Có thể khẳng định, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm đưa thông tin đến với người dân, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội… Triển khai thực hiện Luật góp phần công khai, minh bạch quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như một số cơ quan, đơn vị chưa xây dựng Chuyên mục về tiếp cận thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan mình, chưa kịp thời đăng tải, cung cấp thông tin do cơ quan, đơn vị mình tạo ra; việc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên khó khăn trong việc khai thác và cập nhật thông tin…Đặc biệt, theo báo cáo của một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tồn tại một số khó khăn từ các quy định của Luật Tiếp cận thông tin, đặc biệt về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân còn phức tạp, rườm rà....
Xuất phát từ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Hội nghị được tổ chức ngày hôm nay nhằm hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định pháp luật tiếp cận thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được đồng chí Đỗ Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Phòng Pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung về danh mục thông tin cần công khai; nội dung, hình thức và thời điểm công khai, công khai thông tin trên trang, cổng thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, nội dung thông tin công khai có điều kiện. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu và các trường hợp được từ chối cung cấp thông tin…Bên cạnh các nội dung nêu trên, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, và được báo cáo viên pháp luật giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật