Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng nói chung, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng. Để phát huy vai trò, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, ngày 11/8/2017, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp số 2828/CTPH-BTP-THVN-TNVN về thông tin, truyền thông trong công tác PBGDPL và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2017 – 2021. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình phối hợp trong 05 năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp.
Việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đã được thực hiện đúng hướng, bảo đảm mục đích, yêu cầu đề ra, phù hợp với bối cảnh thực tế. Các nội dung truyền thông phù hợp đã truyền tải đầy đủ thông tin, PBGDPL bảo đảm nhanh nhạy, chính xác, kịp thời với phạm vi phủ sóng rộng rãi, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân; góp phần nâng cao hiểu biết của Nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Lãnh đạo các cơ quan đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị chức năng nên công tác phối hợp đã được thực hiện trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả.
Trong 05 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện gần 2000 chương trình, chuyên đề; gần 3000 bài viết bình luận – phóng sự điều tra và hơn 5000 tin bài về công tác PBGDPL, các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Hàng năm, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện hàng trăm phóng sự PBGDPL, kiểm tra văn bản pháp luật, thi hành án dân sự và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Các tin, bài, bình luận, chuyên đề… này được phản ánh trên tất cả các phương tiện truyền thông của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, tạo dư luận tốt, được khán thính giả đánh giá là kênh thông tin, tuyên truyền có hiệu quả.
Các chương trình có sự đổi mới về hình thức thể hiện, qua đó, nội dung PBGDPL và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp được thể hiện sinh động, hấp dẫn. Việc thực hiện Chương trình phối hợp đã làm tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, nâng cao một bước về chất trong hoạt động PBGDPL, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; đóng góp quan trọng vào chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL trong thời gian qua cũng như nâng cao vai trò, vị thế của Bộ, ngành Tư pháp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Báo cáo tổng kết Chương trình phối hợp đã nêu rõ,
việc tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về
chính sách, pháp luật và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp; giáo dục, vận động người dân xây dựng ý thức tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và các văn bản, chính sách, bộ luật sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân… trên các kênh sóng của Đài, các bản tin thời sự và chương trình tin tức hàng ngày như Chào buổi sáng, Việt Nam hôm nay, Chuyển động 24h trên kênh VTV1. Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng triển khai nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên trong nhiều chuyên mục được phát sóng trên các kênh truyền hình như: Kênh VTV1 (các chương trình: Quốc hội với cử tri, Hộp thư truyền hình, Tiêu điểm kinh tế, Thuế và cuộc sống, Hải quan Việt Nam, Vấn đề hôm nay…); Kênh VTV2 (các chương trình: An ninh và cuộc sống, Pháp luật và cuộc sống, Kinh doanh và pháp luật, Kỹ năng thoát hiểm, An sinh xã hội, Phổ biến kiến thức…); Kênh VTV3 (chương trình Sức nước ngàn năm, chuyên mục “
Cái lý cái tình/Khu dân cư rắc rối” …); Kênh VTV5 (Dân tộc và phát triển, Thông tin). Hệ thống Phim tài liệu, Phóng sự, Giao lưu - tọa đàm phát sóng trên các kênh truyền hình… và hệ thống tin/ bài trên báo điện tử VTV News của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã đóng góp rất nhiều nội dung và góp phần đa dạng hóa hình thức chuyển tải nội dung được quy định trong Chương trình phối hợp.
Trên các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, các thông tin chính sách, pháp luật cần tuyên truyền đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện của Đài như: Kênh Thời sự (VOV1); Kênh Văn hóa – Xã hội (VOV2); Kênh Dân tộc (VOV4); Kênh Đối ngoại (VOV5); Kênh VOV Giao thông; Kênh Truyền hình VOVTV; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; Báo Tiếng nói Việt Nam; Báo Điện tử: VOV.VN; VTV News. Trong đó, các chương trình của Kênh Thời sự (VOV1) đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhân dân. Các Chương trình Thời sự (6h, 12h, 18h, 21h30); các bản tin thời sự trong ngày; Bản tin pháp luật tập trung thực hiện thông tin nhanh các sự kiện pháp luật, văn bản pháp luật mới, các vụ án đang được dư luận xã hội quan tâm; phân tích, bình luận những sự kiện liên quan đến pháp luật, những bất cập trong việc áp dụng quy định, văn bản pháp luật vào cuộc sống. Đặc biệt, các chương trình chuyên đề còn dành thời lượng đáng kể cho việc phản ánh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ thành phố đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… Ngoài ra, Kênh Thời sự VOV1 còn thường xuyên tổ chức các tọa đàm về các vấn đề có liên quan đến pháp luật mà thính giả quan tâm như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Bảo hiểm y tế… Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đậm nét ở hai chương trình Diễn đàn VOV2 (phát trực tiếp 30 phút/chương trình) và Tư vấn chế độ chính sách (phát trực tiếp 30 phút/chương trình) với các chuyên mục: Trả lời bạn nghe đài; Ý kiến bạn nghe đài, Hộp thu công dân; Giới thiệu văn bản mới; Khách mời từ các Bộ, ban, ngành giải đáp trực tiếp các thắc mắc của người dân trong việc thực hiện chế độ chính sách. Đây là hai chương trình có tính tương tác cao với người dân, trực tiếp nhận và giải thích về các quy định pháp luật được đông đảo khán thính giả quan tâm.
Một số chương trình/nội dung nổi bật do Bộ Tư pháp phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện như: Gameshow pháp luật “Sức nước ngàn năm”
[1]; chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên kênh VTV2
[2]; Tọa đàm “
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính”[3]; phổ biến các quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tuyên truyền về thực hiện cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2020; truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm, về cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp; chương trình giao lưu Tọa đàm trên Kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (Bộ Tư pháp phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty cổ phần Alo Media tổ chức sản xuất); việc ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật
[4]; Tọa đàm “
Điểm mới của Nghị định 32 về theo dõi thi hành pháp luật”
[5]; giới thiệu Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
[6]…
Một số chương trình/nội dung nổi bật do Bộ Tư pháp phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện như: Xây dựng và phát sóng 02 chương trình truyền thông về tiếp cận pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam (năm 2018); tổ chức xây dựng và phát sóng các tọa đàm về PBGDPL, tiếp cận pháp luật trênVOV
[7]…
Bên cạnh việc thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, pháp luật đến đông đảo khán thính giả; theo Chương trình phối hợp, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện thông tin, giới thiệu về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, trọng tâm là công tác xây dựng, thẩm định hoàn thiện thể chế chính sách, công tác thi hành pháp luật, quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp khác phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp. Một số nội dung/chương trình nổi bật như:
- Năm 2019: Thực hiện thông tin tuyên truyền về việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân, gắn với tổng kết thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; thông tin, truyền thông về lĩnh vực quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; phản ánh những khó khăn, tồn tại trong công tác thi hành án dân sự; thực hiện tin, bài về hoạt động tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và các sự kiện quan trọng khác của ngành Tư pháp; đưa tin về Lễ phát động cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”
[8]; Tọa đàm “
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp”[9]…
- Năm 2020: thực hiện truyền thông thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V
[10]; xây dựng Chương trình về công tác xây dựng pháp luật trong Đề tài chung về Cải cách hành chính
[11]; phối hợp Ban Nội chính Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; thực hiện truyền thông về Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật PBGDPL
[12]; Khởi động Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 do JICA tài trợ
[13]; Công tác trợ giúp pháp lý
[14]; phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền dân sự, chính trị; truyền thông về Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải; về các nội dung về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Tọa đàm “
10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp”[15]; phát sóng phim tài liệu “
Tư pháp Việt Nam phấn đấu, trưởng thành vì đất nước, vì nhân dân”[16].
- Năm 2021: Xây dựng, phát sóng trailer cổ động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” trên VTV1, VOV1 và đưa tin về tình hình tổ chức, kết quả Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” trong chương trình Quốc hội với cử tri trên VTV1; Các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2021) (phát sóng tin thời sự hưởng ứng kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp
[17]); kỷ niệm 24 năm thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (xây dựng và phát sóng phóng sự "Trợ giúp pháp lý 24 năm hình thành và phát triển"
[18])…
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện trên các kênh phát sóng của Đài đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong triển khai Chương trình phối hợp. Để góp phần lan tỏa tinh thần Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, hàng năm, Bộ Tư pháp và Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đều phối hợp xây dựng, phát sóng các nội dung, chương trình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam như:
- Trên Đài Truyền hình Việt Nam: Tổ chức Lễ giao lưu truyền hình trực tiếp “Sáng mãi tinh thần thượng tôn pháp luật” (năm 2018); xây dựng và phát sóng các trailer Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phóng sự “Phòng chống mua bán người và di cư trái phép (tiếng H-Mông)” trên VTV5; Phóng sự “Một số chính sách, pháp luật đối với người dân tộc thiểu số (tiếng BaNa)” trên VTV5; Xây dựng 02 Phóng sự về Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật; Xây dựng 02 chương trình chuyên đề về Ngày Pháp luật (Chương trình Quốc hội với cử tri và Vấn đề hôm nay); Phối hợp thực hiện Chương trình “Sức nước ngàn năm” số chuyên đề hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (phát sóng ngày Chủ nhật 08/11/2020); Tổ chức tọa đàm về chủ đề "
Hiểu đúng pháp luật để sống đúng, sống hạnh phúc"
[19]; Xây dựng, phát sóng 02 tin phóng sự với chủ đề: “
Truyền thông chính sách pháp luật từ xa từ sớm” và Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021
[20]…
-Trên Đài Tiếng nói Việt Nam: Xây dựng các trailer truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam, Cuộc thi Pháp luật với mọi nhà, Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên VOV giao thông, VOV1; thực hiện các tọa đàm giao lưu về công tác PBGDPL, tiếp cận pháp luật…
Cùng với việc tuyên truyền, PBGDPL trên các phương tiện truyền thông cho khán thính giả trong và ngoài nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thường xuyên quan tâm quán triệt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt; các cuộc sinh hoạt chuyên đề về pháp luật; kết hợp trong các cuộc giao ban điều hành nội dung tuyên truyền hàng ngày, giao ban điều hành tuần tại Đài và đưa lên mạng thông tin nội bộ; đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các đơn vị trong Đài tự nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi hiểu biết về pháp luật.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình phối hợp, hàng năm, Bộ Tư pháp thường xuyên cử chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị chức năng tham gia các chương trình theo đề xuất của Đài; hỗ trợ báo cáo viên pháp luật; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL cho địa phương và báo cáo viên pháp luật của Đài; tạo điều kiện thuận lợi cho biên tập viên, phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia và đưa tin về hoạt động PBGDPL và các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.
Bên cạnh đó, các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và chấp hành pháp luật luôn là những đề tài được đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Đài quan tâm xây dựng và kịp thời phản ánh trên sóng truyền hình nhằm lan tỏa hơn. Đây chính là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả nhất đến đông đảo quần chúng Nhân dân.
Kết quả tổng kết thực hiện Chương trình phối hợp trong 05 năm qua đã cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao hiểu biết về chức năng, vị trí, vai trò, hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp trong các tầng lớp Nhân dân.
Để tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã thống nhất tiếp tục xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2022 – 2027./.