Thứ nhất, công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL được quan tâm, chú trọng thực hiện: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, PBGDPL tới các cấp công đoàn như Công văn số 3710/TLĐ-TG ngày 28/02/2022 về việc định hướng các nội dung trọng tâm công tác tuyên giáo năm 2022, trong đó có công tác tuyên truyền, PBGDPL trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); Hướng dẫn số 51/HD-TLĐ ngày 08/3/2022 về các nội dung trọng tâm công tác tuyên truyền, PBGDPL: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung vào những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam như: pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho công nhân lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; chú ý định hướng dư luận trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến quyền, lợi ích đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhất là quá trình xây dựng, sửa đổi một số luật trong năm 2022 như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn và sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn; tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có ảnh hưởng đến người lao động ở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ban hành một số Công văn để chỉ đạo kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, Hội đồng phối hợp PBGDPL của Tổng Liên đoàn, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Ngày Pháp luật và tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Thứ hai, chú trọng thực hiện tuyên truyền, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về pháp luật phòng, chống tham nhũng; các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có ảnh hưởng đến người lao động ở doanh nghiệp: Hiện nay, Tổng Liên đoàn trực tiếp quản lý 2 cơ quan báo chí là Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam. Cùng với đó, các cơ quan công đoàn cấp tỉnh, ngành đang chỉ đạo, quản lý: 01 báo và 06 tạp chí; 74 trang thông tin điện tử của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương; 1 trang fanpage Công đoàn Việt Nam (do Tổng Liên đoàn quản lý), 800 Fanpage của công đoàn cấp trên cơ sở; trên 19.000 Fanpage của công đoàn cơ sở. Ngày 19/4/2022, Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch số 193/KH-TLĐ về việc sản xuất Gameshow "Giờ thứ 9+" trên sóng VTV3. Chương trình có ba vòng thi: Thử thách về tay nghề, trình độ hiểu biết pháp luật và năng khiếu của người lao động (Năm 2022 có 15 số - Số đầu tiên được phát sóng vào lúc 15h00 ngày 29/5). Để thực hiện tốt phần thi hiểu biết pháp luật, Tổng Liên đoàn đã thành lập Tổ chuyên gia cố vấn nội dung thi; xây dựng ngân hàng đề thi và đáp án về pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động. Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng sân khấu hóa, không khô cứng, dễ tiếp thu, được đông đảo CNVCLĐ đón nhận và tham gia.
Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch số 169/KH-TLĐ ngày 11/02/2022 thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí năm 2022; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc giám sát, phát hiện, cập nhật thông tin về kết quả phòng chống tham nhũng của Trung ương, kết quả xử lý các vụ việc, thông tin kịp thời, có nhiều bài phân tích, bình luận về công tác phòng chống tham nhũng; tuyên truyền, cổ vũ, động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ ba, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền trực tiếp đến CNVCLĐ tiếp tục được quan tâm triển khai: Tổng Liên đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn toàn quốc ở các khu vực, vùng miền, trong đó có chuyên đề về công tác tuyên truyền, PBGDPL; hoạt động công đoàn cơ sở trong tình hình mới; triển khai tập huấn về Bộ luật Lao động 2019, pháp luật bảo hiểm xã hội: Tổ chức 03 hội nghị tập huấn cho 300 cán bộ công đoàn cấp tỉnh tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam. Nội dung tập trung vào những vấn đề cần quan tâm và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động 2019 và các chính sách mới ban hành trong lĩnh vực lao động, công đoàn và an sinh xã hội; tình hình thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; một số vấn đề cơ bản của Luật Bảo hiểm Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành; một số vấn đề cơ bản trong nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội. Ngoài ra, đã tổ chức 06 lớp tập huấn mô đun 2 đào tạo chuyên gia - giảng viên về thỏa ước lao động tập thể cho 150 cán bộ chuyên trách công đoàn; đối thoại, trao đổi về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và các vấn đề an sinh xã hội; tổ chức 05 hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam với 220 người tham gia; 01 hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở với 50 người tham gia. Bên cạnh đó, đã tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động nữ, bình đẳng giới, quyền trẻ em với 6.637 cuộc tuyên truyền cho 1.332.367 lượt cán bộ, CNVCLĐ; cấp phát nhiều tài liệu tuyên truyền đến công nhân lao động (Sổ tay Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và những điều cần biết về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; Sổ tay Hỏi đáp về quyền của lao động nữ trong quan hệ lao động).
Thứ tư, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động đối thoại, ký kết thỏa ước lao động: Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch số 156/KH-TLĐ ngày 15/12/2021 tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2022, trong đó có chương trình “Đối thoại tháng 5” với các nội dung đề xuất kiến nghị về chế độ, chính sách của công nhân lao động; tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến (điểm cầu trung tâm tại tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu tại các địa phương). Tại Chương trình, công nhân lao động có 09 nhóm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; rà soát, sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo nghề; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm Covid-19; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; giải pháp tổ chức nơi khám, chữa bệnh phục vụ công nhân lao động tại khu công nghiệp; công nhân lao động được khám, chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động tham gia vào hoạt động “tín dụng đen”; các địa phương tăng cường công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở công nhân lao động thuê hoặc mua, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; quy hoạch, triển khai xây dựng nhà trẻ, trường học cho con công nhân lao động; thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, nơi có đông công nhân lao động.
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết đình công, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cũng được quan tâm triển khai. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng Liên đoàn đã quan tâm tuyên truyền, phổ biến chính sách, hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 thông qua các hoạt động như: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; rà soát các chính sách hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy định pháp luật; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 (giám sát trực tiếp việc chi hỗ trợ Covid-19 tại 10 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành; tham gia Đoàn khảo sát về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Long An do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức)...
Có thể khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã bám sát chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương để cụ thể hóa việc chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai. Công tác PBGDPL đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội và tình hình CNVCLĐ như tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ. Công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua việc nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tư vấn pháp luật; đối thoại, thương lượng; kiểm tra, giám sát....ngày càng được nâng cao chất lượng... Thông qua các hoạt động PBGDPL, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công nhân, viên chức, lao động ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác PBGDPL trong 6 tháng đầu năm 2022 nêu trên, trong 6 tháng cuối năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây: (i) Hoàn thành kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL của Tổng Liên đoàn, nâng cao chất lượng các phiên họp của Hội đồng theo quy định; (ii) Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn và sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn; (iii) Tiếp tục phổ biến chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho CNLĐ; các chính sách phục hồi thị trường lao động, việc làm, phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; (iv) Chú trọng chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; chất lượng ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho đoàn viên, người lao động; (v) Tiếp tục đổi mới hình thức PBGDPL theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội; phát huy vai trò của báo chí trong công tác PBGDPL; (vi) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác PBGDPL trong CNVCLĐ; tổng kết công tác PBGDPL năm 2022./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật