Chương trình hành động được ban hành với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân; đồng thời triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhân dân trong từng giai đoạn.
Trong phạm vi Chương trình hành động, Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 04-KL/TW, tập trung vào tám nội dung chính như sau:
Một là, tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư; gắn việc triển khai thực hiện Kết luận với việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; kết hợp việc triển khai toàn diện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các Bộ, ngành, địa phương.
Hai là, hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, đồng bộ để triển khai hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản qui định chi tiết thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật sau khi được Quốc hội thông qua; tổ chức thi hành tốt các văn bản pháp luật về lĩnh vực này.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức, địa phương; tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thành viên của Hội đồng ở các cấp; có chính sách hợp lý đối với các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp.
Bốn là, tiếp tục thực hiện các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 đến năm 2016; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 - 2012 và xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai các nội dung, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.
Năm là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên nghiệp, có chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị - tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tốt.
Sáu là, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ cấp xã, nhân dân ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người lao động trong các doanh nghiệp; người khuyết tật; nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người; phạm nhân; học sinh trường giáo dưỡng và người Việt Nam ở nước ngoài.
Bảy là, đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng như an toàn giao thông, đất đai, khiếu nại, tố cáo, tài nguyên và môi trường, bình đẳng giới, an toàn thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng...;
Tám là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, các cơ sở đào tạo khác. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy môn pháp luật; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng và mục tiêu giáo dục, đào tạo. Cần xác định đây là môn học quan trọng, bắt buộc trong chương trình đào tạo, giảng dạy đối với tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Để triển khai thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý Chương trình hành động có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với các mục tiêu của Chương trình; định kỳ sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Chương trình; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động của Chương trình hành động. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được giao tổ chức thực hiện Chương trình tại bộ, ngành, địa phương mình.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành triển khai thực hiện các Đề án cụ thể của Chương trình theo 3 nhóm đề án, cụ thể là:
Nhóm thứ nhất, đối với 04 Đề án thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 được ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các Đề án và Chương trình, các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án đến năm 2016.
Nhóm thứ hai, trên cơ sở tổng kết các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 được ban hành theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến đề xuất, kiến nghị của các cơ quan chủ trì thực hiện các Đề án của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai các Đề án phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2016. Gồm 02 đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2016” và “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2012 - 2016”.
Nhóm thứ ba, tổ chức xây dựng và triển thực hiện 05 Đề án mới của Chương trình: Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 – 2016”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 – 2016”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 2012 – 2016”; Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016”.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.