Liên kết website

Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028

27/11/2022

Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Đó là một trong những quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh tại Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 (sau đây gọi là Đề án).

Theo đó, Đề án khẳng định kết quả tuyên truyền về quyền con người là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các cấp, các ngành. Công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đạt kết quả tốt là điều kiện quyết định để công tác truyền thông về quyền con người đạt hiệu quả tốt. Đề án còn nhấn mạnh hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.

Tại mục 6 phần VII. Tổ chức thực hiện của Đề án đã giao Bộ Tư pháp “Chủ trì công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về quyền con người; xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”. Để kịp thời triển khai các các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án, ngày 24/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2316/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 (sau đây gọi là Kế hoạch).

Việc ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ do Bộ Tư pháp được giao chủ trì theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg; thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp về vị trí, vai trò của công tác truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; phát huy vai trò chủ động, tích cực phối hợp trong tổ chức và triển khai công tác truyền thông về quyền con người đạt hiệu quả, chất lượng.

Trong giai đoạn 2023-2028, Bộ Tư pháp tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
(i) Triển khai các hoạt động về chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt, truyền thông về Đề án.
(ii) Xây dựng Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
(iii) Tổ chức các hội nghị tập huấn về quyền con người, trọng tâm là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị.
Bao gồm các Hội nghị quán triệt, phổ biến cho cán bộ, công chức, người lao động thuộc Bộ Tư pháp; các Hội nghị tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức ở trung ương tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế được tổ chức hiệu quả, chất lượng.
(iv) Xây dựng các sản phẩm truyền thông, phát triển dữ liệu truyền thông nội dung Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT); kết quả thực hiện ở Việt Nam; số hóa, tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung về quyền con người.
Theo đó, cần tập trung xây dựng tài liệu, ấn phẩm, nội dung truyền thông; tăng cường trao đổi chuyên môn giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thống nhất cách hiểu về các quyền được quy định trong Công ước ICCPR. Đồng thời, thực hiện việc số hóa, tích hợp tài liệu, sản phẩm truyền thông về Công ước ICCPR, Công ước CAT vào cơ sở dữ liệu dùng chung về quyền con người (sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng xong hệ cơ sở dữ liệu); đăng tải trên các nền tảng internet (Cổng/Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật; Trang Thông tin điện tử pháp luật quốc tế; mạng lưới thông tin cơ sở…).
(v) Tổ chức các Hội thảo, xây dựng các đề tài, đề án, thực hiện các báo cáo nghiên cứu so sánh về chế định quyền con người trong hệ thống pháp luật Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện
(vi) Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế (trao đổi thông tin với các đối tác quốc tế về các cơ chế bảo vệ quyền con người, hoạt động bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi các Công ước của Liên hợp quốc về quyền con người).
(vii) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện truyền thông về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 03 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tác về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam.

Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện Kế hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, góp phần hoàn thành mục tiêu nêu tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: