1. Đối tượng
- Hòa giải viên được bầu và công nhận theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở đã đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi của địa phương hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu của địa phương được lựa chọn đại diện cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Hội thi toàn quốc.
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn 01 đội thi, gồm 03 thành viên, trong đó 01 người làm đội trưởng.
2. Các vòng thi
Hội thi được tổ chức 2 vòng: Sơ khảo và chung khảo.
a) Vòng sơ khảo: Được tổ chức theo 03 khu vực
- Khu vực I: Gồm 26 đội thi của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa;
- Khu vực II: Gồm 16 đội thi của các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa;
- Khu vực III: Gồm 21 đội thi của các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
b) Vòng chung khảo: Kết thúc Vòng sơ khảo, Ban Tổ chức Hội thi sẽ chọn tổng số 12 đội tham dự vòng thi chung khảo toàn quốc.
3. Nội dung thi
- Hiểu biết các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; các quy định của Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, pháp luật về đất đai, dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường…
- Kiến thức về xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp, hương ước, quy ước văn hóa, văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, hò, vè…) cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Kỹ năng hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.
4. Hình thức thi
Tổ chức thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa, cụ thể:
- Vòng sơ khảo: Gồm 03 phần thi:
+ Phần thi lý thuyết: Trả lời câu hỏi trắc nghiệm trong Bộ câu hỏi của Ban Tổ chức Hội thi.
+ Phần thi xử lý tình huống: Đưa ra cách hòa giải tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở do Ban Tổ chức Hội thi đặt ra.
+ Phần thi tiểu phẩm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương và được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.
- Vòng chung khảo: Gồm 03 phần thi:
+ Phần thi giới thiệu: Đội thi giới thiệu về các thành viên; đặc thù địa phương và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức sinh động, hấp dẫn, thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương.
+ Phần thi lý thuyết (như đã trình bày tại nội dung thi Vòng sơ khảo).
+ Phần thi tiểu phẩm (như đã trình bày tại nội dung thi Vòng sơ khảo).
5. Thời gian, địa điểm tổ chức Hội thi
a) Vòng sơ khảo: Từ tháng 9 - tháng 10/2016;
- Địa điểm:
+ Khu vực I: Tại 01 tỉnh, thành phố miền Bắc;
+ Khu vực II: Tại 01 tỉnh, thành phố miền Trung;
+ Khu vực III: Tại 01 tỉnh, thành phố miền Nam.
Địa điểm cụ thể sẽ được Ban Tổ chức Hội thi quyết định sau khi thống nhất với các địa phương.
b) Vòng chung khảo: Tháng 11/2016;
- Địa điểm: Hà Nội."