Để cung cấp, trang bị cho hòa giải viên những nội dung cô đọng nhất, ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng cuốn Sổ tay “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở”. Mục đích của việc xây dựng cuốn Sổ tay này là để phát hành tới các tổ hòa giải ở cơ sở thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biên giới, hải đảo – nơi có điều kiện khó khăn về kinh tế xã hội, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin (hạn chế trong việc trang bị, sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh và thậm chí nhiều nơi chưa có mạng internet). Cuốn sổ tay này rút gọn những nội dung cơ bản của Tài liệu tập huấn “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở” với yêu cầu độ dài khoảng 40 trang A5 (khổ 15cm x 20cm) và phải bảo đảm tính rõ ràng, mạch lạc, tiện tra cứu cho hòa giải viên theo hướng cầm tay chỉ việc, có thể áp dụng trong thực tiễn.
Nhằm hoàn thiện nội dung cuốn Sổ tay, hạn chế tối đa những sai sót về cả nội dung cũng như kỹ thuật trình bày, ngày 19/10/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tổ chức cuộc họp kỹ thuật góp ý dự thảo nội dung Sổ tay.
Cuộc họp do đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì. Đến dự cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UN Women), UNDP, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế - Ủy ban dân tộc, Hội Luật gia Việt Nam, Sở Tư pháp Hà Nội… và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, góp ý dự thảo nội dung Sổ tay. Trong đó, các ý kiến đánh giá cao tính thiết thực của cuốn Sổ tay, nội dung và công tác soạn thảo, xây dựng bản thảo Sổ tay. Để hoàn thiện Sổ tay trước khi phát hành tới tổ hòa giải và hòa giải viên, các đại biểu cũng đề nghị nhóm soạn thảo xem lại bố cục, cân đối các chương/phần trong cuốn Sổ tay; một số nội dung còn dàn trải, cần ngắn gọn hơn, đơn giản hơn, dễ hiểu, dễ tiếp cận, cần có thêm các hình ảnh minh họa; những nội dung lưu ý nên đưa vào khung/hộp để tạo điểm nhấn…
Phát biểu tại Cuộc họp, đồng chí Phan Hồng Nguyên ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu và chỉ đạo nhóm soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các góp ý để hoàn thiện Sổ tay, đảm bảo truyền tải những nội dung về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, đại diện UNDP cho biết, trong thời gian tiếp theo, UNDP sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật để chỉnh sửa, hoàn thiện Sổ tay và in hơn 3.000 bản để phát hành đến các tổ hòa giải ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn./.
Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật