Về triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng Chương trình phối hợp của địa phương trên cơ sở bám sát nội dung Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến tới cơ quan Tư pháp các cấp tại địa phương về nội dung Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ quan Tư pháp các cấp triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp tại địa phương;
- Định kỳ 6 tháng, hàng năm, Lãnh đạo Sở Tư pháp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức đánh giá tình hình triển khai công tác phối hợp, đề ra kế hoạch phối hợp trong thời gian tiếp theo và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp.
Về bộ phận thường trực
Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật là bộ phận thường trực giúp Lãnh đạo Sở Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp tại địa phương.
Về kinh phí thực hiện
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong Chương trình phối hợp cũng như nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cân đối ngân sách, có mục chi thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để nghiên cứu, hướng dẫn.