Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Hội đồng cùng chủ trì buổi làm việc; tham dự có đại diện các thành viên Tổ thư ký Hội đồng (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) và một số đơn vị chức năng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Kinh tế, Ban Xã hội, Văn phòng, Ban Dân tộc, quốc phòng, an ninh,…).
Báo cáo kết quả công tác PBGDPL của Hội Nông dân Việt Nam các cấp và việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội cho biết Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân được tổ chức ở 4 cấp từ trung ương đến cơ sở với 63 Hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 674 Hội Nông dân cấp huyện; 9.903 Hội Nông dân cấp xã; 80.410 chi hội và 143.053 tổ Hội; 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội với 10,2 triệu hội viên. Với lực lượng hội viên đông đảo và 21.600 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cấp Hội, công tác PBGDPL được tổ chức triển khai đa dạng về hình thức (tuyên truyền miệng, chuyên trang, chuyên mục, tài liệu, loa truyền thanh cơ sở, cuộc thi, hội thao, sinh hoạt câu lạc bộ). Các cấp Hội đã triển khai một số mô hình điểm, trong đó mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” được phát triển và nhân rộng ở các địa phương; mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” có số lượng lớn (hơn 6.480 câu lạc bộ) với 185.000 thành viên tham gia. Đây vừa là mạng lưới tuyên truyền pháp luật, hòa giải viên, vừa là lực lượng nòng cốt trong phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật ở thôn, làng, ấp, bản. Các hoạt động PBGDPL thông qua công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được các cấp Hội chủ động thực hiện, kịp thời tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân. Qua đó, giáo dục pháp luật, giúp cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá công tác của Hội Nông dân các cấp hiện này còn nhiều khó khăn; trình độ của người nông dân còn thấp, địa bàn vùng nông thôn rộng lớn, trang thiết bị còn hạn chế… Do đó Trung ương Hội mong muốn thời gian tới, Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ có nguồn kinh phí cho các tổ chức Hội, trong đó có Hội Nông dân để góp phần làm tốt công tác PBGDPL.
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao công tác PBGDPL của Trung ương Hội Nông dân và các cấp Hội ở cơ sở trong thời gian qua. Trung ương Hội đã phát huy trách nhiệm, tận dụng tối đa nguồn lực, chú trọng lồng ghép triển khai công tác này đạt được nhiều kết quả. Nội dung PBGDPL đã bao quát mọi vấn đề của đời sống nông dân, cách làm phong phú, triển khai có chiều sâu. Để tiếp tục phát huy, thời gian tới Trung ương Hội Nông dân cần quan tâm tới một số nhiệm vụ trọng tâm mà trước hết là tập trung triển khai nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL cho nông dân theo hướng lấy ý thức tuân thủ pháp luật cho nông dân làm trọng tâm, thực hiện mục tiêu nông dân chủ động tìm hiểu, thực hiện pháp luật. Theo đó cần nhận thức sâu sắc, xuất phát từ đặc thù của nông dân, gắn với nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, để phân loại theo lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Nông dân là lực lượng to lớn, luôn trung thành với Đảng và Nhà nước, quyết định sự thành công của cách mạng; việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng phải dựa vào dân; đây cũng là lực lượng sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đã nêu rõ đóng góp của nông nghiệp là trọng yếu, do đó cần quan tâm hơn nữa đến công tác PBGDPL cho nông dân. Trong điều kiện thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg, Trung ương Hội và Hội Nông dân các cấp tiếp tục phát huy trách nhiệm của mình, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, chú trọng thông qua Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương để chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh về việc tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân lực làm công tác PBGDPL ở cơ sở. Với hơn 10 triệu hội viên nông dân, hệ thống tổ chức Hội rộng lớn, hơn 6.000 câu lạc bộ Nông dân với pháp luật và 21.600 tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật, đây là nguồn lực hết sức to lớn, có thể huy động để thực hiện công tác PBGDPL ở cơ sở. Ngành Tư pháp không thể làm hết được mà cần phối hợp, huy động, phát huy vai trò của lực lượng này. Nội dung PBGDPL đã bao quát hết các lĩnh vực, tuy nhiên cũng nên có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn vấn đề gần gũi, thiết thực kể cả những vấn đề chung, nguyên lý của pháp luật; ý nghĩa và vai trò của pháp luật trong cuộc sống; ý nghĩa và vai trò của việc chấp hành pháp luật, người dân có niềm tin vào pháp luật để từ đó thực hiện đúng. Về hình thức PBGDPL, tiếp tục phát huy những mô hình truyền thống có hiệu quả, đồng thời tăng cường các hình thức mới để đổi mới công tác PBGDPL. Hiện nay Bộ Tư pháp đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, trong đó hướng tới mục tiêu Nhà nước tạo dựng các điều kiện cần thiết để người dân chủ động tìm hiểu pháp luật, để thực hiện cần có lộ trình gắn với Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để ứng dụng công nghệ thông tin, cần nâng cấp, đầu tư cho chuyên trang PBGDPL, kết nối với Cổng thông tin điện tử quốc gia để xây dựng, sử dụng nguồn tài nguyên chung. Trên cơ sở buổi làm việc, Trung ương Hội, cụ thể là đồng chí Ủy viên Hội đồng sớm chuẩn bị tài liệu, nội dung để đưa ra trao đổi, thảo luận tại Phiên họp Hội đồng sắp tới đây, có thể nghiên cứu, đề xuất có Đề án về tăng cường công tác PBGDPL cho nông dân, nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Việt Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật