Liên kết website

Hướng dẫn áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số gói thầu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp

14/10/2024

Ngày 01/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-BTP, trong đó hướng dẫn các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án, chương trình thuộc Bộ Tư pháp về việc áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số gói thầu thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2024.

Luật Đấu thầu năm 2023[1] quy định đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Luật cũng quy định có 09 hình thức lựa chọn nhà thầu, đó là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, tham gia thực hiện của cộng đồng, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Để tạo cơ sở thực hiện quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được thống nhất, giúp các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp không còn gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu phải đấu thầu, trên cơ sở quy định tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ[2], Quyết định nêu trên của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu như sau:
1. Gói thầu lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế.
2. Gói thầu về đào tạo chuyên sâu cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do cơ sở đào tạo nước ngoài trực tiếp thực hiện tại nước ngoài; mua vé máy bay cho đoàn đi công tác trong nước và quốc tế; gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành đặc thù cho cán bộ, công chức do cần thiết phải mời cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền giao.
3 Gói thầu thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, bao gồm: tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng khác trong trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí tuyên truyền trực tiếp ký hợp đồng với các cơ quan này để thực hiện; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt; hợp tác sản xuất phim.
4. Gói thầu sản xuất và lắp đặt sân khấu phục vụ sản xuất chương trình phát sóng gắn liền với ý tưởng thực hiện; thuê địa điểm để tổ chức sản xuất, ghi hình chương trình mang tính nghệ thuật cao.
5. Gói thầu cung cấp dịch vụ in ấn, cung cấp tem, biên lai, niêm phong theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, hải quan; gói thầu mua chó nghiệp vụ, đào tạo chó nghiệp vụ, mua ma túy, chất nổ, mẫu tẩm nguồn hơi ma túy, chất nổ để huấn luyện chó nghiệp vụ.
          Hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu trên được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Theo đó:
* Đối với gói thầu lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế:
- Cơ quan, đơn vị chủ trì giải quyết vụ kiện xây dựng các tiêu chí, điều khoản tham chiếu, cơ chế kiểm soát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư để xác định danh sách (không ít hơn 03) tổ chức hành nghề luật sư, luật sư dự kiến được thuê; chỉ lựa chọn vào danh sách các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư danh tiếng, nhiều kinh nghiệm.
- Cơ quan chủ trì giải quyết vụ kiện tổ chức đàm phán hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có ưu thế nhất trên cơ sở các tiêu chí, điều khoản tham chiếu và cơ chế kiểm soát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư trong vụ kiện.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì giải quyết vụ kiện phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư.
- Cơ quan, đơn vị chủ trì giải quyết vụ kiện hoàn thiện, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư.
          * Đối với gói thầu mua vé máy bay cho đoàn đi công tác trong nước và quốc tế, hồ sơ, quy trình thực hiện như sau:
Đối với đoàn đi công tác quốc tế, căn cứ kế hoạch công tác và hành trình bay được duyệt, cơ quan, đơn vị được giao kinh phí và nhiệm vụ mua vé máy bay lấy tối thiểu 02 báo giá của 02 đại lý bán vé máy bay khác nhau (hoặc báo giá của 01 đại lý bán vé máy bay của ít nhất 02 hãng hàng không khác nhau, trong đó có ít nhất 01 đại lý chính hãng của hàng không quốc gia Việt Nam) với cùng hành trình bay để xem xét, so sánh và lựa chọn đơn vị cung cấp vé máy bay trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu: đường bay trực tiếp, phù hợp với lịch công tác; tổng các khoản chi tiền vé (bao gồm các khoản thuế và phụ phí), tiền đi đường, tiền chờ đợi tại sân bay thấp nhất. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kinh phí và nhiệm vụ mua vé máy bay ký hợp đồng với nhà cung cấp bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp thay đổi đường bay ở nước ngoài do nhu cầu công tác thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kinh phí quyết định việc mua vé trên cơ sở đề nghị của trưởng đoàn công tác.
Đối với đoàn đi công tác trong nước: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kinh phí và nhiệm vụ mua vé máy bay ký hợp đồng với nhà cung cấp bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Việc mua vé máy bay cho các đoàn đi công tác trong nước và quốc tế không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
* Đối với các gói thầu trong các trường hợp còn lại, quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo các bước: Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Thương thảo hợp đồng với nhà thầu được xác định có đủ năng lực, kinh nghiệm; Phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; Hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Hợp đồng phải bao gồm đầy đủ các nội dung liên quan đến yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị hợp đồng.
Việc đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và các thông tin về đấu thầu khác được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Luật Đấu thầu năm 2023 và các quy định khác hướng dẫn đấu thầu như Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024, Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024[3]
 T.K
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Luật Đấu thầu năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5  thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024
[2] Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
[3] Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu
Các tin đã đưa ngày: