1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án ngày càng được coi trọng và ưu tiên áp dụng. Điều này thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã định hướng tăng cường sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp
“Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở”; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là
“Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm….; phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng khẳng định
“Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp…”.
Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là một trong những phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”, người dân tự quyết định vấn đề của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Hoạt động hòa giải ở cơ sở thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu
“củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…”, tạo sự đồng thuận xã hội, vận động Nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Bên cạnh đó,
việc “tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn” cũng là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thời gian gần đây, nhiều văn bản có giá trị pháp lý cao được Quốc hội ban hành đều khuyến khích sử dụng biện pháp hòa giải trước khi áp dụng các biện pháp tư pháp chính thống, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Trong các văn bản này đều có những quy định ưu tiên hòa giải ở cơ sở khi có tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật.
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, ngày 18/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022” (sau đây gọi là Đề án 428). Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan và địa phương tổ chức thực hiện Đề án. Ngày 26/6/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 183/BC-BTP về tổng kết thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022” trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Trong đó, đề nghị cho phép gia hạn việc thực hiện Đề án đến hết năm 2025. Ngày 11/07/2023 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5162/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với đề nghị của Bộ Tư pháp tại Báo cáo số 183/BC-BTP:
“giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan có liên quan trên cơ sở tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện Đề án giai đoạn 2019-2022 xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2025”.
2. Cơ sở thực tiễn
Đề án 428 đã được Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện đạt được những kết quả nổi bật như
[1]:
- Các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ, đối tượng của Đề án 428. Bộ Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức thực hiện Đề án 428 phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước đã xây dựng được đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; việc biên soạn, phát hành các loại tài liệu pháp luật và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở được các địa phương quan tâm thực hiện đều đặn hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập huấn, bồi dưỡng.
- Một số địa phương cũng đã chủ động, tích cực huy động được các nguồn lực xã hội hóa cho công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều mô hình hòa giải sáng tạo, sử dụng linh hoạt phương pháp, cách thức hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được áp dụng, tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành tăng; từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục như:
Thứ nhất, Đề án 428 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/4/2019, thời điểm này đã qua kỳ đề xuất dự toán năm 2019, do đó cả trung ương và địa phương không bố trí được ngân sách thực hiện Đề án 428 năm 2019. Từ năm 2020 đến hết Quý I/2022 dịch bệnh Covid-19 lan rộng, thời gian thực hiện giãn cách xã hội tương đối dài, một số mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án 428 không thực hiện được hoặc chưa được thực hiện triệt để như nhiệm vụ chỉ đạo điểm của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh chưa đạt yêu cầu.
Thứ hai, đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được hình thành, tuy được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nhưng chưa được kiện toàn, nhiều tập huấn viên còn thiếu kỹ năng truyền đạt để tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên; hiệu quả hoạt động của đội ngũ tập huấn viên chưa cao.
Thứ ba, năng lực và kỹ năng của hòa giải viên ở cơ sở đã được nâng cao hơn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ hòa giải viên ít được cung cấp tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, dẫn đến thực trạng một số nơi có tỷ lệ hòa giải thành thấp.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả thời cơ và thách thức. Một trong những thách thức đó là sự xâm nhập của các nền văn hóa trên thế giới, nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp nảy sinh, các mâu thuẫn, tranh chấp diễn ra ngày càng nhiều và đa dạng. Đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật mới nảy sinh, nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế; một trong những chính sách đó là củng cố và tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, đồng thời thực hiện chủ trương tăng cường các biện pháp giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở thì việc xây dựng Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” là hết sức cần thiết.
Ngày 20/11/2023, Bộ Tư pháp có Công văn số 5641/BTP-PBGDPL gửi các bộ, ngành, đoàn thể liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cho ý kiến đối với dự thảo Đề án./.
(Chi tiết tại file đính kèm)