Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới cần khắc phục tính hình thức, tập trung đánh giá, lượng hóa kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL và tác động của hoạt động PBGDPL tới ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong thời gian qua, thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” (Đề án 979), Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL với cách tiếp cận mới, trong đó lấy đầu ra của công tác PBGDPL làm trọng số để đánh giá hiệu quả công tác này; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước về PBGDPL và các đối tượng liên quan, cũng như lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Theo Đề án 979, có 3 bộ, cơ quan ngang bộ và 6 địa phương, trong đó có Ủy ban Dân tộc được chọn đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Trên cơ sở Khung tiêu chí chung được Bộ Tư pháp ban hành, Ủy ban Dân tộc sẽ xây dựng, ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế của ngành mình.
Đồng chí Trần Văn Tuỳ, Phó Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL (Cục PBGDPL) đã chia sẻ cách thức tiếp cận trong xây dựng Khung tiêu chí chung thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL nhằm khắc phục những hạn chế trong cơ chế đánh giá hiệu quả theo các quy định hiện hành. Khung tiêu chí chung đánh giá hiệu quả PBGDPL trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và lượng hóa kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL cụ thể. Trên cơ sở Khung tiêu chí chung, tùy theo yêu cầu và đặc thù của công tác PBGDPL và đối tượng đánh giá, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm chủ động xây dựng các Tiêu chí riêng mang tính đặc thù để phục vụ hoạt động đánh giá trong thời gian tới.
Cục PBGDPL cũng đã chia sẻ một số gợi ý xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL của Ủy ban Dân tộc. Theo đó, căn cứ vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và đặc điểm riêng của lĩnh vực, địa bàn đánh giá, Ủy ban Dân tộc cần chủ động xây dựng các Tiêu chí riêng phù hợp. Nội dung pháp luật để đánh giá có thể về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; pháp luật về dân tộc; quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã...với hình thức như: PBGDPL trực tiếp, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...
Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo và các công chức Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc cũng đã chia sẻ một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Khung tiêu chí chung để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của các bộ, cơ quan ngang bộ như: Tiêu chí về mức độ bảo đảm nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL; tiêu chí về mức độ xã hội hóa; tiêu chí về so sánh mức kinh phí của năm đánh giá so với năm trước... Đối với xây dựng các Tiêu chí riêng, Vụ Pháp chế cũng trình bày một số cách tiếp cận trong việc cụ thể hóa các tiêu chí trong Khung tiêu chí chung. Theo đó, việc xây dựng các Tiêu chí riêng của Ủy ban Dân tộc sẽ cho phép áp dụng với mọi hoạt động PBGDPL cụ thể do các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện. Trên cơ sở các chỉ tiêu và điểm số trong Khung tiêu chí chung, Vụ Pháp chế sẽ cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cụ thể phù hợp với đặc thù. Đối với đối tượng đánh giá, nhất trí như ý kiến của Cục PBGDPL sẽ lựa chọn trong số các đối tượng như: Công chức, viên chức trong ngành, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc thiểu số.
Chia sẻ với các ý kiến về xây dựng các tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, Cục PBGDPL và Vụ Pháp chế đều thống nhất quan điểm việc đánh giá không phục vụ việc xếp loại mà là căn cứ để xác định kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác PBGDPL của từng cơ quan, đơn vị và địa phương, từ đó đề ra giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, tại Tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi thêm về việc đề xuất các giải pháp triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 – 2030” (Đề án 279). Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại điểm 1.c Mục V Điều 1 Đề án 279, đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc khẳng định sẽ tham mưu trình Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc ban hành Kế hoạch thực hiện, trong đó hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lồng ghép kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ có chung mục tiêu, đối tượng, nội dung với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của pháp luật./.
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật