Liên kết website

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN

11/01/2013

Sáng 10/01, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ (Chương trình phối hợp số 14). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đồng chủ trì Hội nghị.

Chương trình phối hợp số 14 được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, đã tạo cơ chế để cơ quan tư pháp, Hội phụ nữ các cấp tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ. Trong 10 năm qua (2002-2012), ngành Tư pháp và Hội phụ nữ các cấp từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Chương trình một cách nghiêm túc, toàn diện; các mặt công tác này đã có chuyển biến; phụ nữ được tiếp cận thường xuyên hơn với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhận thức pháp luật cũng như vị thế, vai trò của phụ nữ được nâng lên; cơ quan tư pháp, Hội phụ nữ các cấp có sự gắn bó hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL, TGPL và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

 Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh: Các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình phối hợp số 14 cơ bản đã được quan tâm thực hiện nghiêm túc, gắn kết với công tác tư pháp, công tác Hội và các chương trình, đề án. Thời gian qua, phụ nữ ở cơ sở đã được tiếp cận với pháp luật kịp thời hơn, thường xuyên hơn thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau. Mô hình câu lạc bộ pháp luật với phụ nữ, câu lạc bộ TGPL được xây dựng, thành lập trên phạm vi cả nước; có nhiều loại hình với những nội dung sinh hoạt pháp luật, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Hệ thống Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội được thành lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích; một số địa phương làm khá tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. TGPL lưu động tại cơ sở xã, phường, thị trấn cho người nghèo, đối tượng chính sách và phụ nữ được đẩy mạnh…

 Tuy nhiên, công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân là do nhận thức, trách nhiệm về công tác này có lúc, có nơi chưa sâu sắc, chưa nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; kinh phí cho triển khai thực hiện chương trình còn hạn chế; số cán bộ làm đầu mối triển khai Chương trình ở các cấp còn ít…

Tại phần thảo luận, các đại biểu đến từ cơ quan tư pháp, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm cũng như những vướng mắc khó khăn trong thực tế và đề xuất các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Hội nghị cũng đã công bố các Quyết định khen thưởng và Trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ thời gian qua.

 Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đã ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ giai đoạn 2013-2017. Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương nhằm bảo  vệ các quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ làm công tác PBGDPL, TGPL và cộng tác viên pháp luật có chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong PBGDPL, TGPL cho phụ nữ phù hợp với các đối tượng, vùng miền; phát huy vai trò của ngành Tư pháp và Hội LHPN các cấp trong công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ.

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: trong 10 năm qua, Chương trình phối hợp số 14 cơ bản đã được quan tâm thực hiện đầy đủ, gắn kết với công tác tư pháp, công tác Hội và các chương trình, đề án, đặc biệt là lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo… Sự sáng tạo, nỗ lực triển khai Chương trình của hai ngành đã từng bước góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ: mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc thực hiện Chương trình phối hợp số 14 vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu đổi mới của công tác PBGDPL, TGPL.

 Trong điều kiện hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, toàn diện hiện nay, phụ nữ cần được phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình đối với xã hội và gia đình. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa, tạo điều kiện về mọi mặt để phụ nữ tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với trách nhiệm là cơ quan ký kết và thực hiện Chương trình, Bộ Tư pháp hứa sẽ cùng TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tư pháp và Hội phụ nữ các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả hơn công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ.

 Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị hai bên cần tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến bình đẳng giới, PBGDPL, TGPL nhằm đem lại nhiều hơn, thiết thực hơn sự hỗ trợ cho phụ nữ; Triển khai Luật PBGDPL, góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu; tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai bên ký kết; tiếp tục kiện toàn, củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ Hội làm công tác PBGDPL, TGPL đủ về số lượng và có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ; tiếp tục triển khai công tác PBGDPL, TGPL cho phụ nữ bằng những nội dung và biện pháp phù hợp; tăng cường đầu tư các nguồn lực, biện pháp bảo đảm, đặc biệt là kinh phí cho công tác này.

Các tin đã đưa ngày: