Các văn bản nêu trên giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ: tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội trong hệ thống tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phát triển công tác xã hội thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công tác xã hội; phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan hướng dẫn về công tác xã hội trong các lĩnh vực tư pháp, nuôi con nuôi; thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý và các hoạt động về công tác xã hội khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ.
Để triển khai nhiệm vụ, ngày 18/9/2024, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1713/QĐ-BTP về thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội năm 2025. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 – 2025 (được ban hành tại Quyết định số 418/QĐ-BTP ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Chương trình phát triển công tác xã hội năm 2025 của Bộ Tư pháp đã đề ra mục tiêu tổng quát là thực hiện toàn diện, có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 112/QĐ-TTg, góp phần đẩy mạnh phát triển công tác xã hội trong ngành Tư pháp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp về phát triển công tác xã hội; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác xã hội gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống dịch vụ công tác xã hội trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo Luật học.
Các nội dung công việc, nhiệm vụ được Kế hoạch xác định cụ thể, gắn với trách nhiệm và sự chủ động, tích cực của các đơn vị trong việc thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội; cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Trong đó các nhóm nhiệm vụ cần triển khai thực hiện, bao gồm: rà soát, nghiên cứu, đánh giá, hoàn hiện pháp luật về phát triển công tác xã hội trong các lĩnh vực và kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển công tác xã hội; rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế liên quan đến pháp luật về phát triển công tác xã hội và thực tiễn thi hành của các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển công tác xã hội trong nước; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò của công tác xã hội đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm phục vụ cho việc rà soát, nghiên cứu, đánh giá, hoàn hiện pháp luật về phát triển công tác xã hội trong các lĩnh vực và kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển công tác xã hội; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn về phát triển công tác xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương…
Theo Kế hoạch, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật được giao chủ trì nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò của công tác xã hội đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp, với các hoạt động sản phẩm gồm các tin, bài, sổ tay, phóng sự… về công tác xã hội.
Đ.L
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật