Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá, ngành Công Thương là ngành có lĩnh vực quản lý rất rộng lớn, bao quát, qua theo dõi 10 năm thực hiện Luật PBGDPL trong ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực; những vấn đề pháp luật trong nước, triển khai nội luật hoá các Hiệp định thương mại song phương rất thành công.
Bộ Tư pháp đánh giá cao công tác PBGDPL, xây dựng pháp luật của Bộ Công Thương nhưng so với yêu cầu, Bộ còn nhiều dư địa cần triển khai, khai thác toàn diện để phát huy hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL như yêu cầu của Ban Bí thư tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và mục tiêu Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, trong đó công tác PBGDPL cần triển khai một cách thực chất.
Chú trọng những hình thức phổ biến pháp luật có tính lan tỏa cao
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn cho biết, Bộ Công Thương luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, do vậy, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị ngành Công Thương nghiêm túc quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình, Kế hoạch công tác, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gắn với nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm của từng đơn vị.
Ngành Công Thương đã tổ chức thực hiện PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, huy động gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các đơn vị trong Bộ đã triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước ngành Công Thương như pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại, quản lý ngoại thương, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh theo phương thức đa cấp… đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng người dân và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng những hình thức tuyên truyền, phổ biến hiệu quả, có tính lan tỏa cao.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù luôn được Bộ Công Thương chú trọng và quan tâm, đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, các đơn vị nơi địa bàn có người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, tạo điều kiện, có chính sách phát triển và đào tạo các công chức làm việc tại các địa bàn có người DTTS, qua đó, các công chức hiểu và sử dụng được tiếng DTTS, nhằm xây dựng đội ngũ có thể thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới cộng đồng người DTTS đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Ở địa phương, một số Cục Quản lý thị trường các tỉnh như Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Trị.... đã chú trọng cử công chức tham gia học tiếng DTTS, làm cầu nối giúp cộng đồng dân tộc thiểu số tiếp cận và hiểu biết hơn về chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020” cho các cán bộ, viên chức và người lao động thuộc lực lượng quản lý thị trường. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo công chức, viên chức và người lao động của toàn lực lượng.
Đề nghị tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
Nhìn chung, công tác PBGDPL đã được Bộ Công Thương chú trọng triển khai, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương; phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước doanh nghiệp Việt Nam; làm chuyển biến đáng kể nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp chế cũng chỉ ra những tồn tại như việc triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, chất lượng tuyên truyền chưa cao; Nguồn nhân lực hiện có của công tác PBGDPL còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và chưa đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ Công Thương kiến nghị bổ sung kinh phí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Thực hiện xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp và của các tổ chức nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ, công chức, báo cáo viên làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tại buổi kiểm tra các thành viên Đoàn kiểm tra đã nêu các vấn đề mà đoàn kiểm tra quan tâm về việc PBGDPL đối với những vấn đề nóng, xã hội quan tâm, về đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các mô hình PBGDPL, việc triển khai một số đề án về PBGDPL của Chính phủ, công tác chuyển đổi số trong PBGDPL… Các vấn đề này đã được đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương làm rõ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã có nhiều kênh PBGDPL hiệu quả như qua báo chí truyền thông, qua đối thoại chính sách với doanh nghiệp, người dân; Về vấn đề truyền thông chính sách trong xây dựng dự thảo văn bản, đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan trong quá trình truyền thông về những chính sách lớn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có tác động đến đời sống người dân, xã hội, các đối tượng liên quan trực tiếp đến chính sách được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thông qua việc ứng dụng Công nghệ thông tin.
Xã hội hóa để tăng thêm nguồn lực cho PBGDPL
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngành Công Thương đã duy trì và phát triển các hình thức PBDGPL truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm làm mới, sinh động hơn các hình thức tuyên truyền.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực liên quan đến tính bảo mật của thông tin hay những lĩnh vực đặc thù thì ngành cũng cân nhắc hình thức PBGDPL phù hợp. Thứ trưởng khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục xác định PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Thứ trưởng mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục ủng hộ ngành Công Thương trong công tác này để ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Kết luận buổi làm việc Thứ trưởng Thanh Tịnh đánh giá, Bộ Công Thương đã triển khai toàn diện các mặt công tác, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. Hàng năm triển khai PBGDPL có điểm nhấn, gắn với lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ ngành, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu thông tin người dân và doanh nghiệp. Nhiều hình thức PBGDPL sáng tạo, phù hợp thực tiễn; trong đó vai trò các cơ quan truyền thông được phát huy mạnh mẽ. Ngày Pháp luật được Bộ Công Thương triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Bộ cũng đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị PBGDPL đặc thù, Thay mặt Hội đồng PHPBGDPL Trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong công tác PBGDPL của Bộ Công Thương, đóng góp thiết thực vào công tác PGDPL của cả nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị đề nghị Bộ tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, gắn xây dựng pháp luật với phổ biến pháp luật và thi hành pháp luật, trong đó chỉ đạo pháp chế Bộ có những giải pháp cụ thể thiết thực để thực hiện PBGDPL thực chất, hiệu quả.
Bộ cần kịp thời ban hành các kế hoạch để thực hiện hiệu quả các Đề án của Thủ tướng Chính phủ về công tác PBGDPL; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện cho người dân tham gia từ đầu quá trình xây dựng chính sách; tạo đồng thuận trong triển khai, thi hành các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư ứng dụng CNTT trong PBGDPL; Quan tâm tăng cường phối hợp liên ngành ở TW và hướng dẫn địa phương triển khai các chương trình kế hoạch của Hội đồng để đảm bảo đưa pháp luật Công Thương vào gần hơn cuộc sống, để pháp luật thực sự là công cụ hữu hiệu trong hoạt động quản lý của ngành.
Chia sẻ khó khăn trong vấn đề nguồn lực, Thứ trưởng Bộ Tư pháp mong Bộ Công Thương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ pháp chế, đội ngũ người làm công tác PBGDPL. Riêng kinh phí cho công tác PBGDPL, Bộ Công Thương cần phát huy lợi thế để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa PBGDPL để tăng thêm nguồn lực cho công tác này.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam