Qua đó, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các Bộ, ngành, đoàn thể từ TƯ đến cơ sở, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên PBGDPL ở cơ sở. Vai trò của các cơ quan tư pháp trong PBGDPL được phát huy, nâng cao nhận thức của các cơ quan về trách nhiệm trong việc tuyên truyền, PBPL. Từng bước khẳng định hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, đặc biệt là năng lực của cán bộ pháp chế Bộ, ngành, sở, ban ngành và đội ngũ cán bộ tư pháp, báo cáo viên pháp luật các cấp. Đẩy mạnh hoạt động PBGDPL góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện đề án cũng còn một số tồn tại, hạn chế do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác PBGDPL, lực lượng thực hiện công tác PBGDPL tuy đông nhưng không tập trung, chủ yếu kiêm nhiệm, chế độ chưa cao, chưa có cơ chế thu hút họ tham gia lâu dài, kinh phí thực hiện Đề án ở các cấp còn eo hẹp, một số nơi không được cấp kinh phí riêng, cấp huyện, xã hầu như không có kinh phí thực hiện đề án khi kinh phí cho công tác PBGDPL cũng chưa bố trí được…
Nhân rộng những mô hình, phương pháp phù hợp, hiệu quả
Cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án 2 giai đoạn 1, đa số thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện các tổ chức pháp chế Bộ, ngành và đoàn thể TƯ bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng nội dung tài liệu, hình thức tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với các đối tượng, quan tâm PBGDPL cho cả đội ngũ cán bộ, công chức để có hiểu biết toàn diện về hệ thống pháp luật, bảo đảm “đi đôi” quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên trong công tác PBGDPL, bố trí kinh phí đầy đủ và kịp thời…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền một lần nữa khẳng định, PBGDPL luôn được đánh giá là công tác quan trọng và được Đảng, Nhà nước quan tâm với các chủ trương, chính sách và hệ thống thể chế về PBGDPL. Thời gian qua, trong nhiều chương trình, đề án về PBGDPL đã được thực hiện, Đề án 2 là một trong những đề án quan trọng nhất vì chất lượng đội ngũ báo cáo viên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác PBGDPL.
Đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 2 trong năm 2012, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu đưa ra những giải pháp để thực hiện Đề án 2 đến năm 2016 thành công. Trước mắt, năm 2013, cần triển khai Đề án với tầm hoạt động và nguồn lực rộng hơn với trọng tâm tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo tiêu chuẩn của Luật PBGDPL; đổi mới nội dung tập huấn, bồi dưỡng để góp phần “lan tỏa” ý thức chấp hành pháp luật trong xã hội; quan tâm đến đội ngũ PBGDPL trong nhà trường; hướng dẫn, nhân rộng thực hiện những mô hình, phương pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án để đánh giá tác động, hiệu quả, kết quả của Đề án đến việc nâng cao năng lực thực hiện công tác PBGDPL của nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL.
Hiện Bộ Tư pháp đang chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PBGDPL, có nhiều nội dung liên quan đến xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời, sẽ trình dự thảo Quyết định về tổ chức, hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp với dự kiến duy trì hoạt động của Hội đồng này ở các Bộ, ngành, đoàn thể TƯ và cấp xã ở những nơi cần và phù hợp.
H.Giang