Nhìn chung, việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021” về cơ bản đã được thực hiện theo đúng mục tiêu, yêu cầu với các giải pháp phù hợp; giúp người dân dễ dàng, thuận tiện hơn trong tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Các bộ, ngành, địa phương đã bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nói riêng, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số trong PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng. Các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật đã tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cũng thể hiện quyết tâm của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, các bộ, ngành, địa phương nói chung trong việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW.
Về mức độ hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Đề án:
(i) Mục tiêu thứ nhất về xây dựng Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung toàn quốc trên cơ sở nâng cấp trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp; liên kết, chia sẻ, cập nhật đầy đủ thông tin về pháp luật đồng bộ, thống nhất trong cả nước: Bộ Tư pháp đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và dự kiến sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 01/2022.
(ii) Mục tiêu thứ hai về phấn đấu 100% bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng, hoàn chỉnh Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; liên kết, chia sẻ với Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp: Hiện có 07 bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương có Trang/Cổng thông tin điện tử PBGDPL; 46/63 địa phương đã có Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL.
(iii) Mục tiêu thứ ba về xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, các sản phẩm có nội dung số hóa, các phần mềm phổ biến, giáo dục pháp luật; gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua hình thức đối thoại trực tuyến, các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp khác: Trong quá trình khai thác Trang thông tin PBGDPL, Bộ Tư pháp đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về PBGDPL. Sau khi vận hành Cổng Thông tin PBGDPL quốc gia, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục sử dụng các dữ liệu sẵn có, đồng thời bổ sung thêm các dữ liệu mới được chuẩn hóa, nhất là các thông tin về PBGDPL nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp (hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật, video clip pháp luật...) một cách thống nhất, hiệu quả. Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia hiện đã được Bộ Tư pháp tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia. Nội dung Tủ sách điện tử bảo đảm tận dụng các dữ liệu sẵn có từ Tủ sách pháp luật trên Trang Thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, đồng thời tiếp tục được cập nhật, bổ sung thêm các tài liệu mới trong thời gian tới.
(iv) Mục tiêu thứ tư về huy động rộng rãi mạng viễn thông, mạng xã hội tham gia phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Mục tiêu này đã đạt được. Các bộ, ngành, địa phương tích cực và chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nhiều hoạt động PBGDPL như tin nhắn pháp luật, bên cạnh đó là việc thành lập nhiều trang fanpage về PBGDPL trên các trang mạng xã hội để cung cấp thông tin pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các thông tin phòng chống Covid-19 đã được cập nhật liên tục qua hệ thống tin nhắn và mạng xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:
- Một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, chưa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; tình hình triển khai một số hoạt động của Đề án còn chậm.
- Việc xây dựng Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương còn chậm tiến độ. Các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử PBGDPL còn thiếu phong phú. Các Cổng/Trang Thông tin PBGDPL chưa có phần mềm, ứng dụng công nghệ trực tuyến trong PBGDPL như: diễn đàn trao đổi trực tuyến; tư vấn, hỏi đáp pháp luật trực tuyến để phục vụ hiệu quả, thuận tiện hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
- Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia đã được xây dựng và vận hành thử nghiệm nhưng cấu trúc dữ liệu thông tin về PBGDPL để xây dựng dữ liệu dùng chung chưa được hoàn thiện; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp; nền tảng số hóa công tác PBGDPL chưa được phát triển.
- Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp cũng như nhiều bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Công tác phối hợp triển khai thực hiện Đề án giữa các đơn vị liên quan trong phạm vi một bộ, ngành, địa phương cũng có lúc thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện.
- Nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL còn rất hạn chế, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa bố trí cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin đảm nhiệm.
- Việc thực hiện xã hội hóa trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác PBGDPL gặp nhiều khó khăn.
- Chất lượng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL còn chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
- Chưa có các giải pháp cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án gắn với mục tiêu chuyển đổi số.
Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên:
- Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cũng như bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ.
- Một bộ phận người dân chưa có thói quen chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật trên internet.
- Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.
- Kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án bị bố trí chậm, chưa bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến một số nhiệm vụ, giải pháp của Đề án chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện.
- Quy định của pháp luật về xã hội hóa công tác PBGDPL chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.
- Thực hiện xây dựng chính quyền số, số hóa các lĩnh vực quản lý nhà nước mới được triển khai ở giai đoạn đầu, trong đó có công tác PBGDPL nên còn nhiều bất cập.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật