Liên kết website

Tài liệu “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở” có ý nghĩa thiết thực đối với hòa giải viên ở cơ sở

29/12/2021

Đây là nhận xét của các chuyên gia thẩm định tham dự cuộc họp kỹ thuật “Góp ý nội dung chỉnh sửa Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” (sau đây gọi chung là Tài liệu). Tài liệu chỉnh sửa thuộc Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp là đơn vị đầu mối chủ trì thực hiện.

Để bảo đảm tính chính xác, khoa học, khả thi, đáp ứng nhu cầu của hòa giải viên ở cơ sở, sáng ngày 28/12/2021, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp kỹ thuật góp ý nội dung chỉnh sửa Tài liệu. Cuộc họp do đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì với sự tham dự của TS. Nguyễn Phương Lan - chuyên gia tư vấn thực hiện chỉnh sửa Tài liệu, nhóm chuyên gia thẩm định tài liệu gồm 03 người: PGS.TS Nguyễn Thị Lan – Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Trần Văn Quảng - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu xây dựng và phổ biến pháp luật, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức, cán bộ, Bộ Tư pháp); ThS. Quách Văn Dương – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp và một số công chức của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và 02 đại diện nhà tài trợ (UNDP).
Sau khi nghe chuyên gia tư vấn thực hiện chỉnh sửa Tài liệu trình bày những nội dung chỉnh sửa trong Tài liệu, các chuyên gia thẩm định tài liệu phát biểu góp ý, thẩm định đối với dự thảo Tài liệu. Theo đó, các chuyên gia thẩm định đều đánh giá cao về sự nghiêm túc, chu đáo trong việc nghiên cứu, chỉnh sửa Tài liệu, nhất trí cao với đề xuất sửa Tên tài liệu thành “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở” bởi thể hiện tính phổ thông, phù hợp với nội dung của Tài liệu. Về cơ bản, nội dung trong Tài liệu đã đáp ứng được yêu cầu, đã cung cấp những thông tin cơ bản về vấn đề giới, bình đẳng giới và kỹ năng cần thiết cho hòa giải viên. Ngoài ra, các chuyên gia thẩm định cũng đề nghị, cần tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản trong tài liệu như đối tượng sử dụng tài liệu này là hòa giải viên ở cơ sở nên nội dung phải dung dị, phù hợp với trình độ của hòa giải viên, văn phong và từ ngữ sử dụng phải phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng để phục vụ cho công việc hòa giải của hòa giải viên; cần rà soát và chỉnh lý lại các thuật ngữ trong tài liệu để bảo đảm tính thống nhất; các ví dụ phải điển hình, gắn với cuộc sống thường nhật của người dân, bổ sung thêm ví dụ ở các lĩnh vực khác như đất đai, mua bán, vay mượn…; phải có sự thống nhất giữa tài liệu dành cho hòa giải viên và tài liệu dành cho tập huấn viên; có giải pháp thực chất để nâng cao chất lượng của tập huấn viên…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phan Hồng Nguyên đánh giá cao ý kiến góp ý thẩm định của các chuyên gia rất, đặc biệt là những vấn đề còn hạn chế trong dự thảo chỉnh sửa Tài liệu. Đồng chí yêu cầu chuyên gia tư vấn thực hiện chỉnh sửa Tài liệu nghiên cứu, tiếp thu triệt để nội dung góp ý, có giải trình cụ thể đối với nội dung không tiếp thu và sớm hoàn thiện Tài liệu.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: