Theo đó trong bảo vệ công trình hàng hải nghiêm cấm: Phá hủy, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải; làm hư hỏng, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của các thiết bị báo hiệu hàng hải; nổ mìn và các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải; nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển hoặc nạo vét không đúng yêu cầu kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thực hiện giám sát nạo vét và đổ bùn đất nạo vét không đúng quy định; xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; xây dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải; thực hiện hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hàng hải...
Phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng được tính từ rìa ngoài cùng của công trình đến hết giới hạn phía ngoài của vùng nước trước bến cảng, cầu cảng; phạm vi bảo vệ công trình hàng hải phần trên không, dưới mặt đất được xác định cụ thể theo từng công trình trên cơ sở quy hoạch phát triển cảng biển và luồng hàng hải, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định liên quan. Đối với công trình cảng dầu khí ngoài khơi, phạm vi bảo vệ được giới hạn bởi vành đai an toàn có chiều rộng 500m tính từ điểm nhô ra xa nhất của công trình cảng dầu khí ngoài khơi và vùng cấm hành hải, thả neo có chiều rộng 02 hải lý tính từ vị trí tọa độ của công trình cảng dầu khí ngoài khơi...
Về nguyên tắc bảo vệ công trình hàng hải: Nghị định nêu rõ việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình hàng hải phải tuân theo quy định có liên quan của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố. Các Bộ, ngành, địa phương khi lập quy hoạch có ảnh hưởng đến công trình hàng hải phải gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, thi công và tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ các quy định về bảo vệ công trình hàng hải theo quy định.
Trong quá trình xây dựng công trình có ảnh hưởng đến bảo vệ công trình hàng hải, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình phải thực hiện quy định về giám sát thực hiện xây dựng công trình trong vùng nước cảng biển, phương án bảo đảm an toàn hàng hải và các quy định khác theo quy định của Quy chế này, Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, Nghị định số 146/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Khi phát hiện công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn, chủ đầu tư, người quản lý khai thác công trình hàng hải hoặc người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực để có biện pháp xử lý kịp thời. Cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được thông tin về công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn phải khẩn trương phối hợp với Cảng vụ hàng hải tại khu vực, chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải để xử lý vi phạm, ứng cứu, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2015.