Theo Báo cáo, qua 03 năm triển khai Đề án, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng cao, từng bước hạn chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa phương. Tình hình vi phạm pháp luật trên biển của ngư dân, nhân dân nhất là vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác IUU, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy trên biển được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm túc, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm trên phạm vi cả nước; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên được ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc; đồng thời đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Ở cấp Bộ Quốc phòng, với chức năng là Cơ quan thường trực Đề án, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu và trực tiếp triển khai biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền, giáo dục; phối hợp xây dựng phóng sự, phim tài liệu, video clip tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... qua đó làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Ở địa phương, UBND các tỉnh/thành phố có biển đã quan tâm chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo và cơ quan giúp việc, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương, các sở, ngành (Tư pháp, Thông tin và truyền thông, báo, đài phát thanh-truyền hình…), bộ chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh/thành phố, các quận, huyện trong tổ chức thực hiện Đề án.
Tuy nhiên bên cạnh đó việc triển khai Đề án vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc tuyên truyền Đề án có địa phương, đơn vị có thời điểm chưa thường xuyên, còn mang tính thời vụ hoặc cho là của lực lượng chuyên trách Cảnh sát biển; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền ở cơ sở tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm chưa phong phú, đa dạng, chưa sát với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư, chưa thực sự gắn với thực tế hoạt động người dân; chưa nhân rộng được các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; mức độ chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế...
Trên cơ sở các kết quả, tồn tại, hạn chế trong triển khai Đề án, Bộ Quốc phòng cũng đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với bối cảnh tình hình mới, cụ thể như: (i) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án; (ii) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển giai đoạn 2019-2023”; Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”; (iii) Phát huy hơn nữa vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong chấp hành, thực hiện các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam; (iv) Tăng cường công tác biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật, kết hợp, lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật trong các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và các cuộc vận động, phong trào của đơn vị, địa phương; (v) Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, các cơ quan báo chí, các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở…; ( vi) Quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị, huy động các nguồn lực bảo đảm cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai thực hiện Đề án nói riêng tại các địa phương, đơn vị quân đội đạt hiểu quả cao.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật