Theo Thông tư, 04 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam lần lượt có tên gọi là những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá (tiêu chuẩn số 01), giá thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá (tiêu chuẩn số 02), giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá (tiêu chuẩn số 03) và những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá (tiêu chuẩn số 04).
Đối với tiêu chuẩn số 01: Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải tôn trọng và chấp hành đúng quy định của Luật giá, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thẩm định viên ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám độc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá. Các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp thẩm định giá bao gồm: độc lập, chính trực, khách quan, bảo mật, ...
Đối với tiêu chuẩn số 02: Cơ sở giá trị tài sản có thể là cơ sở giá thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường. Giá trị tài sản được ước tính trên cơ sở giá trị thị trường là giá trị thị trường và được xác định bằng các cách tiếp cận theo quy định của hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Giá trị thị trường thể hiện mức giá hình thành trên thị trường công khai và cạnh tranh, thị trường này có thể là thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế, có thể bao gồm nhiều người mua, người bán hoặc bao gồm một số lượng hạn chế người mua, người bán.
Đối với tiêu chuẩn số 03: Khi áp dụng cơ sở giá trị phi thị trường, thẩm định viên cần nêu tên của loại giá trị phi thị trường cụ thể được áp dụng và đưa ra các căn cứ, lập luận cụ thể bao gồm đặc điểm đặc biệt của tài sản thẩm định giá, người mua, nhà đầu tư đặc biệt, giao dịch trong thị trường hạn chế, bắt buộc phải bán và giá trị theo những mục đích đặc biệt như mục đích tính thuế.
Đối với tiêu chuẩn số 04, gồm các nguyên tắc sau: nguyên tắc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất; nguyên tắc cung - cầu; nguyên tắc thay đổi; nguyên tắc thay thế; nguyên tắc cân bằng; nguyên tắc thu nhập tăng hoặc giảm; nguyên tắc phân phối thu nhập; nguyên tắc đóng góp; nguyên tắc phù hợp; nguyên tắc cạnh tranh; nguyên tắc dự tính lợi ích tương lai.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.