Sẽ hướng dẫn thực hiện thống nhất
Một trong những nguyên nhân của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp theo nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp lý là “nhận thức và hiểu biết pháp luật vẫn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém, có tư tưởng “nhờn luật”, “ỷ lại các mối quan hệ”… Ngoài ý thức của người dân thì tình trạng luật nhiều nhưng “chậm, thậm chí khó đi vào cuộc sống” cũng khiến cho nhiều quan hệ xã hội được “vô tư” thực hiện “ngoài vòng pháp luật”, cá biệt không ít cá nhân hành xử theo kiểu “luật rừng” gây mất trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.
Vì thế, công tác phổ biến giáo dục pháp luật luôn được tăng cường, đổi mới với những hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế và hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong “phong trào” đó, “Ngày pháp luật” trở thành mô hình phát huy nhiều tác dụng và được thực hiện theo nhiều mô hình sinh động, hấp dẫn. Đó là những căn cứ thực tiễn để Bộ Tư pháp nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về hình thức và nội dung tổ chức “Ngày pháp luật” hiệu quả, tiết kiệm, tránh rơi vào tình trạng phô trương, hình thức.
Ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiến cho biết, hiện Bộ đang dự thảo văn bản hướng dẫn về nội dung và hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” và sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để khi triển khai, “Ngày pháp luật” theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ trở thành một hoạt động thường niên, thu hút được đông đảo người dân tham gia và phát huy hiệu quả trong việc “đưa luật vào cuộc sống”.
“Mô hình hóa” kinh nghiệm thực tiễn
Theo kinh nghiệm tổ chức “Ngày Pháp luật” của Bộ Quốc phòng, người tổ chức “Ngày Pháp luật” phải không ngừng tích cực, tìm tòi, sáng tạo những cách làm thiết thực, tiệm cận với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật. Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) cho biết, bằng các hình thức như thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu với địa phương nơi đơn vị đóng quân…, “Ngày Pháp luật” đã thu hút, lôi cuốn được đông đảo cán bộ, chiến sỹ tham gia, dần trở thành một chế độ sinh hoạt, học tập ở đơn vị cơ sở, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ.
Còn từ kinh nghiệm tại Long An, đại diện Sở Tư pháp tỉnh cho rằng, để “Ngày pháp luật” trở thành một kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả cần phải đưa hiệu quả sinh hoạt “Ngày pháp luật” thành một tiêu chí đánh giá thi đua của đơn vị, dành kinh phí hợp lý phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt “Ngày Pháp luật”. Đặc biệt, ở các cơ quan, đơn vị, cần căn cứ vào số lượng đối tượng tham để lựa chọn qui mô tổ chức hiệu quả. Như cơ quan, đơn vị từ 10 người trở lên thì có thể tổ chức tập trung nhưng nếu có ít cán bộ, công chức hoặc có nhiều bộ phận phân tán thì nên tổ chức sinh hoạt “Ngày Pháp luật” theo khối cơ quan chuyên môn…
Đối với địa phương còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế như Hà Giang thì “Ngày Pháp luật” chỉ có thể đảm bảo ý nghĩa “thượng tôn pháp luật” – một vấn đề tương đối “xa vời” với đại đa số người dân khi có sự phối hợp giữa cán bộ tư pháp với các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân… để tuyên truyền và hướng “Ngày pháp luật” đem được nhiều “hơi thở” của cơ sở thông qua những tiểu phẩm, tình huống, chủ động giải đáp các vấn đề mà người dân quan tâm… mới mong “lôi kéo được người dân từ trên nương, từ trong rừng đi… nghe luật”…
Nhiều kinh nghiệm tổ chức “Ngày Pháp luật” thiết thực như vậy đã được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức và qua đó đúc kết được những kinh nghiệm quí báu trước khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành. Việc phổ biến, nhân rộng và “mô hình hóa” những kinh nghiệm đó trong hướng dẫn triển khai “Ngày Pháp luật” hàng năm là cần thiết để “Ngày Pháp luật” không là một hoạt động chỉ để phô trương, chạy theo phong trào, mà có thể trở thành “một phần của cuộc sống” trong một ngày không xa.
Huy Anh