Theo đó, ngân sách trung ương đảm bảo chi phí quản lý để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về quản lý đối tượng, hồ sơ, quản lý tài chính, kế toán và tổ chức thực hiện chi trả, trong đó có chi phổ biến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Nội dung và mức chi phổ biến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Ngoài nội dung nêu trên, Thông tư còn quy định một số nội dung chi phí quản lý khác như sau: (i) Chi thông tin, tuyên truyền về chính sách, công tác quản lý, chăm sóc người có công với cách mạng; (ii) Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý tài chính, quản lý hồ sơ, đối tượng, chi trả chế độ ưu đãi, công tác mộ liệt sĩ; (iii) Chi văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo, mua sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý; (iv) Chi phí chuyển tiền cho người thụ hưởng chính sách, cho cơ quan dịch vụ chi trả, chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng; chi phí vận chuyển tiền mặt; chi phí thuê địa điểm chi trả, lực lượng bảo vệ, nước uống cho người thụ hưởng tại các điểm chi trả; (v) Chi trả thù lao cho người trực tiếp chi trả trợ cấp đến người thụ hưởng; (vi) Chi thuê tổ chức dịch vụ chi trả trợ cấp cho người thụ hưởng: (vii) Chi xét duyệt, thẩm định, điều chỉnh hồ sơ người có công; (viii) Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm về tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; (ix) Chi hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; lập dự toán, xét duyệt, thẩm định quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công; chi công tác phí thẩm định, thực chứng, giải quyết hồ sơ người có công; (x) Chi làm đêm, thêm giờ; (xi) Chi xăng dầu, thông tin liên lạc phục vụ công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công; (xii) Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng, quản lý kinh phí; (xiii) Chi phí giám định tài liệu kỹ thuật hình sự hồ sơ người có công; (xiv) Chi khác phục vụ công tác quản lý; (xv) Chi đón tiếp người có công với cách mạng.
Các nội dung chi nêu trên nhằm phục vụ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ trong thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Mức chi phí quản lý bằng 1,7% tổng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) và được bố trí trong dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó chi phí phục vụ chi trả chế độ đến người thụ hưởng tối đa bằng 0,75% tổng số kinh phí chi trả chế độ của toàn ngành. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phân bổ tỷ lệ chi phí quản lý và tỷ lệ chi phí phục vụ chi trả chế độ phù hợp với đặc thù của từng địa phương, bảo đảm trong phạm vi dự toán được giao cho công tác quản lý của toàn ngành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2022./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật