Liên kết website

Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân

27/04/2015

Ngày 31/ 3/ 2015 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân.

 

Thông tư này quy định về việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, địa bàn hoạt động, quản trị, điều hành, kiểm soát, vốn điều lệ, vốn góp, chuyển nhượng vốn góp, hoàn trả vốn góp, thành viên, đại hội thành viên, hoạt động và quyền hạn, nghĩa vụ của quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân có trụ sở chính trên địa bàn. Thời gian hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tối đa là 50 năm. Thời hạn hoạt động cụ thể do Ban trù bị thành lập quỹ tín dụng nhân dân đề nghị và ghi trong Giấy phép. Điều kiện để được cấp Giấy phép: có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép; có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng quy định pháp luật, có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân; có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật hợp tác xã; có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động… Quỹ tín dụng nhân dân được cấp Giấy phép phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, phải khai trương hoạt động trong thời gian 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép.

Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân gồm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội động quản trị. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do Đại hội thành viên quyết định nhưng không ít hơn 03 thành viên. Vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được góp bằng đồng Việt Nam, trường hợp góp bằng tài sản khác phải là tài sản có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng. Mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 300.000 đồng; mức vốn góp thường niên tối thiểu là 100.000 đồng.

Thông tư còn quy định, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm: hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay và các hoạt động khác. Hoạt động huy động vốn dưới các hình thức như: nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, tổ chức, cá nhân khác bằng đồng Việt Nam; vay vốn của tổ chức tín dụng khác; vay vốn từ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam… Quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay bảo đảm bằng số góp vốn của thành viên. Quỹ tín dụng nhân dân phải bàn hành quy chế nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay để đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích, đồng thời quy định cụ thể về việc gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và việc quản lý chất lượng tín dụng đối với khoản vay được gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015.

Các tin đã đưa ngày: