Tham dự Hội thảo còn có sự tham gia đông đảo của đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể trung ương; Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng; đại diện Phòng Tư pháp, Phòng Văn hoá - Thông tin một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội và các chuyên gia về công nghệ, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số (MobiFone, FPT, VTC, Viettel…).
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 - 2030" (Đề án). Đề án là giải pháp quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, góp phần đổi mới công tác PBGDPL, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật. Để hoàn thiện dự thảo Đề án, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án tại miền Nam, miền Trung và lấy ý kiến các chuyên gia về chuyển đổi số.
Theo kết quả khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 có thể thấy, công tác PBGDPL đã được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cơ sở thực hiện kết hợp giữa hình thức PBGDPL truyền thống với áp dụng hình thức PBGDPL mới, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL với nhiều cách thức khác nhau như: Thông tin, PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử; tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; tổ chức tập huấn trực tuyến về kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội…. Hiện nay, có 7 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử PBGDPL; 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể.
Tại Hội thảo này, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên mong muốn các đại biểu là chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác PBGDPL, công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ tập trung đóng góp ý kiến về dự thảo Đề án, đồng thời đề xuất giải pháp căn cơ về việc chuyển đổi số trong PBGDPL, nhất là giải pháp công nghệ mới như: AI (trí tuệ nhân tạo), tổ chức các cuộc thi trực tuyến, đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến… để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Tô Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Tô Thị Thu Hà trình bày tóm tắt dự thảo Đề án, trong đó nhấn mạnh mục tiêu chung, mục tiêu tổng quát Đề án nhằm chuyển từ cách thức PBGDPL truyền thống sang ứng dụng công nghệ số trong PBGDPL, bảo đảm thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung chính sách, pháp luật với 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, ông Trần Đức Huấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng đã thông tin về kết quả thực hiện các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố thời gian qua và một số đề xuất, kiến nghị giải pháp chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) đã đóng góp ý kiến cụ thể về dự thảo Đề án, trong đó có giải pháp chuyển đổi số trong PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp FPT, Mobifone, VTC, Incom cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực có thể ứng dụng trong thông tin, PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp như: Ứng dụng trò chơi trong PBGDPL, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật qua nền tảng thi trực tuyến; nền tảng đào tạo trực tuyến pháp luật; ứng dụng chuyển đổi số dữ liệu và giải pháp truyền thanh thông minh trong PBGDPL; tính khả thi của việc triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL trong thời gian tới; giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác PBGDPL…Đại diện Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện – VTC đã đưa ra những xu hướng công nghệ trong việc phổ biến kiến thức bằng các nền tảng đào tạo số và truyền thông số như: Ứng dụng AI và game hóa học liệu số để PBGDPL, xây dựng sách nói điện tử, tài liệu PBGDPL bằng hình ảnh, tạo hình các nhân vật hoạt hình được số hóa thông qua các tiểu phẩm/câu chuyện/tình huống pháp luật.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp công nghệ thông tin đã sôi nổi thảo luận, tích cực đề xuất nhiều ý kiến đóng góp có giá trị để hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó các đại biểu đề nghị xây dựng kho dữ liệu PBGDPL tập trung do Bộ Tư pháp quản lý và trực tiếp cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ, đồng thời phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương cập nhật theo phạm vi và địa bàn quản lý… Kết thúc Hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL cảm ơn các ý kiến đóng góp chất lượng, tâm huyết của các đại biểu đối với dự thảo Đề án. Cục PBGDPL sẽ nghiên cứu, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề án và tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện các quy trình tiếp theo trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ./.
Đức Khiêm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật