Chương trình giao lưu do Báo PLVN, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức.
-Xin cho biết tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu thì đơn tố cáo có được tiếp nhận không? Bạn Thanh Tâm@gmail.com
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trong Luật tố cáo 2011 chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nhưng Luật tố cáo 2018 đã quy định rõ tại điểm khoản 3 Điều 12 về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây. Theo đó, trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết. Như vậy, tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu nếu đủ điều kiện thụ lý thì vẫn được xem xét giải quyết theo quy định của Luật tố cáo 2018.
- Xin hỏi ông Tuấn,những vụ việc tố cáo như thế nào thì thuộc thẩm quyền của thanh tra chính phủ?(Nguyễn Hoàng Tuấn – Vũng Tàu)
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định tại Khoản 7, Điều 13 Luật tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ với tư cách là người đứng đầu cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền sau đây:
- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Đồng thời theo Khoản 2, Điều 32 Luật tố cáo 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm sau đây:
- Tiếp nhận, phân loại, đề xuất việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
- Xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được giao;
- Xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại.
- Những trường hợp nặc danh nào sẽ được chấp nhận để giải quyết tố cáo? Bạn Thương Mến (Ninh Bình) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Điều 22 Luật tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo xác định rõ việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Điều 23 Luật tố cáo 2018 quy định trường hợp tố cáo bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày tháng năm tố cáo, họ tên địa chỉ của người tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; ngừoi bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Người tố cáo phải kí tên điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 thì nội dung trên là một trong những điều kiện để được thụ lý tố cáo.
Như vậy, về nguyên tắc đơn tố cáo nặc danh không được xem xét, giải quyết theo quy định của Luật tố cáo.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 25 Luật tố cáo 2018 trường hợp thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên địa chỉ của người tố cáo (tố cáo nặc danh) mà có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu chứng cứ cụ thể với hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra xác minh thì cơ quan, tổ chức cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
- Một sai phạm động trời đã xảy ra ở nơi tôi công tác. Hành vi sai phạm liên quan đến tài chính của cơ quan. Theo tôi ước tính số tiền tỷ đã bị thâm hụt. Vậy tôi tố cáo việc này đến cơ quan công an hay cấp trên trực tiếp theo ngành dọc? Bạn Ngọc Nga (Hưng Yên) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo thông tin bạn phản ánh thì vụ việc sai phạm liên quan đến tài chính của cơ quan và số tiền thâm hụt ước tính tiền tỷ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật tố cáo 2011 và khoản 2 Điều 3 Luật tố cáo 2018, việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Do vậy, bạn có thể tố giác hành vi vi phạm đến cơ quan công an có thẩm quyền theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Bạn cũng có thể tố cáo hành vi vi phạm theo quy định của Luật tố cáo, khi đó người giải quyết tố cáo sẽ xem xét xử lý thông tin tố cáo. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm người giải quyết tố cáo sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Tôi có đơn tố cáo, nhưng sau khi xác minh vụ việc, cơ quan chức năng không thông báo lại cho tôi, khi tôi hỏi thì họ chỉ trả lời miệng: Đã xác minh và có sai phạm như tôi tố cáo. Như vậy, họ đúng hay tôi đòi hỏi quá? Bạn Chí Đức (Cao Bằng) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Luật tố cáo 2011 có quy định người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo cho mình biết kết quả giải quyết tố cáo. Luật cũng đã quy định trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật tố cáo 2018 thì người tố cáo sẽ được thông báo về kết luận nội dung tố cáo. Điều 40 Luật cũng quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo. Do vậy, quý vị đòi hỏi việc thông tin về kết quả giải quyết tố cáo là bình thường và là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, không có gì là quá đáng.
- Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Vậy thời điểm nào là thời điểm thụ lý tố cáo? Là khi tôi gửi thư đi, hay khi học xác nhận là đã nhận được tố cáo của tôi? Tôi có phải yêu cầu người nhận tố cáo phải viết văn bản rằng đã nhận được đơn tố cáo của tôi không? Bạn Mộc Châu (Hải Phòng) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định tại Điều 29 Luật tố cáo 2018 thì thời điểm thụ lý tố cáo là thời điểm người tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo. Khi quý vị gửi đơn tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của Luật trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, người có thẩm quyền xem xét các điều kiện thụ lý nếu đủ điều kiện thụ lý họ sẽ thụ lý và thông báo cho quý vị. Nếu không đủ điều kiện thụ lý họ sẽ thông báo và nêu rõ lý do không thụ lý. Khi quý vị gửi đơn tố cáo trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo có giấy biên nhận gửi người tố cáo về việc nhận đơn tố cáo.
- Tôi gọi điện đến đường dây nóng của Tỉnh để tố cáo hành vi sai phạm của một nhóm người đang diễn ra ở địa phương tôi. Nhưng người trực đường dây nóng yêu cầu tôi phải viết đơn. Mà nếu tôi viết đơn xong, gửi đến nơi thì sự việc đã chấm dứt, đã để lại hậu quả rồi. Vậy hướng dẫn của người nghe đường dây nóng có đúng không? Việc tố cáo có bắt buộc phải viết đơn không? Bạn Minh Châu (Phú Thọ) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Điều 22 Luật tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo ghi rõ việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nếu muốn được xem xét, giải quyết theo trình tự, thủ tục của luật tố cáo thì tố cáo phải đáp ứng yêu cầu của Luật tố cáo.
Việc gọi điện đến đường dây nóng theo quy định của Luật tố cáo không được coi là tố cáo mà chỉ được coi là thông tin có nội dung tố cáo. Thông tin này nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
- Tôi tố cáo cán bộ trong cơ quan tôi đến thủ trưởng cơ quan, nhưng đơn bị ỉm đi. Tôi tiếp tục gửi đơn lên cơ quan cấp trên thì bị cho là vượt cấp, trả lại thủ trưởng cơ quan tôi. Và tất nhiên là lại bị ỉm đi tiếp. Tôi làm sao để thoát được cái vòng luẩn quẩn đó? Bạn Xuân Trường (Kon Tum) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định thì người dân có quyền tố cáo và việc xem xét, thụ lý là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc không giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền là vi phạm quy định về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, trường hợp họ không xem xét, giải quyết bạn có thể phản ánh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định tại Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để được xem xét, giải quyết. Tại Điều 14 của Nghị quyết quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổ chức nghiên cứu; chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo giải quyết vụ việc tố cáo một cách kịp thời, khách quan, trong Luật tố cáo 2018 đã bổ dung một quy định mới. Theo đó, trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo (Khoản 5 Điều 38).
Hiện nay, để khắc phục tình trạng cố tình không thụ lý giải quyết tố cáo hay bao che cho người tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, trong đó có chế tài xử lý kỷ luật đối với trường hợp không thụ lý tố cáo.
- Pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo? Bạn Kim Anh (Hà Nội) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Khoản 1, Điều 9 Luật tố cáo quy định các quyền cho người tố cáo là: thực hiện tố cáo; được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo.
Bên cạnh các quyền, Luật tố cáo quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (Khoản 2 Điều 9).
- Cơ quan chức năng đã khẳng định người bị tố cáo có sai phạm, nhưng người đó không chấp hành, vậy có xử lý được không? Bạn Khánh Ly (Hà Giang) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định tại Điều 36 Luật tố cáo, sau khi ban hành kết luận nội dung tố cáo, xác định người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong viẹc thực hiện nhiệm vụ công vụ thì người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra hoặc VKSND có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 45 Luật tố cáo quy định người bị tố cáo có trách nhiệm phải thực hiện kịp thời đúng thời hạn và đầy đủ cá nghĩa vụ đã được xác định tại kết luận nội dung tố cáo. Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ, người bị tố cáo phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước người giải quyết tố cáo, trước pháp luật về việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.
Như vậy, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận người bị tố cáo có vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người bị tố cáo phải chấp hành quyết định xử lý của người có thẩm quyền.
- Người tố cáo sẽ được bảo vệ như thế nào theo quy định của Luật tố cáo mới? Bạn Đức Bảo (Cao Bằng) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Luật tố cáo 2018 đã dành một chương (Chương 6)) quy định về bảo vệ người tố cáo theo đó Luật quy định nhưng vấn đề cơ bản như: Người được bảo vệ, bao gồm; người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (Điều 47). Phạm vi bảo vệ, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (Điều 47). Về cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ: 1. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. 2. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo. 3. Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. 4. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. 5. Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (Điều 49). Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ: Luật quy định về việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ; chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ (từ Điều 50 đến Điều 54). Các biện pháp bảo vệ: Luật quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác việc làm, bảo vệ tính mạng sức khoẻ tài sản, danh dự, nhân phẩm cho những người được bảo vệ (từ Điều 56 đến Điều 58).
- Người tố cáo có được rút lại những gì mình đã tố cáo không? Ở giai đoạn nào thì có thể rút?Bạn đọc Hà Giang -Cần Thơ).
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định tại Điều 33 Luật TC 2018, Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
- Những điểm mới của Luật tố cáo 2018?(Đức Tùng -Hà Nội)
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Một là, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật TC bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền đối với trường hợp: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo cụ thể của các chức danh trong các cơ quan nhà nước, Luật đã bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền GQTC hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... (Từ Điều 13 đến Điều 17). Luật cũng quy định bổ sung về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước (Điều 19).
Hai là, về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo: Luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, đảm bảo cho việc xử lý được thực hiện một cách chặt chẽ. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Luật cũng quy định trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; xử lý hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm (Từ Điều 23 đến Điều 27).
Ba là, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: Luật quy định 4 bước trong quy trình giải quyết tố cáo, cụ thể như sau:
- Thụ lý tố cáo.
- Xác minh nội dung tố cáo.
- Kết luận nội dung tố cáo.
- Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
Luật đã bổ sung một số quy định mới nhằm quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo:
- Bổ sung quy định về điều kiện thụ lý tố cáo (Khoản 1 Điều 29);
- Sửa đổi quy định về thời hạn giải quyết tố cáo. (Điều 30)
- Bổ sung quy định về rút tố cáo. (Điều 33).
- Bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ (Điều 34).
- Quy định cụ thể về việc tố cáo tiếp, việc xử lý đối với tố cáo tiếp và các căn cứ để giải quyết lại vụ việc tố cáo (Điều 37). Bên cạnh đó, Luật quy định về việc giải quyết tố cáo trong trường hợp vụ việc quá thời hạn quy định mà không được giải quyết (Điều 38).
Bốn là, Luật đã bổ sung hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo. Ví dụ, quy định về người tố cáo có quyền được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; hay quyền của người bị tố cáo được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo...
Năm là, Luật đã quy định cụ thể hơn về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, quy định rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ; quyền, nghĩa vụ của người được bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục bảo vệ; các biện pháp bảo vệ đối với từng đối tượng được bảo vệ.
Sáu là, quy định bổ sung một chương mới về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo , người bị tố cáo, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo....
- Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đối với sai phạm của cán bộ xã? Bạn độc Huyền Trang -TP. Hồ Chí Minh).
- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của CB xã, Luật khiếu nại 2011 quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền GQ khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi HC của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp (Điều 17); Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền GQ khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi HC của Chủ tịch UBND cấp xã đã GQ lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giai quyết. Tại Khoản 1, khoản 2 Điều 13 của Luật tố cáo 2018 xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ cấp xã cụ thể là: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Xin hỏi khiếu nại và tố cáo khác nhau như thế nào? Bạn Minh Trang (Gia Lai) hỏi.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn : Khiếu nại và tố cáo đều là những quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, là phương thức quan trọng và hữu hiệu để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình cũng như đấu tranh bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…cách thức giải quyết có nhiều điểm tương đồng.
Tuy nhiên, khiếu nại và tố cáo khác nhau cơ bản như sau: Tiêu chí Khiếu nại Tố cáo Khái niệm Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Mục đích Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khiếu nại Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước và xã hội Chủ thể thực hiện Chủ thể khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức Cá nhân thực hiện quyền tố cáo. Tuy nhiên, người tố cáo là cá nhân phải có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật Đối tượng Quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật Hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân Thẩm quyền giải quyết Khiếu nại hành chính được giải quyết ở hai cấp hành chính lần 1 được giải quyết tại chính cơ quan ban hành quyết định hành chính hoặc cán bộ, công chức có hành vi bị khiếu nại. Lần 2 nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà không được giải quyết thì khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cấp đã giải quyết.
Đặc biệt, người khiếu nại có quyền khởi kiện ngay khi không đồng tình với quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2 cũng có quyền khởi kiện vụ án tại tòa Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
Về quyền - Người khiếu nại có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại - Được quyền khởi kiện ra Tòa án khi không đồng ý - Phải tự mình thực hiện việc tố cáo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo - Không được khởi kiện ra tòa Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác để phân biệt khiếu nại, tố cáo như nguyên tắc giải quyết; trình tự thủ tục giải quyết; trách nhiệm pháp lý khi khiếu nại, tố cáo sai…
|
ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó vụ trưởng vụ Pháp chế - Thanh tra chính phủ. |
- Luật tố cáo 2018 có quy định về thời hạn giải quyết tố cáo không? Bạn Chí Anh (Bình Định)
- Ông Nguyễn Văn Tuấn : Điều 30 Luật Tố cáo quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Tôi tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ xã tôi đã 2 năm rồi, nhưng đơn thư vẫn bị ỉm đi, không có hồi âm. Tôi phải làm gì? Bạn hà Nam (Phú Thọ)
- Ông Nguyễn Văn Tuấn : Trước hết bạn kiểm tra lại xem đã tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hay chưa. Nếu chưa gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền thì bạn gửi lại đúng cơ quan có thẩm quyền.
Nếu bạn tố cáo một công chức thuộc quyền quản lý của Chủ tịch UBND cấp xã thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc Chủ tịch UBND cấp xã. Nếu tố cáo Chủ tịch UBND xã hoặc Phó Chủ tịch UBND xã thì thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND cấp huyện.
Trường hợp đã quá 2 năm mà tố cáo chưa được giải quyết thì theo quy định Điều 38 Luật tố cáo người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp trên của ngừoi giải quyết tố cáo.
- Tôi muốn tố cáo hành vi sai phạm của sếp tôi, nhưng tôi sợ việc tố cáo không được giải quyết, tôi sẽ bị trù úm. Vậy tôi có thể tố cáo mà không viết danh tính thật không? bạn Gia Linh (Hải Phòng).
Ông Nguyễn Văn Tuấn : Trước hết, phải khẳng định rằng mọi người có quyền tố cáo. Đây là quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và đã được thể chế hóa trong Luật tố cáo. Câu hỏi bạn đặt ra là, có thể tố cáo mà không viết danh tính thật không?
Xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định Luật tố cáo 2018, khi bạn viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan nhà nước, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, các cơ quan có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Nếu đủ điều kiện thụ lý thì tố cáo của bạn mới được xem xét, giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo (thụ lý, xác minh, kết luận và xử lý kết luận nội dung tố cáo). Nếu bạn không viết danh tính thật của mình thì các cơ quan nhà nước khi xác minh sẽ không xác định được người tố cáo thật là ai. Do đó, tố cáo của bạn sẽ không đủ điều kiện thụ lý theo quy trình giải quyết tố cáo.
- Tôi muốn tố cáo, nhưng có bắt buộc tôi phải có nhân chứng, vật chứng? Hay cơ quan điều tra sẽ tự điều tra? Bạn Tường An (Tuyên Quang)
Ông Nguyễn Văn Tuấn : Luật Tố cáo quy định, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc tố cáo không bắt buộc phải có nhân chứng, vật chứng. Việc xác minh, kết luận nội dung tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo, người tố cáo có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình.