Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định đối tượng tham gia bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trở lên cho cùng một xe cơ giới; Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới có thể thoả thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện; Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền chủ động bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới dưới các hình thức (Trực tiếp; Thông qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm).
Theo Thông tư, từ ngày 01/4/2016, số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả trong trường hợp có thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn cao hơn so với thời gian trước ngày 01/4/2016 là 30 triệu đồng/người/vụ; với thiệt hại về tài sản, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe mô tô hai bánh, xe gắn máy gây ra; tối đa 100 triệu đồng/vụ tai nạn do xe ô tô gây ra.
Đồng thời, Thông tư cũng điều chỉnh mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe ô tô dưới 06 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải lên mức 437.000 đồng/năm (tăng 40.000 đồng/năm so với trước); xe ô tô 16 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 3,054 triệu đồng/năm (tăng 509.000 đồng/năm) và xe ô tô 24 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 4,632 triệu đồng/năm (tăng 772.000 đồng/năm). Mức phí đối với các loại phương tiện cơ giới còn lại vẫn được giữ nguyên; trong đó, mức phí với mô tô hai bánh là 55.000 đồng/năm - 60.000 đồng/năm tùy dung tích; ô tô không kinh doanh vận tải từ 06 - 11 chỗ ngồi là 794.000 đồng/năm; xe tải dưới 03 tấn là 853.000 đồng/năm…
Trong thời hạn 05 ngày từ ngày xảy ra tai nạn, chủ xe phải gửi thông báo bằng văn bản và tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường tới doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp phải thanh toán bồi thường cho chủ xe trong 15 ngày, từ khi nhận được hồ sơ hoặc trong 30 ngày nếu phải tiến hành xác minh hồ sơ. Thời hạn yêu cầu bồi thường là 01 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp từ chối bồi thường, DNBH phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 3 năm kể từ ngày DNBH thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên quyền khởi kiện không còn giá trị./.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2016.