Liên kết website

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2018

16/08/2018

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2018 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 
Trong tháng 7 năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 05 Nghị định của Chính phủ và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
2. Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng;
3. Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
4. Nghị định số 101/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng;
5. Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
2. Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;
3. Quyết định số 29/2018/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ;
4. Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 8 năm 2018.
Bãi bỏ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Các bên tham gia liên kết đang thực hiện theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng các chính sách đã được phê duyệt hoặc hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định này cho đến khi hết hợp đồng liên kết đã ký nếu đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp đã trình cơ quan có thẩm quyền để được hưởng chính sách trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn; tăng cường tính hợp tác, liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản, đồng thời, hình thành được nhiều chuỗi giá trị nông sản gắn sản xuất với sơ chế, chế biến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 19 điều quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp, cụ thể: (1) Hình thức liên kết, hợp đồng liên kết và dự án liên kết; (2) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ; (3) Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết; (4) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; (2) Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; (3) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; (4) Doanh nghiệp; (5) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện Nghị định này.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Đơn đề nghị hỗ trợ liên kết; (2) Dự án liên kết; (3) Kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết; (4) Bản thỏa thuận cử đơn vị làm chủ đầu tư dự án liên kết (hoặc chủ trì liên kết); (5) Bản cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
2. Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng 
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 8 năm 2018.
Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
 b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều  quy định về mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và mức trợ cấp, phụ cấp, theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.515.000 đồng; đồng thời, Nghị định cũng quy định về nguồn kinh phí và trách nhiệm thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục gồm: (1) Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; (2) Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; (3) Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
3. Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và một số khoản tại Điều 1 của Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng; bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề không được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; phân cấp thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III của cá nhân nước ngoài cho Sở Xây dựng; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực…; (2) Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 79/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà chung cư, kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, cụ thể: Bãi bỏ điều kiện về tư cách pháp lý, cơ sở vật chất, số lượng giảng viên tối thiểu phải có đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản; sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở đào tạo đủ điều kiện đào tạo kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn…; (3) Bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, cụ thể: Điều kiện đối với đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị; điều kiện đối với đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh; điều kiện của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; (4) Xử lý chuyển tiếp; (5) Tổ chức thực hiện.
Ban hành kèm theo Nghị định này 10 Phụ lục gồm: Bổ sung vào Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ các mẫu: (1) Đơn đề nghị Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; (2) Tờ khai Đăng ký sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; (3) Đơn đề nghị Chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; (4) Đơn đề nghị Công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; (5) Đơn đề nghị Cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; (6) Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn và xác định hạng của chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; (7) Ký hiệu nơi cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; (8) Mẫu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; (9) Mẫu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; (10) Đơn đề nghị công nhận Cở sở đào tạo đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà trung cư.
4. Nghị định số 101/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều  quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng, cụ thể: (1) Cấp đổi hiện vật khen thưởng; (2) Cấp lại hiện vật khen thưởng; (3) Trách nhiệm thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục gồm: (1) Giấy chứng nhận cấp đổi bằng; (2) Giấy chứng nhận cấp lại bằng.
5. Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; đồng thời để góp phần cải thiện đời sống, chế độ đãi ngộ của người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 12 điều  quy định về: (1) Chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; (2) Hồ sơ, thẩm quyền, quy trình giải quyết chế độ hỗ trợ, một số chế độ đãi ngộ khác; (3) Phương thức chi trả chế độ hỗ trợ và cấp “Giấy chứng nhận”; nguồn kinh phí thực hiện; (4) Trách nhiệm tổ chức thực hiện; (5) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng) theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, đang định cư ở nước ngoài nhưng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng do hoạch định biên giới Quốc gia; (2) Người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài; (3) Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; (4) Dân công hỏa tuyến, được Ủy ban hành chính hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung và được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ tại các chiến trường trong thời gian và địa bàn sau đây, đang định cư ở nước ngoài; (5) Thân nhân của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này, bao gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật; (6) Thân nhân quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này ở trong nước được đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này ủy quyền lập hồ sơ, nhận chế độ, chính sách.
Nghị định này không áp dụng đối với: (1) Không đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này; (2) Tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước ta; (3) Đào ngũ; phản bội; chiêu hồi; đã bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, buộc thôi việc; (4) Đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị định này trước khi định cư ở nước ngoài thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hằng tháng; (5) Đối tượng đã từ trần nhưng không có hoặc không còn thân nhân quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này.
Ban hành kèm theo Nghị định này danh mục các loại mẫu biểu, cụ thể: (1) Bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (2) Bản khai thân nhân đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (3) Bản khai thân nhân đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (4) Công văn đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (5) Bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (6) Bản khai thân nhân đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (7) Danh sách người Việt Nam có công bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp đang định cư ở nước ngoài (bao gồm cả đối tượng vừa là người có công vừa là người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế); (8) Danh sách người Việt Nam tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; (9) Danh sách người Việt Nam có công bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp đang định cư ở nước ngoài (bao gồm cả đối tượng vừa là người có công vừa là người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế); (10) Danh sách người Việt Nam tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; (11) Quyết định về việc thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người Việt Nam có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; (12) Biên bản hội nghị xét duyệt, đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ; (13) Mẫu “Giấy chứng nhận” người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
6. Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 8 năm 2018.
Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật thống kê có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều  quy định về chi tiết Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm danh mục và nội dung được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước, cụ thể:
- Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:
+ Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
+ Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
+ Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
+ Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
+ Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
-  Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:
+ Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;
+ Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật thống kê 2015.
Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục gồm: (1) Danh mục hệ thống ngành kinh tế; (2) Nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
7. Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 9 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật an toàn thông tin mạng, Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ,…
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 chương, 22 điều  quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; không áp dụng đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật, cụ thể: (1) Quy định chung về: Giá trị pháp lý của văn bản điện tử; Nguyên tắc gửi, nhận văn bản điện tử; Yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử; Các loại văn bản điện tử và đầu mối gửi, nhận văn bản điện tử; (2) Quy trình gửi, nhận văn bản điện tử; (3) Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; (4) Tổ chức thực hiện; (5) Điều khoản thi hành.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; (2) Các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động gửi, nhận văn bản với các Bộ, ngành, địa phương, nếu đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để áp dụng.
8. Quyết định số 29/2018/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 8 năm 2018.
Quyết định này thay thế Quyết định số 05/2015/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều  quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thuộc Bộ Nội vụ.
Theo Quyết định, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng; có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.
Cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương gồm 08 đơn vị trực thuộc, trong đó có 06 đơn vị  là các tổ chức hành chính giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và 02 đơn vị sự nghiệp.
9. Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 07 điều  quy định về: (1) Hồ sơ đề nghị xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; (2) Trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; (3) Trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ; (4) Hồ sơ đề nghị xác nhận phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư; (5) Trình tự, thủ tục xác nhận phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.
Ban hành kèm theo Quyết định này phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Văn bản đề nghị xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ/đổi mới công nghệ; (2) Văn bản trả lời tổ chức, cá nhân về đề nghị xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ/đổi mới công nghệ; (3) Văn bản đề nghị xác nhận phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư; (4) Văn bản trả lời tổ chức, cá nhân về đề nghị xác nhận phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2018, Bộ Tư pháp xin thông báo./ 
File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: