Chủ trì buổi làm việc là đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, và đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác của Bộ Tư pháp có đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, đại điện Ban Nội chính Trung ương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Về phía Liên đoàn luật sư có đồng chí Đào Ngọc Chuyển, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sự, đồng chí Lê Cao Long, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật; đồng chí Lê Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng Liên đoàn Luật sư và các đại diện thuộc các Ủy ban của Liên đoàn.
Hội nghị đã nghe Liên đoàn Luật sư báo cáo tóm tắt về kết quả triển khai công tác PBGDPL tại Liên đoàn Luật sư trong thời gian qua: kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, giải pháp khắc phục và kiến nghị, đề xuất đối với Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, với Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
Công tác PBGDP được Liên đoàn Luật sư quan tâm, đôn đốc chỉ đạo các Đoàn luật sư tỉnh, thành phố, các luật sư thành viên thực hiện, điểm nhấn là các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội với nguyên tắc “Tận tâm, vô tư” và “Không nhận tiền thù lao, lợi ích vật chất khác từ người được trợ giúp pháp lý”. Nội dung trợ giúp pháp lý khá đa dạng: tham gia phổ biến pháp luật; tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý; đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý với các hình thức phù hợp.
Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư còn tổ chức thực hiện một số mô hình PBGDPL hiệu quả: phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các Đài phát thanh và truyền hình xây dựng chương trình triển khai PBGDPL theo các chương trình, đề án trọng tâm của địa phương, chuyên mục “Luật sư trả lời” (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Ninh Bình,...), xây dựng chuyên mục pháp luật tư vấn miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo và trẻ em và các đối tượng không thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí (Đoàn Luật sư Hà Nội); tuyên truyền, phổ biến nâng cao trình độ pháp luật cho đội ngũ luật sư trong toàn quốc nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư hoàn thành nghĩa vụ bồi dưỡng hàng năm, thành lập trang fanpage trên facebook mang tên “VBF - Đào tạo, bồi dưỡng luật sư” để đăng tải các tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư; Tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý cho công dân và các tổ chức trong và ngoài nước trong đó tiến hành tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách như gia đình đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước; với mô hình Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế, liên đoàn đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm và lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các luật sư nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho luật sư qua đó từng bước nâng cao chất lượng luật sư tham gia và hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, thương mại Quốc tế.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật: tổ chức các khóa bồi dưỡng cho luật sư bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom Cloud Meetings, đăng tải các thông tin quy định pháp luật tại Cổng Thông tin điện tử (website) của Liên đoàn Luật sư. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là các bài nghiên cứu chuyên sâu giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể trong cuộc sống...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của Liên đoàn Luật sư còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Công tác PBGDPL đã được Liên đoàn và các Đoàn luật sư thành viên triển khai nhưng còn bị động và mang tính phong trào, chưa có kế hoạch hàng năm,chưa trở thành hoạt động thường xuyên trong hoạt động hành nghề của các luật sư; Công tác tổng kết rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng hàng năm còn chưa được triển khai đều trong tất cả các Đoàn Luật sư và ở cấp Liên đoàn LS Việt nam; Kinh phí hoạt động cho công tác PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn, chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước; Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ còn sử dụng là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, việc PBGDPL chưa hiệu quả.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam có đề xuất, kiến nghị với Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tham mưu sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 123/2013/NĐ-CP trong đó chú ý phát huy vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư, cá nhân các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tham gia công tác PBGDPL.
Ghi nhận những kết quả Liên đoàn Luật sư đạt được trong công tác PBGDPL thời gian qua, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL đánh giá Liên đoàn Luật sư, các luật sư thành viên có vai trò quan trọng trong công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho các đối tương yếu thế, trong thời gian tới hy vọng Liên đoàn và hơn 17.000 luật sư sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, vốn hiểu biết, kinh nghiệm của mình để công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả, đặc biệt cần phát huy hơn nữa vai trò của luật sư trong công tác truyền thông, chính sách pháp luật.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đánh giá cao những kết quả trong công tác PBGDPL của Liên đoàn Luật sư, đề nghị Liên đoàn Luật sư phát huy trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”; đề nghị Liên đoàn xem xét, xây dựng Đề án riêng về công tác PBGDPL của Liên đoàn Luật sư, trong đó nêu rõ sự cần thiết, tính khả thi của Đề án để công tác PBGDPL thành hoạt động thường xuyên của Liên đoàn.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đưa ra nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, các vấn đề phát sinh mới trong công tác PBGDPL của luật sư hiện nay: việc luật sư tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, hoạt động PBGDPL cho kiều bào ở nước ngoài, PBGDPL cho các thành viên của Liên đoàn Luật sư nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đạo đức của luật sư, luật sư tham gia vào hoạt động PBGDPL trong trường học,….
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao những kết quả và đóng góp của Liên đoàn Luật sư, các Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố và các luật sư đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị trong thời gian tới để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của “giới Luật sư” được hiệu quả hơn nữa, Liên đoàn Luật sư, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh trong phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương. Bên cạnh việc tham gia trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư cũng cần thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng cũng như kiến thức pháp luật cho các luật sư cho mình quản lý; có kế hoạch cụ thể, định hướng triển khai công tác PBGDPL hàng năm; nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, có bố trí luật sư phụ trách thực hiện Đề án này; nghiên cứu đề xuất xây dựng 01 Đề án về phát huy vai trò của luật sư trong công tác PBGDPL; hàng năm biểu dương luật sư tham gia công tác PBGDPL vào Ngày pháp luật (9/11).
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ ban hành 01 Nghị quyết để triển khai công tác PBGDPL, từ đó có thể phát huy hết tiềm năng của Liên đoàn Luật sư và các luật sư thành viên trong công tác này; qua buổi làm việc, Liên đoàn Luật sư đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn luật sư trong công tác PBGDPL và sẽ tiếp tục tuyên truyền trách nhiệm của luật sư đối với công tác PBGDPL đến các thành viên; giao Trung tâm tư vấn pháp luật tổng kết, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả đến các Đoàn luật sư trong cả nước; nghiên cứu xây dưng Đề án phát huy vai trò của luật sư trong công tác PBGDPL trình Chính phủ, khơi dậy tinh thần tự tôn của giới luật sư đối với công việc vì cộng đồng, tham gia nhiều hơn trong công tác PBGDPL./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật