Trên cơ sở các mục tiêu đến năm 2025 và đến năm 2030 như phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, trung bình mỗi người dân có 01 kết nối internet vạn vật, mỗi người dân có 01 định danh số, phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số; 100% người sử dụng có khả năng truy cập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số…, Chiến lược xác định 04 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 09 nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện.
Về nhiệm vụ, bao gồm hạ tầng viễn thông và Internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý - số; hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ, trong đó phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, trọng tâm là các nền tảng về định danh số, xác thực số, thanh toán số, hóa đơn số, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xác thực văn bản số, chữ ký số và chứng thực chữ ký số; tiện ích số được thiết kế để cung cấp hạ tầng mềm cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các chức năng cốt lõi của giao dịch số - bắt đầu từ danh tính số, thanh toán số, hóa đơn số, xác minh tài liệu số và trao đổi dữ liệu…
Về giải pháp, đối với công tác hoàn thiện thể chế, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Viễn thông theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng, giá cước phù hợp; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người sử dụng; thu hút đầu tư trong và ngoài nước; ứng phó, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên hạ tầng viễn thông; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác tạo hành lang pháp lý cho phát triển hạ tầng số; nghiên cứu, xây dựng chính sách thúc đẩy việc cấp, sử dụng chữ ký số để phù hợp với điều kiện kinh tế và tăng số lượng cá nhân tham gia thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch điện tử. Ngoài ra còn các giải pháp khác về ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; nghiên cứu phát triển; tiêu chuẩn, quy chuẩn; đo lường, quản lý, giám sát; hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số cũng là một trong những giải pháp quan trọng của Chiến lược. Trong đó các nội dung triển khai thực hiện công tác này bao gồm tuyên truyền, truyền thông về phát triển hạ tầng số với hệ sinh thái mở, tạo niềm tin số tạo sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của Nhà nước; tổ chức các hội thảo, hội nghị về hạ tầng số, kết hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số, từ đó thay đổi căn bản được thói quen của người dân khi sống trong môi trường xã hội số mới; tuyên truyền, phổ biến những đặc tính, khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ của hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động chất lượng cao để các cá nhân, tổ chức nắm bắt, xác định nhu cầu (về tốc độ, độ trễ, …) theo từng mục đích sử dụng (y tế, giáo dục, thương mại điện tử,…) từ đó đặt hàng các doanh nghiệp hạ tầng số thiết lập cung cấp; truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán đám mây của các doanh nghiệp trong nước.
Các Bộ, cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược theo chức năng, phạm vi quản lý gồm có Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương./.
Đ.L
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật