Liên kết website

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017-2021

11/01/2022

Ngày 06/01/2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017-2021 (Đề án 1928). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 60 điểm cầu có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT; các Sở GDĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1928 cho thấy, Đề án đã huy động được sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Việc triển khai đề án trong 05 năm qua đã đạt được mục tiêu, nội dung đề ra. Các đơn vị trong ngành Giáo dục đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; bám sát yêu cầu triển khai thực hiện đề án gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Sau 05 năm thực hiện Đề án 1928, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, số học sinh vi phạm nội quy lớp học giảm xuống, việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cũng như an ninh trường học ngày càng nghiêm túc và đi vào nề nếp. 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp theo lứa tuổi.
Cùng với đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động ở các cơ sở giáo dục được trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đa số giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân được tham gia các lớp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Tuy nhiên, ý kiến của các địa phương, đơn vị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Đó là, tại một số địa phương, đơn vị, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa ngang tầm với yêu cầu của thực tiễn. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đôi khi vẫn mang tính thời vụ, thiếu tính xuyên suốt, tính hệ thống, nhất là trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số nhà trường, cơ sở giáo dục, địa phương còn có tâm lý chờ hướng dẫn của cấp trên mà chưa chủ động, linh hoạt  trong xây dựng các mô hình, phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, những ý kiến này sẽ giúp Bộ GDĐT nhận diện đầy đủ và toàn diện hơn về công tác giáo dục pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường để đưa công tác này đi vào nề nếp, phát triển ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Để tiếp tục đổi mới công tác giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị cần xác định công tác giáo dục pháp luật là một phần hoạt động chuyên môn quan trọng của ngành giáo dục, trọng tâm hướng vào người học, lấy giáo dục tuân thủ pháp luật làm gốc rễ. Đặc biệt, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong toàn ngành trong tuân thủ, chấp hành pháp luật, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật. Thực hiện “mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo” kể cả trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị các cấp quản lý giáo dục thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin về pháp luật của cán bộ, nhà giáo, người học trong toàn ngành. Khai thác tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện nội dung, chương trình, sách giáo khoa phục vụ giảng dạy, học tập môn pháp luật, giáo dục công dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với thực hiện chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, cần kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường đầu tư nguồn lực, đặc biệt là kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khen thưởng 25 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 1928. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và 01 công chức của Vụ đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen./. 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: