Liên kết website

Tọa đàm trao đổi dự thảo Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Khánh Hòa

03/11/2024

Thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: số 121/QĐ-BTP ngày 29/01/2024 phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; số 153/QĐ-BTP ngày 02/2/2024 ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện các văn bản, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật năm 2024; số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 01/11/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm trao đổi về dự thảo Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và đồng chí Đặng Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì Tọa đàm. Cùng dự Tọa đàm có các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở: Tài nguyên Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; UBND thành phố Nha Trang, UBND các huyện: Vạn Ninh, Khánh Vĩnh; lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện, thành phố: Nha Trang, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh; một số lãnh đạo cấp phòng, công chức Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa...

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL là một trong các chức năng quản lý nhà nước thời gian qua rất được quan tâm. Ngày 10/3/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Sau hơn sáu năm thực hiện Thông tư, bên cạnh kết quả đạt được, cũng đã bộc lộ tồn tại như chưa lượng hóa được kết quả đầu ra của công tác PBGDPL. Để việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL bảo đảm thực chất, khách quan, ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL để cho các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện thí điểm dựa vào đó ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp đặc thù riêng của bộ, ngành, địa phương. Ghi nhận sự chủ động, tích cực của Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa trong tham mưu triển khai xây dựng dự thảo Tiêu chí riêng, đây là một vấn đề khó, đồng chí Phan Hồng Nguyên đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về sự phù hợp trong cách tiếp cận xây dựng Tiêu chí riêng với Quyết định số 1666/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; tính khả thi, đồng bộ để triển khai thực hiện đánh giá gắn với tính đặc thù của địa phương...
Báo cáo tóm tắt dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí riêng, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa cho biết, các sở, ban, ngành, địa phương được lựa chọn làm thí điểm trên địa bàn tỉnh bao gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện: Vạn Ninh, Khánh Vĩnh; UBND thành phố Nha Trang. Mốc thời gian đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL thuộc phạm vi thí điểm lấy từ ngày 01/01/2025 đến 31/12/2025. Lĩnh vực thí điểm dự kiến gồm: Môi trường; Lao động - Việc làm và Hôn nhân, gia đình (Tảo hôn).
Trao đổi tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Duy Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh   thông tin chung về công tác dân tộc tại địa phương; công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc; nguồn lực thực hiện công tác này. Tại tỉnh Khánh Hòa, số lượng tảo hôn trung bình khoảng 30 trường hợp/ năm. Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng vấn đề tảo hôn là nguy cơ liên quan mật thiết đến chất lượng nguồn nhân lực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh rất quan tâm đến công tác PBGDPL về phòng, chống tảo hôn và thống nhất lựa chọn thí điểm đánh giá tại huyện Khánh Vĩnh. Đồng chí có ý kiến góp ý cụ thể về quy định thang tính điểm chỉ tiêu hoàn thành trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL; chỉ tiêu mức độ bảo đảm kinh phí; chỉ tiêu mức độ xã hội hóa; chỉ tiêu mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng... cần khả thi, định lượng cụ thể để thuận lợi khi đánh giá.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Tư pháp thành phố Nha Trang, có ý kiến về thẩm quyền ban hành Tiêu chí riêng để bảo đảm phù hợp với quy định tại Quyết định 979/QĐ-TTg; về cơ cấu tính điểm tại các chỉ tiêu cần bám sát Quyết định số 1666/QĐ-BTP...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã có trao đổi, làm rõ về việc xác định mô hình, cách làm hiệu quả về PBGDPL tại cấp xã, cấp thôn hay cấp huyện; về việc khảo sát xã hội học đánh giá mức độ tác động của hoạt động PBGDPL...
Kết thúc buổi Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự Tọa đàm, chia sẻ những khó khăn của địa phương trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Tiêu chí riêng. Tiêu chí riêng có thể bổ sung các chỉ tiêu nhỏ nhưng cần phải thuyết minh rõ; khuyến khích địa phương bám sát các tiêu chí tại Quyết định 1666/QĐ-BTP. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương thí điểm tập trung nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá; xác định rõ chủ thể đánh giá là các sở, ngành, địa phương được lựa chọn thí điểm; cụ thể lĩnh vực pháp luật đánh giá; đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm để chỉnh lý, hoàn thiện Tiêu chí riêng…./.
Nguyễn Thị Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: