Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những kết quả nhất định, qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của đông đảo người dân. Tuy nhiên, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn thấp, chưa khắc phục triệt để tình trạng hình thức. Một trong những nguyên nhân là do chưa có tiêu chí rõ ràng để có những giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thực tế cho thấy, một chính sách pháp luật tốt và hợp lý sẽ làm cho người dân tự nguyện thực hiện thay vì phải hối lộ cho cán bộ công quyền để trốn tránh trách nhiệm. Các trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp công khai và minh bạch, dễ tiếp cận, sẽ làm cho người dân biết được quyền và lợi ích của mình đến đâu, trách nhiệm của cơ quan công quyền đến đâu và điều đó sẽ làm cho người dân giảm bớt việc tiếp cận “cửa sau” và hạn chế sự nhũng nhiễu và gây khó dễ cũng như khả năng tham nhũng của cán bộ công quyền.
Mặc dù việc tổ chức lấy ý kiến của người dân vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một quy định mang tính bắt buộc trong trình tự, thủ tục, soạn t hảo, ban hành văn hành văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn mang tính hình thức.
Theo TS Đặng Vũ Huân, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, nếu tổ chức tốt việc lấy ý kiến của người dân thì sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Nếu văn bản pháp luật phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân thì văn bản sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống và ngược lại. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền mang tính tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu, thảo luận, tiếp cận trước một bước với văn bản pháp luật, khi đạo luật được ban hành sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai lại chỉ ra, từ thực tiễn công tác quản lý, chưa bao giờ thấy các cơ quan, Ban soạn thảo báo cáo tổng hợp ý kiến của người dân, mà chỉ có bộ, ngành. Như vậy, “người nói nhưng không có người nghe” thì liệu việc lấy ý kiến người dân này có ý nghĩa và hiệu quả hay không?”, bà Mai đặt vấn đề.
Qua công tác lấy ý kiến của người dân – những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các quy định pháp luật cho thấy, người dân rất am tường những khiếm khuyết của chính sách pháp luật hiện hành. Chính họ cũng đưa ra những gợi ý xác đáng, những giải pháp hữu ích để pháp luật hoàn thiện, dễ đi vào cuộc sống.
“PBGDPL không gì hiệu quả bằng người dân nói cho người dân”, TS Đặng Vũ Huân nói. Dẫn chứng một người dân đã trải qua một vụ kiện tụng về tranh chấp đất đai, giải phóng đền bù hay ly hôn.. thì chắc chắn cũng sẽ hiểu rất rõ về quy trình, thủ tục và các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này, thay vì một cán bộ giáo điều bởi những người dân khác sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều, TS Đặng Vũ Huân cho rằng cần phát huy vai trò của tổ hòa giải và tổ trưởng dân phố trong công tác PBGDPL.
Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội), lâu nay chúng ta thường có quan niệm phải đo lường về tình hình vi phạm pháp luật hay tình hình chấp hành đúng pháp luật trong các lĩnh vực nhất định để đánh giá hiệu quả PBGDPL. Điều này đúng về nguyên tắc, song chỉ mang tính tương đối. Về thực tiễn, theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, không thể nóng vội, không thể nhìn vào một hiện tượng vi phạm pháp luật mà quy chụp, đánh giá công tác PBGDPL. Thực tế, việc lượng hóa, định tính, định lượng là rất khó, bởi sự chuyển hóa phải cần quá trình lâu dài.