Liên kết website

Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

03/01/2017

Ngày 16/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo Thông tư, chậm nhất ngày 01/03/2018, khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, có tài khoản thanh toán mở trước ngày 01/03/2017 phải hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản (nếu khách hàng có yêu cầu). Sau 01/03/2018, sẽ thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành chuyển đổi hình thức tài khoản.
Cũng theo Thông tư, từ ngày 01/03/2017, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức chính là tổ chức mở tài khoản, thay vì là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản như quy định hiện hành. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản thanh toán chỉ có quyền thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.
Về việc ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư quy định, chỉ chủ tài khoản thanh toán mới được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình, thay vì cả kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) như trước đây; việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách; đồng thời, phải phải bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật trong thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại. Trường hợp hết hạn xử lý tra soát, khiếu nại mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý, tra soát khiếu nại. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn); đồng thời, thông báo bằng văn bản cho khách hàng về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại. Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại. Trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng và các bên liên quan không thỏa thuận được và/hoặc không đồng ý với quá trình đề nghị tra soát, khiếu nại thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/03/2017.
 
Các tin đã đưa ngày: