Tham dự Toạ đàm có ông Vũ Đăng Minh, Trưởng Ban Dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN); bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng PBGDPL, Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Sơn Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tại Toạ đàm, bà Tô Thị Thu Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS, miền núi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Như: thể chế, chính sách pháp luật về công tác PBGDPL cho người DTTS đã được quy định khá đầy đủ, toàn diện từ Luật PBGDPL, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho tới các chương trình, đề án, dự án PBGDPL trực tiếp cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS theo từng giai đoạn.
Công tác này cũng được tập trung đẩy mạnh, đổi mới cả về nội dung và hình thức, lồng ghép PBGDPL qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng, chiếu phim; tổ chức hội thi, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động của đội tuyên truyền lưu động; xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL…
Do đó, để phát triển nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL cho người DTTS tại địa bàn cơ sở, bà Hà cho rằng, cần có Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL cho đồng bào DTTS trong thời gian tới; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, rà soát kiện toàn thường xuyên đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật. Đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai phù hợp với đồng bào DTTS; tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ như già làng, trưởng bản, sinh viên của các trường Đại học để tuyên truyền, PBGDPL; quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách dành cho đội ngũ thực hiện công tác này…
Chia sẻ về những khó khăn, hạn chế trong công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS, theo ông Vũ Đăng Minh, hiện nay, nhận thức của một số Uỷ ban MTTQ VN các cấp về công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS và miền núi còn hạn chế, chưa sâu sắc, chưa toàn diện; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhất là ở cơ sở còn thiếu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên; rất khó khăn để xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vùng đồng bào DTTS và miền núi ổn định, có chuyên môn, trình độ và kỹ năng công tác…
Qua đó, ông Minh đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm ký kết Chương trình phối hợp về công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS và miền núi; tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm từ thực trạng hiện nay để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới; hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật; sửa đổi, bổ sung chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ thực hiện công tác này…
Với đặc thù của trường Đại học Luật Hà Nội có một tỉ lệ tương đối lớn sinh viên là người DTTS, ông Nguyễn Sơn Tùng cho biết, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các bạn sinh viên thuộc đối tượng này tương đối lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, pháp luật hộ tịch, pháp luật đất đai. Tuy nhiên, công tác PBGDPL mang tính chất chuyên biệt, dành riêng cho đối tượng sinh viên là người DTTS, miền núi vẫn chưa nhiều, chưa đa dạng.
Vì vậy, ông Tùng mong muốn, trong thời gian tới Vụ PBGDPL phối hợp với Nhà trường có Đề án thành lập những môn học mới, từ đó hình thành các tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật tương lai; có nhiều quan tâm, tận dụng nguồn lực có sẵn của nhà trường; có các chính sách đãi ngộ hợp lý và hỗ trợ sinh viên có nhiều đóng góp tham gia vào PBGDPL cho sinh viên là người DTTS…
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam