Thời gian qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và công nghệ, bưu chính đã trở thành một trong những lĩnh vực lớn và đóng góp vào sự phát triển quan trọng của đất nước và cần phải có định hướng mới trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, năm 2021, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" và có hiệu lực ngay từ ngày ký. Trước đó, năm 2001, chiến lược phát triển bưu chính viễn thông (BCVT) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành gắn liền sự phát triển lĩnh vực bưu chính với lĩnh vực viễn thông.
Cùng với đó, lĩnh vực bưu chính cũng ghi nhận thành tựu lớn trong giai đoạn 2010-2020 là ban hành Luật Bưu chính năm 2010.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh thành đã được nghe đại diện Vụ Bưu chính phổ biến, cập nhật thông tin cho các Sở TT&TT về các nội dung gồm: Tổng quan thị trường bưu chính và một số định hướng; Một số điểm mới của Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 47/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bưu chính; Khái quát kết quả thực hiện Luật Bưu chính và một số định hướng sửa đổi, bổ sung; Kế hoạch hành động Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết lĩnh vực bưu chính hiện nay có 3 nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng là: đưa người dân địa phương lên sàn thương mại điện tử ; phát triển và sử dụng nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; triển khai Quyết định số 468/2021/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Theo đó, các Sở TT&TT cần nắm được thể chế của lĩnh vực bưu chính, đặc biệt là Chương trình phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt để thực hiện. Chiến lược nói rất rõ các mục tiêu, giải pháp, định hướng phát triển lớn của lĩnh vực. Theo đó, các Sở cần có kế hoạch triển khai, có các đầu việc cụ thể hóa kế hoạch.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: các Sở cần lưu ý các quy định liên quan, đặc biệt Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết một số của Luật Bưu chính, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông (BCVT).
Tại Hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Bưu chính và các đơn vị liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ bằng công nghệ với các doanh nghiệp bưu chính không để xảy ra tình trạng lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trên địa bàn. Đồng thời phải có chế tài mạnh, phạt nặng doanh nghiệp vi phạm.
Về chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng lưu ý các Sở TT&TT xem xét lại cách thức điều hành và chỉ đạo lĩnh vực bưu chính để có sự quan tâm sâu hơn, tốt hơn. "Năm nay, trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là lấy người dân làm trung tâm, đào tạo, đưa người dân lên môi trường số và đào tạo người dân thành công dân số. Bưu chính đang làm những việc này. Các Sở T&TT phải lưu ý để triển khai", Thứ trưởng nêu rõ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều cùng ngày, các đại biểu còn được lắng nghe chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp triển khai phát triển ứng dụng nền tảng địa chỉ số; bản đồ số phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông