Thông tư số 17/2014/TT-NHNN quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý trong ngành ngân hàng.">
Liên kết website

Quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý

16/09/2014

Ngày 01/8/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-NHNN quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý trong ngành ngân hàng.

 

Việc bảo quản, vận chuyển, kiểm tra, kiểm kê, bàn giao, xử lý thừa thiếu kim khí quý, đá quý được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

Theo thông tư, kim khí quý, đá quý gồm các loại: vàng, bạc, bạch kim, kim cương, ruby, emorot, saphia, ngọc trai, các kim khí quý, đá quý khác theo quy định pháp luật. Về phân loại: Vàng được phân loại thành vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng miếng; vàng nguyên liệu; kim khí quý được phân loại thành kim khí quý trang sức, mỹ nghệ; kim khí quý nguyên liệu. Các loại hoặc phân loại trên lại được phân theo chất lượng, gồm: Kim khí quý phân theo hàm lượng kim loại quý trên 75%, từ 30-75%, dưới 30%; đá quý phân thành loại I, loại II, loại III, loại IV.

Về đóng gói: các loại kim khí quý, đá quý (trừ vàng miếng) được đóng gói trong túi nilon và ghim (hoặc khâu, dán) miệng túi, ngoài túi phải gói bằng hai lớp giấy dày, bền chắc. Riêng các loại đá quý, đồ trang sức và đồ mỹ nghệ phải được lót bông, vải hoặc giấy mềm và đựng trong hộp cứng để đề phòng sây sát, hư hỏng. Đồ trang sức và đồ mỹ nghệ phải được đóng gói từng chiếc hoặc từng bộ; nếu giống nhau về chất lượng thì đóng gói 10 chiếc thành một bộ, 10 bộ thành 01 gói. Một hoặc nhiều gói, hộp cùng loại, phân loại và cùng chất lượng đóng vào một hộp gỗ hoặc hộp tôn hoặc hộp kim loại không gỉ, có niêm phong, kẹp chì. Trên niêm phong phải ghi rõ số lượng gói, hộp; khối lượng và chất lượng của các gói, hộp, họ tên và chữ ký của tổ trưởng và thủ kho tiền; ngày, tháng, năm đóng gói, niêm phong.

Vàng miếng cùng khối lượng, chất lượng, ký mã hiệu sau khi kiểm nhận phải được đóng vào hộp hoặc túi nilon trong suốt theo lô, mỗi lô gồm 100 hoặc bội số của 100, tối đa là 500 miếng. Hộp đựng vàng miếng là loại hộp bằng kim loại không gỉ, kích thước phù hợp với số lượng vàng theo lô, trong lót vảu nhung, cạnh mặt trên của hộp có 02 khuy để thuận tiên cho việc khóa niêm phong, kẹp chì.

Việc phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý phải do tổ giao nhận thực hiện. Thành phần tổ giao nhận gồm tổ trưởng; thợ kỹ thuật về kim khí quý, đá quý; thủ kho tiền; nhân viên ghi chép và lập biên bản. Việc giao nhận kim khí quý, đá quý thực hiện theo hình thức kiểm định hiện vật hoặc hình thức nguyên niêm phong. Việc giao nhận phải được lập thành biên bản giao nhận (theo mẫu); biên bản giao nhận được lập thành 04 bản, một bản người giao hiện vật giữ để làm chúng từ biên nhận, một bản giao cho kế toán kèm theo các chứng từ giao nộp; một bản giao cho thủ kho tiền; một bản để kèm vào gói hiện vật (nếu nhận theo niêm phong).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014.

Quyết định số 78/2000/QĐ-NHNN6 ngày 06/3/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý trong ngành Ngân hàng và Thông tư số 05/2013/TT-NHNN ngày 08/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý trong ngành Ngân hàng ban hành theo Quyết định số 78/2000/QĐ-NHNN6 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư số 17/2014/TT-NHNN có hiệu lực thi hành.

Các tin đã đưa ngày: