Đưa pháp luật đến gần dân hơn
Các đội thi xuất sắc nhất tham dự Vòng chung kết Hội thi đã thể hiện tinh thần phấn khởi, tươi vui và sự nhiệt huyết, nghiêm túc của mình. Bằng tinh thần và khả năng của mình, các đội thi đã ghi đậm dấu ấn đối với khán giả về công tác hoà giải ở cơ sở của địa phương cũng như những địa danh thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, phong tục tập quán truyền thống quê hương mình qua những câu ca, điệu hò, bài vè mượt mà, sâu lắng.
Cùng đó, các đội thi đã nêu được quy định pháp luật đối với tranh chấp cần hòa giải, từ đó phân tích, nhận diện các mâu thuẫn, tranh chấp và nguyên nhân. Trên cơ sở dẫn chiếu các quy định của pháp luật, dựa vào kinh nghiệm sống, kiến thức, hiểu biết xã hội, các đội thi đã đưa ra phương án hòa giải đối với các tình huống của Ban Tổ chức.
Dõi theo Hội thi, có thể thấy, để hoà giải tốt, các hoà giải viên luôn gần gũi, sâu sát với người dân, tìm hiểu rõ nguyên nhân, lý do tại sao xảy ra mâu thuẫn để hiểu và hoà giải thành công hơn. Có lẽ vì thế mà trong phần thi tiểu phẩm, các đội thi đều thể hiện sự sáng tạo và mang đậm dấu ấn riêng với nhiều tiểu phẩm hấp dẫn, có chủ đề và thông điệp rõ ràng, phản ánh các mâu thuẫn, tranh chấp có thật nảy sinh trong cuộc sống. Như: Đội Thanh Hoá đã thể hiện tình huống mâu thuẫn vợ chồng trong việc nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng mang tên “Sáng mãi niềm tin”. Nhờ có hòa giải viên đã hóa giải những mâu thuẫn của họ, qua đó góp phần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án đúng tiến độ được giao.
Đội thi Tây Ninh gây ấn tượng bằng việc thể hiện vai trò của người làm hòa giải trong hóa giải mâu thuẫn giữa vợ chồng, cha và con gái trong việc có các hành vi bạo lực gia đình thông qua hình thức thơ ca, hò vè. Đội Hà Nội đã khắc hoạ rõ nét tình huống về mâu thuẫn gia đình, từ đó đi vào chiều sâu tâm lý, nâng cao tinh thần hoà giải, đề cao tình anh em, gia đình thông qua tiểu phẩm “Anh em hoà thuận là nhà có phúc”.
Đây thực sự là một sân chơi vô cùng hữu ích, lý thú đối với các hoà giải viên. Vì đặc thù công việc của hoà giải viên khá thầm lặng nên qua những sân chơi như thế này đã giúp đông đảo người dân và toàn xã hội biết đến hoà giải viên, biết đến phương thức hòa giải ở cơ sở để tin tưởng sử dụng. Không dừng lại ở đó, Hội thi còn giúp nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ hoà giải viên, để thực sự giúp hoà giải ở cơ sở phát huy tối đa hiệu quả trong giải quyết tranh chấp, từ đó giúp giảm tải công việc cho Toà án và chính quyền các cấp.
Đặc biệt, thông qua Hội thi, hoà giải viên các đội còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trên cơ sở tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp; từ đó có thể vận dụng sáng tạo vào công việc hoà giải ở địa phương mình. Với các hoà giải viên, niềm vui chính là hoà giải thành công các mâu thuẫn gia đình, hàng xóm láng giềng…
Tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật
14 đội thi là 14 tỉnh, thành khác nhau, mỗi đội thi lạimang phong cách, tố chất khác nhau nhưng nhìn chung, hầu hết các hoà giải viên đều là những con người giản dị, chất phác, có người là nông dân, có người là cán bộ hưu trí, có người là lãnh đạo cấp thôn, xã, phường. Khi tham dự Vòngchung kết, họ có chung một sân chơi, chung một ngày hội để thể hiện tài năng, sự hiểu biết về kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải.
Về công tác tổ chức Hội thi, Ban giám khảo rất khách quan, công tâm, dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng để chọn những đội thi xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất để vinh danh, biểu dương. Một điểm mới của Hội thi năm nay là lần đầu tiên Hội thi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ phần thi thông qua sử dụng thiết bị điện tử để lựa chọn phương án trả lời đúng trong phần thi trắc nghiệm.
Bên cạnh đó, rất nhiều tỉnh, thành có sự tham gia đoàn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành; thậm chí còn cử hàng loạt cán bộ hoà giải cơ sở đi cổ vũ cho đội thi, thông qua đó học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hoà giải. Sự lan toả đó mới chính là thành công lớn nhất của hội thi khi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hòa giải viên – những người vẫn được ví như là “thẩm phán cơ sở”, là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Thông qua Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng nhấn mạnh quan điểm: Những ý nghĩa của công tác hoà giải mang lại chính là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước góp phần giữ vững kỷ cương xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Hoà giải ở cơ sở chính là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được sự thoả thuận, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, là hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống. Thực tiễn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.
Đặc biệt, hoà giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.
Để hoà giải thành công ở cơ sở, hoà giải viên cần đi sâu hơn về từng cơ sở, sát với từng người dân hơn. Trên cơ sở đó, hoà giải viên cần mang những nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt vào sâu hơn với người dân. Bởi phương châm của hòa giải cơ sở là nghe dân nói, làm dân hiểu, làm dân tin và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân.
Để thực hiện chính sách khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bằng phương thức hòa giải ở cơ sở thì cần phải tiếp tục đổi mới và phát huy hiệu quả công tác này, gắn với việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa.
Được biết, Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV là một trong những điểm nhấn nổi bật nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11/2023; góp phần triển khai công tác PBGDPL theo hướng toàn diện, đổi mới, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện mục tiêu “đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội” đã được khẳng định tại Nghị quyết sổ 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. |
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam