiệu quả.
2. Bộ, ngành Tư pháp tham mưu tích cực cho Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp về các vấn đề pháp lý để thực hiện “mục tiêu kép”: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội
Thực hiện trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống Covid-19 như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…; tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 các vấn đề pháp lý khác phục vụ chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng… Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch ở các địa phương cũng đã chủ động, trách nhiệm, hiệu quả trong tham mưu với UBND các cấp những vấn đề pháp lý phát sinh trong ứng phó với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, kéo dài của đại dịch Covid-19; tham mưu xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
3. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế
Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững đã được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhằm đánh giá thực trạng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác này trong thời gian tới, ngày 16 tháng 9 năm 2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hội nghị đã thảo luận các định hướng, kiến nghị cụ thể nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kết quả của Hội nghị và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm thể chế, pháp luật phải thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng “đề kháng” của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội trước đại dịch Covid 19, tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
4. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng”
Để góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, định hướng lớn đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” vào ngày 29 tháng 11 năm 2021. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn với hơn 70 chuyên đề, tham luận chất lượng cao. Trên cơ sở, nhận diện các thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với bối cảnh phát triển KT-XH của đất nước với sự tác động của đại dịch COVID-19, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, Hội thảo đã đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
5. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 của Việt Nam tăng 06 bậc
Thời gian qua, Ngành Tư pháp đã tham mưu đề xuất nhiều định hướng chiến lược quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các Sở Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được các Tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo đó, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 06 bậc. Sự kiện này góp phần nâng tầm hình ảnh và vị thế đất nước và mở ra nhiều cơ hội, tạo thế mạnh trong việc thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
6. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
Trước yêu cầu về nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản, ngày 02 tháng 6 năm 2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với 07 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm. Đây là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức và tổ chức thi hành trên thực tế của các ngành, các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, cơ bản khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18 – KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 triển khai Chỉ thị 04-CT/TW trong Bộ, ngành Tư pháp, trong đó xác định rõ 08 nhóm nhiệm vụ với 33 nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị.
7. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức
Năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã phối hợp cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử để phục vụ cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến với tên gọi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp Nhân dân trên cả nước. Sau 30 ngày tổ chức, đã có gần 04 triệu lượt truy cập vào trang thông tin điện tử của Cuộc thi, hơn 643.000 người đăng ký dự thi với hơn 801.000 lượt thi. Cuộc thi này được đánh giá là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phổ biến, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, góp phần tích cực vào sự thành công của sự kiện chính trị pháp lý quan trọng này.
Lần đầu tiên Chương trình tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của nhân dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những nhân vật trong hơn 200 bài viết “Gương sáng Pháp luật” là những cá nhân đạt được các thành tích xuất sắc, tiêu biểu, đã được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong xây dựng, tổ chức, thi hành pháp luật; là những người truyền cảm hứng, lan tỏa trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng bình chọn đã khách quan, công tâm để lựa chọn 50 cá nhân tiêu biểu nhất để tôn vinh tại Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 08 tháng 11 năm 2021.
8. Hoàn thiện các cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp tổ chức, cán bộ cơ quan tư pháp địa phương
Sau khi các Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 (thay thế Thông tư số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014), có hiệu lực từ ngày 03/02/2021, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ngày 08/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 2069/QĐ-TTg và Quyết định số 2070/QĐ-TTg về Danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức Ngành để các địa phương kịp thời tiến hành sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp trong giai đoạn mới và phục vụ tốt hơn nhu cầu pháp lý của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
9. Hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch Covid - 19
Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Năm 2021, hoạt động hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả nổi bật như: ký kết được 05 thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức các nước của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình hợp tác năm 2022 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam - Lào, Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Cu–ba, Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026, Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2022-2023). Riêng với Liên bang Nga, nội dung tăng cường hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước được đưa vào Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga đến năm 2030. Ký kết các chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2022 với Bộ Tư pháp Thái Lan, Chương trình hợp tác năm 2021 với Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức; Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2023 với Bộ Tư pháp An-giê-ri; Biên bản ghi nhớ hợp tác với IFC trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. Tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) lần thứ 11, Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20, Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình dương về đăng ký và thống kê hộ tịch, Hội nghị thường niên năm 2021 của IDLO. Tổ chức Diễn đàn pháp luật về chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” và các Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật cụ thể.
10. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác nuôi con nuôi trong bối cảnh đại dịch Covid - 19
Ngày 23 tháng 10 năm 2021, Lễ giao nhận 92 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cư trú tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho 91 gia đình cha mẹ nuôi của 08 nước châu Âu đã được Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức tập trung, an toàn và thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch Covid-19. Sự kiện này là minh chứng cho thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác nuôi con nuôi, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ, ngành Tư pháp trong thúc đẩy công tác con nuôi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em được nuôi dưỡng và phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, qua đó đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Nhà nước, thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên cũng như góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đất nước ta. Hoạt động này nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như tạo dấu ấn sâu sắc trong quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam với Châu Âu, thể hiện gốc rễ nhân đạo. Các nước đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt công tác đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có mục tiêu vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp