I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 7 năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 33 văn bản quy phạm pháp luật
[1], cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
2. Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số diều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ;
3. Nghị định số 78/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;
4. Nghị định số 79/2024/NĐ-CP ngày 02 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội;
5. Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn;
6. Nghị định số 81/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2022 - 2027;
7. Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
8. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số
101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ; Nghị định số
10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số
47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ và Nghị định số
120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
9. Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh;
10. Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá;
11. Nghị định số 86/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái;
12. Nghị định số 87/2024/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá;
13. Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
14. Nghị định số 89/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
15. Nghị định số 90/2024/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất;
16. Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
17. Nghị định số 92/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
18. Nghị định số 93/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;
19. Nghị định số 94/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản;
20. Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở;
21. Nghị định số 96/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản;
22. Nghị định số 97/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước;
23. Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
24. Nghị định số 99/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
25. Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
26. Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai;
27. Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
28. Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
29. Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ q
uy định về Quỹ phát triển đất.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 09/2024/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
2. Quyết định số 11/2024/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ Về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ;
3. Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ Về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Trên cơ sở thông tin do các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp
[2], Bộ Tư pháp thông tin về hiệu lực thi hành, sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của 26 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2024 như sau:
1. Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở chính trị, pháp lý
+ Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng quan tâm cả đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo hướng bảo đảm mức sống tối thiểu, sàn an sinh xã hội quốc gia”.
+ Kết luận số 83/KL-TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, trong đó có nội dung: “điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%); thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024”.
+ Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó quy định: “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở” và giao Chính phủ: “Trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền việc thực hiện khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này”.
+ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ quy định: “giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội”.
+ Văn bản số 4329/VPCP-KTTH ngày 21/6/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành 03 Nghị định về điều chỉnh: mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Cơ sở thực tiễn
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đến nay cả nước có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,356 % dân số
[3]) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (bao gồm 1,4 triệu người hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, 1,6 triệu người hưởng chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật, 21 nghìn trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, 146 nghìn trẻ em dưới 3 tuổi, 84 nghìn người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi) và hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện hỗ trợ hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ chi phí điều trị đối với người bị thương; hỗ trợ làm nhà mới, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ; thực hiện hỗ trợ cho người thiếu đói (từ năm 2021 đến năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 210.000 tấn gạo cứu đói cho 3,5 triệu hộ với gần 15 triệu lượt nhân khẩu).
Hàng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước.
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, coi đây là chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, một số vấn đề bất cập, vướng mắc đã nảy sinh, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:
+ Thứ nhất, mức chuẩn trợ giúp xã hội thấp, tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng; rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 (chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng).
Tính từ năm 2021 đến nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng là 26,5% (từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng); mức tăng lương cơ sở sau 4 năm là 20,8% (từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng). Dự kiến hiện nay, từ ngày 01/7/2024 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng 35,7% (từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng), mức lương cơ sở dự kiến tăng 30%. Như vậy, mức chuẩn ưu đãi người có công từ 2021-2024 dự kiến điều chỉnh tăng 62,2%; mức lương cơ sở dự kiến điều chỉnh tăng 50,8%.
Tốc độ trượt giá tiêu dùng giai đoạn 2021-2024 là 14%: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam giai đoạn 2021-2024 dự kiến tăng khoảng 14%
[4]. Việc giá của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân tăng lên trong khi mức trợ cấp xã hội không thay đổi khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn.
Mức chuẩn trợ giúp xã hội chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người dân, để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, đã có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; có 32 tỉnh, thành phố đã quy định bổ sung đối tượng khó khăn trên địa bàn được hưởng chính sách. Do đó việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội là cần thiết.
+ Thứ hai, theo kiến nghị của các địa phương, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này cần phải được sửa đổi nhằm bảo đảm việc thực hiện kịp thời chính sách trợ giúp xã hội ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
+ Thứ ba, việc chuyển tiếp thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp xã hội cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng; rút gọn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sớm thụ hưởng chính sách.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp xã và cơ sở chính trị, pháp lý nêu trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là cần thiết.
- Mục đích ban hành:
Bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng hưởng lợi, nhất là người dân khó khăn đều được sự hỗ trợ của nhà nước; từng bước nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
c) Nội dung chủ yếu:
- Về mức chuẩn trợ giúp xã hội
Nghị định này quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác. Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định qqức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này và đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
- Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
Nghị định này quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, gồm:
+ Hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
+ Các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại
khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 13,
khoản 1 và 2 Điều 14, khoản 1 Điều 19,
khoản 1 và 2 Điều 20, khoản 1 và 3 Điều 25 và các điều khoản có liên quan khác quy định tại Nghị định số
20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
+ Đối tượng đang hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số
20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được điều chỉnh hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát danh sách đối tượng đang hưởng chính sách, quyết định chi trả chế độ chính sách theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
+ Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền bảo đảm kinh phí và tổ chức thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
- Về trách nhiệm thi hành
Nghị định này quy định Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số diều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở chính trị, pháp lý
+ Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, theo đó về ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết nêu: "Tiếp tục nâng cao mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội… Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú". Như vậy, với việc thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với mức tăng cao hơn sẽ góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42-NQ-TW về nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và nguyên tắc khi xem xét, điều chỉnh các chính sách xã hội thì mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất.
+ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, theo đó Bộ Chính trị đồng ý: “... Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35.7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp...”.
+ Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quy định từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”.
+ Điều 48 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng giao Chính phủ quy định mức hưởng và việc thực hiện trợ cấp, phụ cấp, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Thực hiện sự phân công của Chính phủ tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ
ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Xây dựng các văn bản quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội cho phù hợp với chế độ tiền lương mới”.
Cơ sở thực tiễn
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và cụ thể hóa thực hiện chính sách, chế độ chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
- Mục đích ban hành:
+ Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
+ Phù hợp với Kết luận số 83/KL-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
c) Nội dung chủ yếu:
- Về mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng
Thực hiện Kết luận số 83/KL-TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên thành 2.789.000 đồng (tương ứng với tỷ lệ tăng là 35,7%) và được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
+ Về nguyên tắc điều chỉnh:
(i) Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng (Phụ lục I, II, III): giữ nguyên mối tương quan giữa các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hiện hành so với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, theo đó, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo số tiền tuyệt đối được điều chỉnh tăng bằng với tỷ lệ tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 35,7%.
(ii) Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng năm, một lần và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe (Điều 6, 8 và phụ lục IV, VI): tiếp tục gắn với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như quy định hiện hành.
+ Về thời điểm hưởng: Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, hằng năm, một lần được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
- Về quy định thời điểm hưởng mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe
Mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo mức chuẩn 2.789.000 đồng được thực hiện kể từ ngày 01/01/2025. Nội dung này được thực hiện tương tự như Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ.
- Về sửa đổi cơ cấu nội dung chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điều dưỡng người có công với cách mạng, tạo điều kiện để người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần; đồng thời, tăng cường tính liên kết giữa các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng trên cả nước, trên cơ sở kiến nghị của một số địa phương và các cơ sở điều dưỡng người có công thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh cơ cấu nội dung chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung theo hướng các nội dung chính bao gồm: tiền ăn, thuốc thiết yếu, quà tặng đối tượng, tham quam chiếm tỷ lệ tối thiểu 90% và các khoản chi khác chiếm tỷ lệ tối đa 10%; đồng thời vẫn giữ nguyên mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung là 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần.
- Về trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
3. Nghị định số 79/2024/NĐ-CP ngày 02 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ký ban hành (ngày 02 tháng 7 năm 2024).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Tại khoản 6 và khoản 8 Điều 40
[5] Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Chính phủ cho phép Công ty mẹ - VIETTEL và các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, từ năm 2016 đến nay được thực hiện cơ chế quản lý lao động, tiền lương đặc thù theo Nghị định số 121/2016/NĐ-CP, Nghị định số 74/2020/NĐ-CP và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP được áp dụng từ năm 2016 đến nay với những nội dung chính như sau:
+ Tại Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016, Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 với hai nội dung chính: (i) Công ty mẹ và các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được giao ổn định đơn giá tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện giai đoạn 2011 - 2015; (ii) Tiền lương của người quản lý được tính chung trong quỹ lương chung với người lao động.
+ Trong quá trình thực hiện, do thực hiện cơ cấu lại theo Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và mở rộng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số công ty con do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có sự thay đổi nên ngày 01 tháng 7 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định số 74/2020/NĐ-CP), trong đó cho phép trong giai đoạn 2016 - 2020:
(i) Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ khi phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thì từ khi nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới hoặc nhận sáp nhập đến hết năm 2020 được xác định quỹ tiền lương thực hiện riêng trên cơ sở số lao động bình quân và mức tiền lương bình quân của người lao động thực hiện nhiệm vụ đó tại công ty chuyển giao hoặc bị sáp nhập trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao hoặc bị sáp nhập.
(ii) Các công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ thì từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới đến hết năm liền kề năm tiếp nhận được xác định quỹ tiền lương thực hiện riêng trên cơ sở số lao động bình quân và mức tiền lương bình quân tối đa bằng mức tiền lương bình quân của người lao động thực hiện nhiệm vụ đó tại công ty mẹ trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao.
(iii) Công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được thành lập mới trong năm 2020 thì việc xác định quỹ tiền lương thực hiện trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân bảo đảm tương quan chung với mặt bằng tiền lương năm 2020 tại công ty khác do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
+ Tiếp đến, trong thời gian chưa triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ngày 06 tháng 9 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, trong đó cho phép công ty mẹ, công ty con trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục thực hiện cơ chế thí điểm quản lý lao động, tiền lương từ năm 2021 cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó:
(i) Từ năm 2021, Công ty mẹ và các công ty con tiếp tục giao ổn định đơn giá tiền lương trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011 – 2015.
(ii) Đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh từ công ty khác trong Tập đoàn hoặc nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh mới thì các hoạt động này được xác định quỹ tiền lương thực hiện riêng.
(iii) Đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, từ năm 2021 nếu tiếp nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ hoặc có những nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới phát sinh hoặc thành lập mới từ năm 2020 thì các hoạt động này được xác định quỹ tiền lương thực hiện riêng.
(iv) Công ty mẹ và các công ty con khi đã được giao đơn giá tiền lương ổn định mà có chỉ tiêu năng suất lao động hoặc lợi nhuận bị giảm do yếu tố khách quan dẫn đến tiền lương bình quân của người lao động hưởng lương theo đơn giá tiền lương được giao ổn định thấp hơn 65% so với mức lương bình quân năm 2020 thì được tính cao hơn đến 65% mức tiền lương bình quân năm 2020 và bảo đảm không thấp hơn mức tiền lương xác định theo thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của doanh nghiệp.
+ Kết quả triển khai thực hiện cho thấy, việc thí điểm quản lý lao động, tiền lương với các nội dung nêu trên cơ bản phù hợp với đặc thù của VIETTEL, đã góp phần tích cực trong việc khuyến khích VIETTEL phát triển sản xuất kinh doanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng an ninh được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao; tạo quyền chủ động cho VIETTEL xác định quỹ lương, chủ động trả lương cho người lao động, người quản lý tương quan với thị trường; kịp thời khắc phục những bất cập cơ bản và đáp ứng yêu cầu của VIETTEL khi thực hiện đề án cơ cấu lại, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mới, thành lập doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gần đây đã phát sinh một số bất cập như:
(i) Về loại trừ các yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương thực hiện: Nội dung này được quy định tại Nghị định số 121/2016/NĐ-CP, tuy nhiên, trên thực tế phát sinh các yếu tố mới làm ảnh hưởng lợi nhuận và năng suất lao động mà không do chủ quan của VIETTEL như: sản xuất các sản phẩm, dịch vụ an ninh, quốc phòng mà không có doanh thu hoặc chưa có doanh thu; sản xuất các sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao khối lượng sản phẩm, dịch vụ tăng so với năm trước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống khác; thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; điều chỉnh cơ chế, chính sách theo cam kết quốc tế của Việt Nam; điều chỉnh cơ chế, chính sách của các nước sở tại nơi công ty đầu tư; điều chỉnh hoặc phát sinh mới trích lập các khoản dự phòng; những biến động thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố đầu vào của công ty … Theo đó, cần xác định và loại trừ các yếu tố khách quan trên nhằm bảo đảm tiền lương gắn với hiệu quả hoạt động thực sự của công ty.
(ii) Về xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập công ty khác hoặc có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới: hiện tại mới có quy định về xác định quỹ tiền lương của người lao động thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh này trên cơ sở mức lương bình quân thực hiện của năm trước khi tiếp nhận hoặc nhận sáp nhập hoặc tương quan với tiền lương của người làm công việc tương tự trong Tập đoàn. Quy định này phù hợp với năm đầu tiên và năm liền kề năm đầu tiên khi tiếp nhận hoặc nhận sáp nhập hoặc phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới. Tuy nhiên, từ những năm tiếp theo, sau khi các hoạt động này đã đủ năm tài chính để so sánh thì việc xác định quỹ tiền lương thực hiện theo quy định trên là không phù hợp do không gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thực tế phát sinh từ hoạt động đó. Vì vậy, cần bổ sung quy định cho phép sau khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh này đã hoạt động tròn đủ năm tài chính để so sánh với các năm sau thì các năm tiếp theo được xác định quỹ tiền lương thực hiện gắn với lợi nhuận và năng suất lao động như quy định đối với doanh nghiệp nhà nước khác.
Về xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được thành lập mới từ năm 2020: hiện mới có quy định quỹ tiền lương thực hiện chỉ được xác định dựa trên mặt bằng tiền lương năm 2020 của công ty do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có hoạt động tương tự trong Tập đoàn. Nay đã năm 2024, mặt bằng tiền lương đã thay đổi, hơn nữa các công ty này đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, đánh giá được hiệu quả cụ thể. Vì vậy, cần bổ sung quy định cho phép sau khi tròn đủ năm tài chính để so sánh với các năm sau thì các năm tiếp theo được xác định tiền lương gắn với năng suất lao động và lợi nhuận như doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khác.
(iii) Về xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ thành lập mới hoặc đã được thành lập trước đây nhưng mới quay trở lại hoạt động: hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến năm 2025, khi thực hiện đề án này thì VIETTEL thành lập 05 công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ trên cơ sở giải thể 05 đơn vị hạch toán phụ thuộc, chuyển đổi 02 công ty con thành công ty cổ phần do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; ngoài ra Tập đoàn có công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ đã được thành lập trước đây nhưng chưa đi vào hoạt động, nay mới bắt đầu quay trở lại hoạt động chính thức. Trong quy định hiện hành mới chỉ có quy định xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thành lập năm 2020 mà chưa có quy định đối với hai trường hợp nêu trên. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định xác định quỹ tiền lương đối với các công ty này để làm căn cứ tính, trả lương cho người lao động.
(iv) Về bảng lương đối với người quản lý công ty: Theo phân công của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương chung đối với doanh nghiệp nhà nước, trong đó giao doanh nghiệp nhà nước xây dựng thang lương, bảng lương đối với người quản lý công ty. Theo đó, cần bổ sung quy định về xây dựng bảng lương để áp dụng đối với người quản lý của VIETTEL để đảm bảo tính đồng bộ chung.
+ Tại Kết luận số 64-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã quyết định lộ trình cải cách tiền lương đối với khu vực công từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Khác với khu vực công, đối với khu vực doanh nghiệp thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phải theo quy định của Bộ luật Lao động và dựa trên thương lượng, kiến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; cải cách tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước cần được thực hiện từ đầu năm, phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, tại Kết luận số 64-KL/TW nêu trên đã nêu rõ “đối với khu vực doanh nghiệp, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định; đồng thời thực hiện chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và quy định pháp luật”.
Tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chốt thời gian trình Chính phủ Nghị định quy định cơ chế tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào quý IV năm 2024 (dự kiến áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2025). Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới đối với doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
- Mục đích ban hành:
Sửa đổi những bất cập, hạn chế tại Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP để tạo điều kiện cho VIETTEL nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 Điều sửa đổi, bổ sung 08 nội dung của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Sửa đổi khoản 2 Điều 4 Nghị định số 121/2016/NĐ-CP về xây dựng bảng lương đối với người quản lý (không phải là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp) của các doanh nghiệp trong Tập đoàn theo hướng các đối tượng này được xếp lương theo bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bổ sung quy định này để bảo đảm đồng bộ với quy định chung áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước khác.
- Sửa đổi, bổ sung vào khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 74/2020/NĐ-CP một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận và năng suất lao động khi xác định quỹ tiền lương thực hiện của các doanh nghiệp trong Tập đoàn, gồm:
+ Sửa đổi cụm từ “Thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao” thành “Thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao hoặc do doanh nghiệp tự thực hiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm dịch vụ an ninh, quốc phòng mà không có doanh thu hoặc chưa có doanh thu”.
+ Sửa đổi cụm từ “Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá)” thành “sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá nhưng giá đó chưa bù đắp chi phí theo quy định pháp luật về giá và pháp luật liên quan hoặc do Nhà nước điều chỉnh giá thấp hơn so với mức giá đã ký hợp đồng, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ”.
+ Bổ sung vào trước đoạn “; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác” các yếu tố sau: (i) được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao khối lượng sản phẩm, dịch vụ an ninh, quốc phòng tăng so với năm trước liền kề; (ii) thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; (iii) điều chỉnh hoặc phát sinh mới trích các khoản dự phòng theo quy định khi có yếu tố khách quan tại nước sở tại đối với các dự án; (iv) điều chỉnh chính sách hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, theo các điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài; (v) do sự thay đổi chính sách của nước sở tại nơi công ty đầu tư các dự án; (vi) thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố sản xuất đầu vào cơ bản của công ty.
- Bổ sung vào đoạn cuối điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 82/2021/NĐ-CP về xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập nội dung như sau:
+ Đối với năm tài chính liền kề sau năm nhận sáp nhập, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động của công ty sau khi nhận sáp nhập được xác định trên cơ sở (i) số lao động thực tế sử dụng bình quân, (ii) mức tiền lương bình quân của người lao động tại công ty nhận sáp nhập hoặc công ty bị sáp nhập trước thời điểm sáp nhập.
+ Trường hợp sau khi nhận sáp nhập, khi công ty phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới (ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đã có của công ty nhận sáp nhập, công ty bị sáp nhập và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới tiếp nhận từ công ty mẹ), quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở (i) số lao động thực tế sử dụng bình quân, (ii) mức tiền lương bình quân do công ty quyết định bảo đảm tương quan chung trong Tập đoàn.
+ Sau thời gian tính từ thời điểm tiếp nhận nhiệm vụ mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập hoặc phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới ở công ty sau sáp nhập đến hết năm tài chính liền kề năm tiếp nhận nhiệm vụ mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập hoặc phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới ở công ty sau sáp nhập, quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở (i) số lao động thực tế sử dụng bình quân, (ii) mức tiền lương bình quân thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề.
- Bổ sung vào cuối điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 82/2021/NĐ-CP về xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới nội dung như sau: Sau thời gian tính từ thời điểm phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh mới đến hết năm tài chính liền kề năm phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh mới, quỹ tiền lương thực hiện hằng năm được xác định trên cơ sở (i) số lao động thực tế sử dụng bình quân, (ii) mức tiền lương bình quân thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề.
- Sửa đổi điểm c khoản 5 Điều 6 của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 82/2021/NĐ-CP quy định điều kiện khi xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập hoặc phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới ở công ty sau sáp nhập hoặc phát sinh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới, công ty phải bảo đảm: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định, có lợi nhuận và phải báo cáo Công ty mẹ cho ý kiến trước khi thực hiện.
- Bổ sung khoản 6 vào Điều 6 Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 82/2021/NĐ-CP quy định xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thành lập mới hoặc đã thành lập trước đây nhưng mới quay trở lại hoạt động như sau:
+ Từ khi thành lập mới hoặc mới quay trở lại hoạt động cho đến hết năm tài chính liền kề năm thành lập hoặc năm quay trở lại hoạt động, quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở (i) số lao động thực tế sử dụng bình quân, (ii) mức tiền lương bình quân do công ty xác định bảo đảm tương quan chung trong Tập đoàn;
+ Sau thời gian nêu trên, quỹ tiền lương thực hiện hằng năm được xác định trên cơ sở (i) số lao động thực tế sử dụng bình quân, (ii) mức tiền lương bình quân thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề; trường hợp công ty lỗ thì mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ tiền lương xác định bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động, mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp lương bình quân và tiền lương ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động; trường hợp công ty giảm lỗ so với thực hiện năm trước liền kề thì công ty căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định mức tiền lương bình quân, bảo đảm tương quan chung trong Tập đoàn và báo cáo công ty mẹ cho ý kiến trước khi thực hiện.
- Sửa đổi đoạn “đối với những công ty thành lập từ năm 2020 thì việc xác định quỹ tiền lương thực hiện từ năm 2021 đối với công ty này thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều này” tại cuối khoản 4 Điều 7 Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 82/2021/NĐ-CP như sau: đối với những công ty thành lập trong năm 2020 thì quỹ tiền lương thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023 tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều này, từ năm 2024 trở đi quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề theo nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định này.
- Bổ sung khoản 5 vào Điều 7 Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2020/NĐ-CP, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 82/2021/NĐ-CP quy định xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thành lập mới từ năm 2024 trở đi như sau: quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo nguyên tắc tương tự như xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ thành lập mới.
4. Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 7 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở chính trị, pháp lý
+ Ngày 11 tháng 02 năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ” (tại khoản 2 Phần III Nghị quyết này) để đảm bảo mục tiêu tổng quát “Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch…” (tại điểm a khoản 2 Phần II Nghị quyết này).
+ Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực năm 2004 quy định quyền của Khách hàng sử dụng điện lớn: “Mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao ngay trên thị trường điện lực”.
+ Ngày 09 tháng 11 năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tại mục 3.3 Điều 3 đã giao Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: “…có các giải pháp để ưu tiên thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh nhất các dự án, công trình phát triển, truyền tải, phân phối điện, nhất là năng lượng tái tạo, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân; khẩn trương ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp…”.
+ Ngày 13 tháng 12 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 về Giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Tại khoản 3 Điều 2 và mục 16 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này đã giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện “Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn”.
Cơ sở thực tiễn
Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành Nghị định này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện đối với cơ chế DPPA, tháng 5 năm 2022, tư vấn quốc tế đã thực hiện cuộc khảo sát đánh giá với kết quả như sau:
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của Bên bán (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo): trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi như sau: (i) 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; (ii) 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với Khách hàng; và (iii) 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của Bên mua điện (Khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên): phiếu khảo sát đã gửi tới 41 Khách hàng, trong đó có 20 Khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996MW (ước tính).
Do đó, để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, cần thiết xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.
- Mục đích ban hành:
+ Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện;
+ Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường;
+ Hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam;
+ Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định có 05 Chương và 30 Điều quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, cụ thể như sau:
5. Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành
(ngày 10 tháng 7 năm 2024).
- Quy định tại khoản 3 Điều 5a Nghị định số 82/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành khi bộ, cơ quan trung ương công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia, phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực;
- Đối với các quy định yêu cầu tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số hoặc khung kiến trúc số cấp bộ hoặc khung kiến trúc số cấp tỉnh tại Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, trường hợp tại thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 82/2024/NĐ-CP mà Chính phủ chưa ban hành quy định về Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số thì các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục thực hiện tuân thủ theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh.
- Quy định chuyển tiếp: Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được phê duyệt trước ngày Nghị định số 82/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì các bước tiếp theo thực hiện theo các quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại thời điểm phê duyệt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Cơ sở pháp lý
- Các văn bản, chỉ đạo của Đảng
Trong bối cảnh đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật tạo thuận lợi cho quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước nói chung và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho đầu tư sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số nói riêng, đồng thời bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra, pháp luật quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là Nghị định số 73/2019/NĐ-CP cần tiến hành rà soát, tổng kết, nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.
- Các Luật, Nghị quyết có liên quan
+ Thực hiện Luật Công nghệ thông tin và Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 nhằm hướng dẫn chi tiết khoản 3 Điều 62 Luật Công nghệ thông tin, cụ thể: quy định quản lý đầu tư đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, bao gồm dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Phạm vi điều chỉnh tại Nghị định sửa đổi, bổ sung tiếp tục kế thừa các cơ sở pháp lý và thực tiễn quy định của pháp luật, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước như tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP là tiếp tục quy định, hướng dẫn đối với hoạt động và dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị định số 73/2019/ND-CP cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung, đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan sau:
+ Tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) có các quy định liên quan trực tiếp tới đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, cụ thể dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước phải có hạng mục phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu; quy định về Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số bao gồm Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Khung kiến trúc số của các cơ quan, tổ chức.
+ Tại pháp luật đấu thầu mới quy định chi tiết có các quy định liên quan trực tiếp tới đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Cụ thể, pháp luật đấu thầu mới đã bỏ các quy định về: mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; chào hàng cạnh tranh rút gọn, thẩm quyền quyết định mua sắm, giá gói thầu.
+ Tại pháp luật về đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư công có các quy bãi bỏ một số điều, khoản về thuê dịch vụ công nghệ thông tin quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019. Nghị định số 40/2020/NĐ-CP cũng quy định giao cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư phương án thiết kế dự án bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án.
- Các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung là thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ tại:
+ Các văn bản số 84/TB-VPCP ngày 20/3/2023 về kết luận Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 ngày 25/02/2023, số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06, số 478/TB-VPCP ngày 20/11/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh phí triển khai các dự án công nghệ thông tin thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030;
+ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Cơ sở thực tiễn
Ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về việc quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực từ 01/01/2020.
Sau hơn 04 năm triển khai, thực hiện việc thực thi Nghị định đã góp phần mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay thực tế với xu hướng phát triển vượt bậc của công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia ngày càng mạnh mẽ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã theo dõi, tiếp nhận, tổng hợp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc chính trong quá trình triển khai như sau:
- Thiếu cơ sở pháp lý để hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP
Thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn chi tiết cụ thể cho từng phương pháp xác định sơ bộ tổng mức đầu tư trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; thiếu cơ sở pháp lý giao hướng dẫn chi tiết các phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin (Nghị định chỉ giao Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết 01 phương pháp là phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ)
- Quy định về đề xuất cấp độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin
Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, đề cương nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa có thuyết minh đề xuất cấp độ bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
- Quy định về các trường hợp thiết kế đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển quy định hạn mức dưới 15 tỷ đồng được phép thiết kế 01 bước. Đối với hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định hạn mức dưới 200 triệu đồng thì lập thuyết minh mua sắm đơn giản như các hàng hóa thông thường; từ 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng thì lập đề cương và dự toán chi tiết (thiết kế 01 bước); trên 15 tỷ đồng lập như dự án đầu tư công (thiết kế 02 bước).
Tuy nhiên, tại Văn bản số 4663/BCA-C06 ngày 25/12/2023 của Bộ Công an nêu vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06 liên quan đến mức kinh phí 15 tỷ đồng phải lập dự án đầu tư thì thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Do vậy, đề nghị không quy định mức hoặc tăng mức chi thường xuyên phải lập dự án lên.
Đồng thời, pháp luật hiện hành có quy định liên quan về thiết kế dự án nói chung cũng đã thay đổi so với trước đây, cụ thể Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 hướng dẫn Luật Đầu tư công 2019 quy định về thiết kế dự án giao: “Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định phương án thiết kế dự án bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án”, Luật Đấu thầu năm 2023 cũng không còn quy định hạn mức chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn.
Ngoài ra, việc phân loại dự án được phép thực hiện thiết kế 01 bước thường dựa vào độ phức tạp/đơn giản hoặc quy mô của dự án. Độ phức tạp/đơn giản hay quy mô to/nhỏ lại do chính chủ đầu tư dự án nắm rõ nhất: với chủ đầu tư đã có kinh nghiệm triển khai các dự án thì việc triển khai những dự án có độ phức tạp, quy mô lớn lại không khó khăn gì, hoàn toàn có thể triển khai 01 bước thiết kế; ngược lại với những dự án đơn giản, quy mô nhỏ nhưng với chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thì các dự án này lại rất mới, phức tạp, lúc đó sẽ đề xuất lựa chọn triển khai 02 bước thiết kế.
- Về việc chuyển nguồn ngân sách nhà nước khi mua sắm ứng dụng CNTT
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP không quy định “trang thiết bị công nghệ thông tin” là gì. Do vậy, các cơ quan, đơn vị vướng mắc trong việc xác định gói thầu mua sắm phần mềm sử dụng kinh phí chi thường xuyên có thuộc trường hợp được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015.
- Về quản lý hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định hai hình thức thực hiện cơ bản là đầu tư/mua sắm mới và thuê thuê dịch vụ công nghệ thông tin; không quy định trường hợp nào thì thuê dịch vụ, trường hợp nào thì đầu tư/mua sắm mới; không quy định phải thuyết minh lý do lựa chọn hình thức thuê hay đầu tư.
Thực tế, xu hướng hiện nay là các cơ quan, đơn vị đang chuyển dịch dần từ “đầu tư” sang “thuê dịch vụ” với lý do quy trình thực hiện một dự án đầu tư khá lâu, trong khi quy trình thuê dịch vụ thì đơn giản hơn, sản phẩm sử dụng được ngay, tận dụng được nguồn nhân lực chuyên nghiệp của doanh nghiệp để quản trị, vận hành. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này xuất hiện một số vấn đề như: có những hoạt động cần phải đầu tư, mua sắm thay vì đầu tư, mua sắm thì lại thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ và ngược lại.
- Về quản lý hoạt động mua sắm, đầu tư các phần mềm nội bộ phổ biến
Hiện nay, có nhiều phần mềm phổ biến (cả nước sử dụng/nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng như phần mềm quản lý văn bản điều hành, cổng dịch vụ công, một cửa điện tử, LGSP, hệ thống báo cáo, ...) được xây dựng, phát triển cho một bộ, ngành, địa phương theo hướng phần mềm nội bộ. Sau đó, cũng với phần mềm này, doanh nghiệp nhân ra cho nhiều bộ, ngành, địa phương theo đặt hàng, có chỉnh sửa, bổ sung thêm một vài tính năng, chức năng cho phù hợp và tính giá như phần mềm nội bộ mới hoàn toàn. Việc làm một lần nhân ra nhiều phiên bản mà vẫn tính tiền như lần 1 tiềm ẩn nguy cơ lãng phí ngân sách nhà nước.
- Về bảo trì, vận hành khai thác sản phẩm dự án sau đầu tư
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP chưa có quy định về bảo đảm kinh phí cho vận hành, bảo trì sản phẩm của dự án sau đầu tư.
Tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân bổ dự toán chi thường xuyên theo định mức phân bổ biên chế, trong đó bao gồm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin như: mua sắm máy tính, công cụ, dụng cụ làm việc cho cán bộ, công chức; bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên tài sản phục vụ công tác chuyên môn;… Tuy nhiên, hiện nay, đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho các hệ thống thông tin/nền tảng quốc gia, dùng chung tại các Bộ, ngành, địa phương để phục vụ chung cho công tác quản lý nhà nước, không phải đầu tư cho cá nhân, người lao động. Kinh phí để vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin/nền tảng dùng chung là rất lớn. Nếu vẫn sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên do ngân sách nhà nước phân bổ theo định mức biên chế quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg để vận hành, bảo trì là không đủ và không đảm bảo.
- Về thiếu quy định rõ ràng về tính chất gói thầu phần mềm nội bộ làm cơ sở xác định loại gói thầu (tư vấn hay hàng hóa).
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định chi phí mua sắm phần mềm nội bộ thuộc chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin. Luật Đấu thầu năm 2023, quy định “thiết bị” là hàng hóa. Như vậy, theo các quy định này thì gói thầu mua sắm phần mềm nội bộ là gói thầu mua sắm hàng hóa. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến trường hợp phần mềm không có sẵn trên thị trường, cần phải thuê các chuyên gia lập trình để xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng theo yêu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì gói thầu này được coi là gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
Theo đó, có Bộ, ngành, địa phương thực hiện đấu thầu gói thầu mua sắm phần mềm nội bộ đang không thống nhất: đấu thầu mua sắm hàng hóa hay đấu thầu dịch vụ tư vấn.
- Về liên quan đến định nghĩa, giải thích các thuật ngữ, từ ngữ trong Nghị định số 73/2019/NĐ-CP
Các vấn đề liên quan đến định nghĩa, giải thích các thuật ngữ, từ ngữ trong Nghị định số 73/2019/NĐ-CP còn thiếu, chưa rõ ràng hoặc còn hiểu theo nhiều cách khác nhau chính giữa các cơ quan, đơn vị (như phần mềm nội bộ; phần mềm thương mại; dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường; …).
Xuất phát từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, để tạo nền tảng cho phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP là cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 04 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà, cụ thể như sau:
- Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Phạm vi điều chỉnh tại Nghị định Nghị định số 82/2024/NĐ-CP tiếp tục kế thừa các cơ sở pháp lý và thực tiễn quy định của pháp luật, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước như tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, cụ thể: Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Nội dung sửa đổi, bổ sung
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số khoản tại 33 điều, bổ sung 07 điều. Cụ thể bao gồm:
+ Sửa đổi quy định hiện hành tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP theo hướng không quy định hạn mức dưới 15 tỷ đồng phải lập thiết kế 01 bước đối với nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển, việc quyết định phương án thiết kế (01 bước hoặc 02 bước) do cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định.
Thống nhất hoạt động mang tính chất đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên đều thực hiện theo quy trình của dự án sử dụng vốn đầu tư công, tức là không còn quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết, mà lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật (thiết kế 01 bước) hoặc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế chi tiết (thiết kế 02 bước), ngoại trừ quy định liên quan đến phân bổ nguồn vốn.
+ Bổ sung quy định rõ “trang thiết bị công nghệ thông tin” bao gồm thiết bị phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu.
+ Bổ sung quy định thuyết minh, so sánh giữa hình thức đầu tư và thuê dịch vụ công nghệ thông tin trước khi tiến hành thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
+ Bổ sung các quy định trách nhiệm công bố danh mục phần mềm phổ biến; trách nhiệm tuân thủ các chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm được công bố trong quá trình sử dụng.
+ Bổ sung quy định trách nhiệm thực hiện quản trị, vận hành, bảo trì sản phẩm của dự án sau đầu tư; xác định nhiệm vụ đặc thù đối với việc quản trị, vận hành và bảo trì các hệ thống thông tin và giao Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin/nền tảng số là sản phẩm của dự án sử dụng vốn đầu tư công; các hệ thống thông tin là sản phẩm của dự án/nhiệm vụ sử dụng vốn chi thường xuyên.
+ Sửa đổi, đồng bộ các quy định tại các Điều có liên quan tới các nội dung cơ bản nêu trên tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP; rà soát bãi bỏ một số quy định để đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan (các quy định về dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin).
- Bổ sung, bãi bỏ một số cụm từ, khoản, điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP
Điều 2 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điểm, khoản, điều; bãi bỏ 01 khoản và 03 điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.
- Hiệu lực thi hành và trách nhiệm tổ chức thực hiện a
+ Điều 3 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
+ Điều 4 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
- Bổ sung các Phụ lục:
+ Phụ lục IA - Mẫu báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở;
+ Phụ lục IB - Mẫu báo cáo thẩm định thiết kế chi tiết (áp dụng trường hợp thiết kế 01 bước);
+ Phụ lục IC - Mẫu báo cáo thẩm định dự án;
+ Phụ lục V - Mẫu báo cáo thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
6. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ; Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù (tính chất hoạt động 24/24h; quy mô tổ chức gồm nhiều lĩnh vực, nhiều cấp; quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện…), không cào bằng số lượng cấp phó giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc bố trí, sử dụng cấp phó trong tổng số lượng cấp phó được xác định theo tiêu chí của Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ; Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ gồm:
+ Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 18b đã được bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ; chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ
“c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một chi cục khi chi cục đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
Thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính 24/24 giờ trong ngày theo quy định của pháp luật, phải bố trí công chức (trong đó có lãnh đạo chi cục) làm việc 3 ca/ngày và được giao từ 60 biên chế công chức trở lên;
Được giao quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện và có từ 09 phòng hoặc tổ chức tương đương trở lên thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục theo quy định của pháp luật”.
+ Sửa đổi điểm a, b khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP về phân cấp đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ.
“a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;
b) Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt: tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị”.
- Điều 2: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 Điều 4 Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ về phân cấp đối với Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu Ban, văn phòng thuộc cơ quan thuộc Chính phủ.
“a) Ban và Văn phòng có từ 15 đến 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 02 cấp phó; Ban, văn phòng có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị”.
- Điều 3: Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1, khoản 3, điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định: “Đối với bệnh viện hạng I trở lên; đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng I trở lên; trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá 03 cấp phó”.
- Điều 4: Điều khoản thi hành.
7. Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là thí điểm, mở rộng việc phân cấp cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố so với quy định hiện hành, trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trên địa bàn Thành phố; khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố đối với cả nước và khu vực.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định có 03 Chương, 14 Điều về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung, gồm Điều 1 đến Điều 3
+ Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực sau: (1) Quản lý nhà nước về đầu tư; (2) Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước; (3) Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường; (4) Quản lý nhà nước về giao thông vận tải; (5) Quản lý nhà nước về y tế; (6) Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; (7) Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp; (8) Quản lý nhà nước về nội vụ.
+ Điều 2. Đối tượng áp dụng gồm: (1) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; (2) Cơ quan nhà nước khác, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội; (3) Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (4) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
+ Điều 3. Nguyên tắc phân cấp.
- Chương II: Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực, gồm từ Điều 4 đến Điều 11
+ Điều 4 quy định nội dung phân cấp về đầu tư
+ Điều 5 quy định nội dung phân cấp về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước.
+ Điều 6 quy định nội dung phân cấp về quy hoạch, xây dựng và tài nguyên môi trường.
+ Điều 7 quy định nội dung phân cấp về giao thông vận tải.
+ Điều 8 quy định nội dung phân cấp về y tế.
+ Điều 9 quy định nội dung phân cấp về giáo dục và đào tạo.
+ Điều 10 quy định nội dung phân cấp về lao động và giáo dục nghề nghiệp.
+ Điều 11 quy định nội dung phân cấp về nội vụ.
- Chương III: Điều khoản thi hành, gồm từ Điều 12 đến Điều 14.
+ Điều 12. Quy định chuyển tiếp.
+ Điều 13. Hiệu lực thi hành.
+ Điều 14. Trách nhiệm thi hành.
8. Nghị định số 86/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 7 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Khoản 3 Điều 147 và điểm b khoản 2 Điều 159 Luật các TCTD 2024 quy định: “...Mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.” và “...Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết;”, do vậy để đảm bảo việc triển khai thi hành Luật các TCTD 2024, việc xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái là cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 05 Chương, 22 Điều quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung, gồm 3 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ.
- Chương II: Trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, gồm 02 Mục, 13 Điều:
+ Mục 1 về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro (từ Điều 4 đến Điều 9) quy định về: Mức trích lập dự phòng cụ thể; Giá trị tài sản bảo đảm để tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro; Tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm; Mức trích lập dự phòng chung; Bổ sung và hoàn nhập số tiền dự phòng; Thời điểm trích lập dự phòng rủi ro.
+ Mục 2 về sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro (từ Điều 10 đến Điều 16) quy định về: Hội đồng xử lý rủi ro; Nguyên tắc và hồ sơ xử lý rủi ro; Theo dõi nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và xuất toán khỏi ngoại bảng; Xử lý đối với số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; Nguyên tắc xử lý khi có tổn thất về tài sản đối với khoản nợ; Hạch toán, báo cáo; Chi nhánh ngân hàng nước ngoái áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài.
- Chương III: gồm 1 Điều (Điều 17), quy định về trường hợp chấp thuận thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng không quá 10 năm.
- Chương IV: gồm 2 Điều (Điều 18, Điều 19) quy định về trách nhiệm của Cơ quan QLNN
- Chương V: gồm 3 Điều (Điều 20 đến Điều 22), quy định về quy định chuyển tiếp; điều khoản thi hành; tổ chức thực hiện.
9. Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Căn cứ chính trị, pháp lý
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đưa ra quan điểm “Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai”; đồng thời, đặt ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.”
- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đưa ra quan điểm: “Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc…”
- Luật Đất đai số 31/2024/QH15 giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó giao: “Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này...”.
- Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
- Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số: 282/TTg-NN ngày 06 tháng 5 năm 2024, 202/TTg-NN ngày 26 tháng 3 năm 2024, số 2710/VPCP-NN ngày 23 tháng 4 năm 2024 và số 2892/VPCP-NN ngày 30 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Cơ sở thực tiễn
Để tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (gọi là Nghị định số 47/2014/NĐ-CP); phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (63/63 tỉnh/thành phố) theo thẩm quyền được Luật Đất đai năm 2013, các Nghị định của Chính phủ giao và tình hình thực tế tại địa phương đã ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng thực hiện tại địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn ghi nhận, tiếp thu ý kiến phản hồi từ các địa phương, người dân và doanh nghiệp để việc hoàn thiện chính sách pháp luật ngày càng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, Bộ đã chủ trì, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017, Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2020, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 nhằm tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại các địa phương. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư số 33/2017/TTBTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 và Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nhìn chung, việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ để tổ chức triển khai thực hiện. Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các chính sách cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng tại địa phương đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất, công bằng đối với người có đất thu hồi. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương đã chú trọng đến công tác lấy ý kiến góp ý của người có đất thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện nghiêm túc việc tiếp thu, giải trình đối với các nội dung mà người dân còn băn khoăn, chưa đồng thuận. Qua đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, dân chủ, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: việc bồi thường, hỗ trợ chủ yếu thực hiện bằng tiền trong khi địa phương có quỹ đất khác với loại đất thu hồi và người có đất thu hồi mong muốn được nhận bồi thường bằng đất, không nhận bồi thường bằng tiền; chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa quan tâm đến những người sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm đối tượng yếu thế, hạn chế về khả năng lao động; việc xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn do phải dẫn chiếu đến quy định về cấp giấy chứng nhận; chưa có quy định xử lý đối với trường hợp thu hồi đất có nhà ở mà thửa đất đó còn diện tích đất nông nghiệp và người bị thu hồi đất có nhu cầu tái định cư tại chỗ thông qua hoán đổi vị trí đất ở về phía sau phần diện tích đất nông nghiệp còn lại của thửa đất sau thu hồi; việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp khó khăn do không bảo đảm chi phí tổ chức thực hiện vì bị khống chế mức trích chi phí không quá 2% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Ngày 18 tháng 01 năm 2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15 với 16 chương 260 điều (Luật Đất đai năm 2024). Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung đổi mới liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với mục tiêu sau khi Nhà nước thu hồi đất thì người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quan tâm hơn đến việc hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
Ngày 05 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ngày 26 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 202/TTg-NN về việc triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong đó chỉ đạo “Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên, đảm bảo đúng thời gian trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.”.
Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là cần thiết, phù hợp với nhiệm vụ được Luật Đất đai năm 2024 giao1 và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 Chương, 32 Điều quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể như sau:
- Chương I: Điều 1 đến Điều 7.
- Chương II: Điều 8 đến Điều 28.
- Chương III: Điều 29 đến Điều 32.
10. Nghị định số 89/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Qua theo dõi, tổng hợp tình hình sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, hiện nay cả nước có 27 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty nhà nước chưa chuyển đổi theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, trong đó có 07 công ty thuộc quản lý của 02 Bộ, 01 cơ quan thuộc Chính phủ; 15 công ty thuộc quản lý của UBND các tỉnh, thành phố; 05 doanh nghiệp là công ty con do Công ty mẹ (là doanh nghiệp nhà nước) nắm giữ 100% vốn điều lệ. Về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay thì tất cả các công ty này đều gặp các vướng mắc, tồn đọng về tài chính, tổng số nợ lớn; một số doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu.
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu đã kiến nghị tiếp tục được thực hiện chuyển đổi mô hình của doanh nghiệp để hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên việc thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, tổ chức và hoạt động của các công ty này còn gặp một số vướng mắc: (i) Về quy định đăng ký chuyển công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; (ii) Về quy định thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu - Mục đích ban hành:
+ Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, các công ty nông, lâm nghiệp.
+ Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
+ Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995, năm 2003 thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
+ Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về hình thức pháp lý của các công ty nhà nước chưa chuyển đổi; thu hồi tối đa vốn đầu tư và nghĩa vụ bảo lãnh nợ tại công ty nhà nước; ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người lao động, hạn chế tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai.
+ Tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong nhóm công ty mẹ - công ty con thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 15 Điều và 04 Phụ lục về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung gồm 03 Điều từ Điều 1 đến Điều 3;
- Chương II: Chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm 04 Điều từ Điều 4 đến Điều 7;
- Chương III: Chuyển đổi công ty con chưa chuyển đổi thành công ty TNHH MTV gồm 04 Điều từ Điều 8 đến Điều 11;
- Chương IV: Đăng ký lại chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước và công ty con chưa chuyển đổi gồm 02 Điều từ Điều 12 đến Điều 13;
- Chương V: Điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện gồm 02 Điều từ Điều 14 đến Điều 15;
- Phụ lục I về Quyết định chuyển đổi công ty nhà nước/công ty con chưa chuyển đổi thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;
- Phụ lục II về Mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH MTV;
- Phụ lục III về Mẫu giấy danh sách cá nhân được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp hoặc người đại diện phần vốn của công ty mẹ;
- Phụ lục IV về Mẫu giấy Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Nội dung chính của Nghị định
- Về nguyên tắc thực hiện chuyển đổi
+ Việc chuyển đổi thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc công ty TNHH MTV kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động và diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động; quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai; các quyền, nghĩa vụ khác của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi. Trường hợp công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì công ty TNHH MTV kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các công ty này.
+ Tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định nguyên tắc về việc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn về đăng ký doanh nghiệp, tại dự thảo Nghị định cũng quy định về việc công ty thực hiện chuyển đổi tuân thủ nguyên tắc kê khai đăng ký doanh nghiệp.
+ Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp; Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết các tranh chấp nội bộ công ty, giữa thành viên công ty hoặc công ty với tổ chức, cá nhân khác.
- Về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Chương II dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chuyển đổi và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty nhà nước trong việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV, cụ thể như sau:
+ Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm: (i) ban hành Quyết định chuyển đổi, trong đó phê duyệt tên công ty, Biên bản kiểm kê, Báo cáo tài chính, thông tin của người đại diện theo pháp luật (hiện tại hoặc chỉ định ), thông tin người đại diện chủ sở hữu trực tiếp,… của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trên cơ sở đề xuất của công ty nhà nước tại Đề án chuyển đổi; (ii) phê duyệt Điều lệ; (iii) hướng dẫn, giám sát công ty nhà nước hoàn thành chuyển đổi; (iv) quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật; (v) rà soát, thực hiện sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại công ty trên cơ sở kế thừa chủ trương, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Công ty nhà nước có trách nhiệm: Xây dựng Đề án chuyển đổi và Điều lệ của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt; hoàn thiện hồ sơ đăng ký chuyển đổi, thực hiện đăng ký doanh nghiệp, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định này.
+ Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sau chuyển đổi có trách nhiệm: (i) kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định, trong đó bao gồm kế thừa các tài sản đã được liệt kê tại Biên bản kiểm kê, Báo cáo tài chính đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi; (ii) thực hiện các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
- Về chuyển đổi công ty con chưa chuyển đổi thành công ty TNHH MTV theo quy định tại Luật Doanh nghiệp
Chương III dự thảo Nghị định đã quy định thẩm quyền quyết định chuyển đổi và trách nhiệm các bên liên quan, hồ sơ, trình tự chuyển đổi công ty con chưa chuyển đổi thành công ty TNHH MTV theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của công ty mẹ, công ty con chưa chuyển đổi và công ty TNHH MTV sau chuyển đổi để xử lý những vướng mắc đặc thù với nguyên tắc và trình tự đăng ký doanh nghiệp tương tự như trường hợp chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Về đăng ký lại chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước và công ty con chưa chuyển đổi
Chương IV dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục và hồ sơ đăng ký lại chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước và công ty con chưa chuyển đổi đối với trường hợp công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký lại theo Mẫu giấy thông báo về đăng ký lại chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước và công ty con chưa chuyển đổi quy định tại Phụ lục IV kèm theo dự thảo Nghị định.
11. Nghị định số 90/2024/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 7 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Cơ sở pháp lý
Trước tình hình phức tạp và gia tăng sự lạm dụng các chất ma túy tổng hợp mới xuất hiện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, tại các phiên họp thường niên của Ủy ban kiểm soát ma túy - Liên hợp quốc, các nước thành viên đã thống nhất đưa một số chất ma túy tổng hợp và tiền chất mới vào Danh mục kiểm soát thuộc 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy. Với trách nhiệm là quốc gia thành viên tham gia 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy của Liên hợp quốc, Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất này.
Cơ sở thực tiễn
Tại Việt Nam, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện một số chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác dụng như các chất ma túy và bị lạm dụng vào mục đích bất hợp pháp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được quy định trong danh mục kiêm soát dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý để xử lý. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định nhằm bổ sung các chất gây nghiện, các chất hướng thần mới vào Danh mục kiềm soát của Nghị định số 57/2022/NĐ-CP.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 Điều sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma tuý và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma tuý và tiền chất, cụ thể như sau:
- Điều 1: Bổ sung các chất vào danh mục chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất
- Điều 2: Hiệu lực thi hành
- Điều 3: Tổ chức thực hiện
Các nội dung sửa đổi, bổ sung:
Bổ sung 15 chất ma túy mới vào Danh mục chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, cụ thể:
(1) Bổ sung 14 chất ma túy vào danh mục IIC. Các chất và muối có thể tồn tại của chất này:
- 06 chất: 2-Methyl-AP-237, Etazene, Etonitazepyne, Protonitazene, Alpha-PiHP, 3-Methylmetheathinone được Uy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND) bổ sung vào Công ước thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 66 (tháng 3/2023).
- 05 chất gây nghiện, chất hướng thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp: MDMB-BUTINACA, MDMB-INACA, ADB-4en-PINACA, ADB-INACA, ADB-FUBIATA đã được một số nước Châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ đưa vào kiểm soát và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất đưa 05 chất trên vào danh mục kiểm soát trên cơ sở các vụ bắt giữ của các lực lượng chức năng Việt Nam.
- 03 chất cùng nhóm với các chất trong Danh mục II gồm: 01 chất nhóm thuốc phiện tổng hợp: Butonitazene và 02 chất nhóm cathinone tổng hợp: N,N-Dimethylpentylone, 3-Chlorometheathinone (3-CMC) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, công bố tại cuộc họp tháng 11/2023 và kiến nghị đưa vào danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế tại phiên họp CND lần thứ 67 (tháng 3/2024).
(2) Bổ sung 01 chất: Bromazolam vào Danh mục III “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Chất này có tác dụng hướng thần (an thần, gây ngủ) nhóm Benzodiazepine tương tự như các chất thuộc danh mục III, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem xét và đánh giá tổng thể vào tháng 11/2023 và kiến nghị đưa vào danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế tại phiên họp CND lần thứ 67 (tháng 3/2024).
12. Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 7 năm 2024.
Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Quy định chuyển tiếp
- Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng cần thiết phải điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 41b Nghị định này.
- Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chủ dự án lập hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định này.
- Đối với các hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hợp lệ, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận nhưng chưa trình hoặc đã trình và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 4 năm 2024: trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành việc thẩm định hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020:
Đối với hồ sơ đủ điều kiện để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Đối với hồ sơ không đủ điều kiện để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi trả Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong đó nêu rõ lý do) để rà soát, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo quy định tại Nghị định này.
- Đối với hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc hồ sơ hợp lệ đã được cấp có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định trước ngày 01 tháng 4 năm 2024 thì tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020.
- Tổ chức, cá nhân được lựa chọn và đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, thì được tiếp tục thực hiện theo thời gian của hợp đồng đã ký và nội dung quy định tại Nghị định này.
- Đối với hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hợp lệ, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện và hoàn thành trong thời gian 60 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Trường hợp quá thời gian này mà không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở pháp lý
Luật Lâm nghiệp 2017 (Điều 61, 63) quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng là một trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, Chính phủ đã quy định chi tiết các loại dịch vụ môi trường rừng khác nhưng chưa quy định cụ thể về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 138) quy định dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng là một trong 4 loại hình dịch vụ của hệ sinh thái tự nhiên được chi trả dịch vụ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Điều 139 quy định về tổ chức và phát triển thị trường các - bon. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô- dôn quy định chi tiết Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các - bon trong nước, quốc tế.
Việt Nam tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam có thể trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho các quốc gia khác. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (tháng 11/2021), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về ”0” vào năm 2050 và giảm 30% phát thải khí mê tan, đồng thời cùng với các Nhà lãnh đạo của 141 quốc gia thông qua “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Ngày 25 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng; hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện giảm phát thải.
Ngoài ra, tại Thông báo số 321/TB-VPCP ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ- CP (trong đó có nội dung liên quan đến việc thực hiện chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng đối với những diện tích rừng có đủ điều kiện), trình Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2022. Sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP được ban hành, Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức thực hiện dịch vụ các - bon rừng trên địa bàn theo quy định.
Ngày 10 tháng 01 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ- CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp (điểm 14 Mục B khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị quyết này) và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng (Mục 1 khoản 4 Phụ lục kèm theo Nghị quyết này); chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 583/TTg-QHĐP ngày 11 tháng 7 năm 2022 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ngày 04 tháng 11 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp” (điểm b khoản 5 Mục I) trong tháng 12 năm 2022.
Cơ sở thực tiễn
Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp, giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến thực hiện quy chế quản lý rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đóng góp tích cực vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng trung du và miền núi. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế sau:
+ Chưa có quy định về điều chỉnh diện tích và phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng, điều chỉnh diện tích khu rừng phòng hộ hoặc chuyển loại giữa các khu rừng đặc dụng, bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan;
+ Chưa có quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưChưa có quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ g, điều chỉnh diện tích khu rừng phòng hộ hoặc chuyển loại giữa các khu rừng đặc dụng, bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tkhai thác thực vật rừng thông thường ngoài gỗ và khai thác tận thu gỗ đối với rừng phòng hộ là rừng trồng;
+ Pháp luật hiện hành quy định trình tự, thủ tục về giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế rất khó khăn, do chưa có sự thống nhất về thủ tục hành chính giữa giao đất, giao rừng; cho thuê đất, cho thuê rừng; quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng còn bất cập, chưa giải quyết hết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, như: chưa có quy định một dự án có nhiều loại rừng, mà mỗi loại rừng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của nhiều cấp có thẩm quyền khác nhau; dự án chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên;
+ Chưa có danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nguồn nước từ rừng; quy định phạm vi ảnh hưởng để xác định các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có vị trí ngoài khu rừng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng; quy định chỉ áp dụng hình thức chi trả trực tiếp đối với loại hình kinh doanh du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản nên các địa phương đã gặp khó khăn do không hoặc khó xác định được đối tượng được chi trả trực tiếp; quy định điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở sản xuất thủy điện trong lưu vực liên tỉnh chưa thực sự hợp lý; chưa có quy định cụ thể về chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng;
+ Chưa có quy định về thanh lý rừng trồng nên nhiều địa phương không có cơ sở xử lý các trường hợp rừng trồng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước cần phải thanh lý.
Ngoài ra, một số hoạt động cần được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, như: Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng; thống kê rừng; tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng; chuyển đổi số, quản lý cơ sở dữ liệu rừng; quản lý, điều tra, đánh giá, giám sát tài nguyên rừng; kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, chương trình, đề án ngành lâm nghiệp.
Như vậy, việc ban hành Nghị định là có cơ sở pháp lý, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
- Mục đích ban hành:
+ Cụ thể hóa các quy định tại Luật Lâm nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời điều chỉnh một số quy định hiện hành để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, bổ sung những quy định mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm; góp phần nâng cao thu nhập cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
+ Góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp.
+ Tạo cơ sở pháp lý thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 4 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, cụ thể:
Các quy định chính của Nghị định:
- Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
- Điều 2: Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, điểm, khoản, phụ lục của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
- Điều 3: Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Điều 4: Điều khoản thi hành.
13. Nghị định số 92/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 7 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 20-NQ/TW là Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
[6].
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, Nghị quyết số 20-NQ/TW yêu cầu phải Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế
[7].
Cơ sở pháp lý
Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 (Luật Hợp tác xã năm 2023), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã năm 2023 đã có những bước cải cách đáng kể theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường bằng việc cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường "hậu kiểm", tạo sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp.
Luật Hợp tác xã năm 2023 đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm: khoản 3 Điều 41; khoản 2 Điều 44; khoản 3 Điều 47; khoản 4 Điều 48; khoản 7 Điều 50; khoản 5 Điều 55; khoản 4 Điều 96; khoản 8 Điều 98; khoản 4 Điều 99; khoản 2 Điều 103; khoản 5 Điều 104; khoản 5 Điều 107.
Cơ sở thực tiễn
Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã và đặc biệt là Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT với quy định về liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hợp tác xã đã tạo ra những cải cách đột phá trong lĩnh vực đăng ký hợp tác xã, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng hợp tác xã đánh giá cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành các văn bản nêu trên đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể là:
+ Một số quy định về thành phần hồ sơ còn phức tạp, không thực sự cần thiết hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về hợp tác xã (ví dụ: yêu cầu nộp lại bản gốc/bản chính giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký mới; yêu cầu nộp lại con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể; yêu cầu nộp Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của hợp tác xã trong hồ sơ đăng ký giải thể tự nguyện…);
+ Thiếu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp tục kinh doanh trở lại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các đơn vị phụ thuộc;
+ Phương thức đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã qua mạng thông tin điện tử chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Từ các cơ sở nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thành dự thảo Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ được giao tại Luật Hợp tác xã năm 2023 đồng thời khắc phục bất cập trong quy định pháp luật hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.
- Mục đích ban hành:
Việc ban hành Nghị định nhằm mục đích hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được giao tại Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống; khắc phục vướng mắc, bất cập trong các quy định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiện hành. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hợp tác xã theo hướng cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 06 Chương, 66 Điều và Phụ lục gồm 05 mẫu văn bản quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh dùng trong đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
14. Nghị định số 93/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Cơ sở chính trị, pháp lý
Các chuẩn mực quốc tế về chống khủng bố, tài trợ khủng bố mà Việt Nam cam kết tuân thủ, nhất là 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) có những quy định mới; một số văn bản pháp luật có liên quan đến Nghị định số 122/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an...); thực tiễn áp dụng Nghị định số 122/2013/NĐ-CP có khó khăn, vướng mắc, bất cập:
Một là, Nghị định số 122/2013/NĐ-CP chưa quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính; ngừng giao dịch tài sản; tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố để chống khủng bố đối với các mục tiêu, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013.
Hai là, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, Tổng cục An ninh I không còn tồn tại trên thực tế; cho nên các quy định của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục An ninh I và Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I không thực hiện được. Sau khi không còn Tổng cục An ninh I, việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Cục An ninh nội địa và Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an thực hiện. Do đó, một số quy định trong Nghị định số 122/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành mới một số Luật làm căn cứ để xây dựng Nghị định số 122/2013/NĐ-CP như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đồi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (thay thế cho Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001), Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; do vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP để phù hợp với các Luật nêu trên.
Ba là, đến nay Việt Nam đã ký kết, gia nhập 16/19 điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố; là thành viên của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Theo điều khoản tham chiếu của APG, năm 2019, Đoàn APG thực hiện quy trình đánh giá đa phương đối với Việt Nam về cơ chế và tính hiệu quả về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó tập trung vào 02 nội dung:
+ Việc tuân thủ kỹ thuật của 40 khuyến nghị của FATF trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
+ Hiệu quả thực tế thực thi pháp luật phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cơ sở thực tiễn
Để có cơ sở thực tiễn sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2013/NĐ-CP, Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành tổng kết và đã chỉ ra những điểm chưa phù hợp trong quy định của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP và những bất cập do sự thiếu đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác; từ đó, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung 06 nội dung có liên quan nêu tại Báo cáo số 56/BC-BCA-A02 ngày 14/01/2022 về tổng kết thực hiện Nghị định số 122/2013/NĐ-CP.
Từ căn cứ nêu trên, Bộ Công an nhận thấy việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu đối ngoại và khắc phục những vấn đề bất cập nêu trên.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 2 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, cụ thể như sau:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
- Điều 2. Điều khoản thi hành.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung:
- Sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh (Điều 1), trong đó bổ sung 01 khoản quy định về việc không áp dụng biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố đối với túi ngoại giao, túi lãnh sự để phù hợp với quy định tại Pháp lệnh số 25-L/CTN ngày 23/8/1993 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng (Điều 2), trong đó quy định rõ hơn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định để đảm bảo phù hợp với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
- Sửa đổi quy định về giải thích từ ngữ (Điều 3) để đảm bảo chặt chẽ, chính xác và thống nhất với các điều, khoản khác của Nghị định.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố (Điều 4), trong đó xác định bổ sung 02 nguyên tắc để đáp ứng các yêu cầu của các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), trong đó bổ sung quy định: Nghiêm cấm hành vi tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân nhân danh, chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản để thực hiện hành vi khủng bố.
- Sửa đổi tiêu đề Chương II thành "Điều kiện, thời hạn, thầm quyền, thủ tục tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố".
- Bổ sung Điều 6a vào sau Điều 6 quy định về thời hạn cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố (Điều 7), trong đó bổ sung thầm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về trì hoãn giao dịch, phong toả tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong toả, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thông qua hoạt động tài chính, hoạt động kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan (Điêu 8) để đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thông qua hoạt động kinh doanh bưu chính (Điều 9) và sắp xếp, kết cấu lại các khoản để đảm bảo thống nhất về kỹ thuật trình bày tương tự các điều, khoản khác được quy định trong Nghị định này.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách và công bố danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thông qua các hoạt động khác (Điều 10), trong đó bổ sung 01 khoản về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (trừ các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 8, Điều 9) trong việc thực hiện nghĩa vụ tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đên khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua các hoạt động khác.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 14), trong đó bổ sung 01 khoản quy định về đầu mối tiếp nhận, trả lời khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức bị đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; các cá nhân, tổ chức bị tạm ngừng lưu thông, phong toả, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
- Bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 về xử lý vi phạm.
15. Nghị định số 94/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/06/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở thực tiễn
Ngày 29/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Qua 02 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những mặt đạt được thì cũng xuất hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật hiện hành và việc tổ chức thi hành pháp luật ở các cấp khiến hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong đó có các khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân từ các nguyên nhân chính: (1) Nguồn lực về tài chính, nhân sự còn hạn hẹp; (2) Công tác phối hợp, tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức cần thiết; (3) Chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe.
Cơ sở pháp lý
+ Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023;
+ Ngày 29/6/2024, Qut động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023;n tâm đúng mức cần thiết; (3) Chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe. năm tri9/6/2024, Qut động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023;n tâm đú sửa đổi, bổ sung hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 từ ngày 01/8/2024.
- Mục đích ban hành:
Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số Điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm cụ thể hóa một số Điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; thiết lập một hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tập trung, thống nhất trên toàn quốc; bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; nội dung cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được xây dựng phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính quyền điện tử ở địa phương; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu chính đáng khác trong xã hội đồng thời góp phần xây dựng, thúc đẩy thị trường bất động sản công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 4 Chương, 27 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, gồm có 04 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ và nguyên tắc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
- Chương II. Nội dung cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, gồm có 2 Mục với 05 Điều quy định về nội dung cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, gồm:
+ Mục 1 - Nội dung cơ sở dữ liệu về nhà ở gồm 02 Điều quy định về cơ sở dữ liệu về nhà ở quốc gia; cơ sở dữ liệu về nhà ở địa phương;
+ Mục 2 - Nội dung cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản gồm 03 Điều quy định về cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản quốc gia; cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản địa phương; các thông tin đối với dự án kinh doanh bất động sản.
- Chương III. Xây dựng, quản lý, vận hành, công bố và khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, gồm có 03 Mục với 12 Điều, gồm:
+ Mục 1 - Xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gồm 08 Điều quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; thu thập thông tin, dữ liệu; kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu; chế độ, thời hạn chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; tiếp nhận và xử lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; thời hạn chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
+ Mục 2 - Quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gồm 02 Điều quy định về tổ chức bộ máy quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
+ Mục 3 - Công bố, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gồm có 02 Điều quy định về thời điểm công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; về việc khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
- Chương IV. Tổ chức thi hành, gồm có 06 Điều
Quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức cá nhân; quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Nội dung mới của Nghị định
- Cơ sở dữ liệu về nhà ở:
Dữ liệu nhà ở quốc gia và địa phương: ngoài các dữ liệu theo quy định trước đây còn có các dữ liệu bổ sung mới gồm: Thông tin, dữ liệu về cá nhân đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, Thông tin, dữ liệu về tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Thông tin, dữ liệu về nhà ở công vụ hiện có và đang sử dụng trên phạm vi toàn quốc; Thông tin, dữ liệu về chương trình hỗ trợ về nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ về nhà ở khác; Thông tin, dữ liệu về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản:
Dữ liệu thị trường bất động sản quốc gia và địa phương: ngoài các dữ liệu theo quy định trước đây còn có các dữ liệu bổ sung mới gồm: Về số lượng giao dịch, giá trị giao dịch bất động sản thông qua hoạt động công chứng, chứng thực; Thông tin, dữ liệu về tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản; thông tin, dữ liệu được công bố công khai đối với chủ đầu tư trước khi đưa bất động sản, dự án bất động sản vào kinh doanh.
- Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm:
Quy định rõ thành phần hạ tầng công nghệ thông tin tại trung ương và địa phương; quy định rõ địa chỉ truy cập phần mềm ứng dụng phục vụ thu thập, cập nhật thông tin, số liệu, tích hợp dữ liệu và địa chỉ truy cập phần mềm ứng dụng phục vụ công bố, tra cứu thông tin, số liệu, chia sẻ dữ liệu.
- Các thông tin, dữ liệu bổ sung mới:
Ngoài các thông tin, dữ liệu theo quy định của Nghị định số 44/2022/NĐ-CP trước đây, các thông tin, dữ liệu được bổ sung mới gồm có:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
+ Tổng cục Thống kê chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở: theo số liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;
+ Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản; quyết định đầu tư đối với các loại dự án bất động sản trên địa bàn; số lượng, giá trị giao dịch bất động sản thông qua hoạt động công chứng, chứng thực; đất ở để đấu giá và tình hình đấu giá đất ở của các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; Về tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản; cá nhân đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam; số lượng, diện tích nhà ở công vụ hiện có và đang sử dụng trên địa bàn do UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo;
+ Liên quan đến công khai thông tin đối với bất động sản, dự án BĐS trước khi đưa vào kinh doanh.
- Báo cáo, cập nhật thông tin, dữ liệu:
Ngoài các thông tin, dữ liệu được định kỳ hàng quý, hàng năm cập nhật, báo cáo thì có một số thông tin phải thực hiện thường xuyên, liên tục (ngay sau khi phát sinh giao dịch) gồm: số lượng, giá trị giao dịch bất động sản thông qua hoạt động công chứng, chứng thực; thông tin đối với dự án bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh; trường hợp chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án (nếu có); tình hình giao dịch của dự án.
- Công bố thông tin:
Việc công bố thông tin của Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố cùng được thực hiện tại Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, địa chỉ website https://batdongsan.xaydung.gov.vn.
16. Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
- Việc bãi bỏ, thay thế các văn bản trước đó:
+ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014;
+ Nghị định số 30/2019/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
+ Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
+ Bãi bỏ Điều 5, khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; bãi bỏ Điều 9 của Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở thực tiễn
Ngày 20/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (gọi tắt là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, sau khi Luật Nhà ở 2014 được ban hành, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều Luật mới như: Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020… trong đó có một số quy định liên quan đến các quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Nhằm kịp thời khắc phục một số khó khăn vướng mắc phát sinh trên thực tế cũng như để bảo đảm sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật, Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP như: Nghị định số 30/2019/NĐ-CP ngày 26/3/2019, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 28/3/2021 và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023. Trong đó, nhiều quy định tại các Nghị định nêu trên đã được “luật hóa” trong Luật Nhà ở 2023.
Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương cũng như kiến nghị của các tổ chức, cá nhân cho thấy vẫn còn một số tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện các Nghị định nêu trên như một số quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể hoặc đã có quy định nhưng cần phải thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để bảo đảm phù hợp với Luật Nhà ở 2023 mới ban hành.
Do đó, căn cứ vào các nội dung nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở là cần thiết.
Cơ sở pháp lý
+ Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023;
+ Ngày 29/6/2024, Qu023/QH15 ngày 27/11/2023; nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở là cần thiết.các Nghị định nêu trên như một số quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể hoặc đã có quy định nhưng thi hành của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 từ ngày 01/8/2024.
- Mục đích ban hành:
+ Nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể trong Luật Nhà ở 2023, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
+ Khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 12 Chương, 95 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, gồm có 2 Điều;
- Chương II: Quy định về sở hữu nhà ở, gồm có 6 Điều;
- Chương III: Quy định cụ thể về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, gồm có 4 Điều;
- Chương IV: Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở, gồm có 03 mục và 13 Điều;
- Chương V: Phát triển, quản lý sử dụng nhà ở công vụ có 3 mục và 09 Điều;
- Chướng VI: Phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư, phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ ở, gồm có 2 mục và 08 Điều;
- Chương VII: Huy động vốn để phát triển nhà ở, gồm có 05 Điều;
- Chương VIII: Chuyển đổi công năng nhà ở, gồm có 02 mục và 09 Điều;
- Chương IX: Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công, gồm có 04 mục và 24 Điều;
- Chương X: Phân hạng nhà chung cư, gồm có 03 Điều;
- Chương XI: Quản lý sử dụng nhà chung cư, gồm có 02 mục và 08 Điều;
- Chương XII: Điều khoản thi hành, gồm có 04 Điều.
Về nội dung mới của Nghị định
- Chương I: Quy định chung (gồm 02 điều)
+ Về phạm vi điều chỉnh: quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm được giao trong Luật Nhà ở năm 2023.
+ Về đối tượng áp dụng: Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến nhà ở.
- Chương II:
Quy định về sở hữu nhà ở (gồm 06 Điều)
Chương này quy định về giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở; yêu cầu về khu vực cần đảm bảo quốc phòng, an ninh; tiêu chí quy đổi dân số tương đương một phường, số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu; hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quản lý, sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và các giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch.
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: quy định cụ thể về yêu cầu khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền công bố danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Chương III:
Quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh (gồm 04 Điều)
Chương này quy định về nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; kinh phí lập, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.
- Chương IV:
Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở (gồm 13 Điều)
Chương này quy định về (1) giai đoạn chuẩn bị dự án (bao gồm: đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà ở; quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng; quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở; lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở; thực hiện các thủ tục khác liên quan; lập, thẩm định, phê duyệt dự án); (2) giai đoạn thực hiện dự án (bao gồm: lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng; cấp Giấy phép xây dựng; thi công xây dựng; nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng); (3) giai đoạn kết thúc dự án đầu tư xây dựng nhà ở và hồ sơ bàn giao nhà chung cư.
Đây là quy định mới cụ thể hóa nhiệm vụ Luật giao tại Điều 34 của Luật Nhà ở. Do đó, Nghị định đã dành một Chương quy định về các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở nhằm tạo cơ sở thuận tiện cho các doanh nghiệp khi tham gia phát triển dự án nhà ở (bao gồm giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án). Về cơ bản các nội dung này được dẫn chiếu theo các pháp luật liên quan giúp cho các chủ thể thuận tiện việc tra cứu, áp dụng pháp luật khi thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở.
- Chương V:
Phát triển, quản lý sử dụng nhà ở công vụ (gồm 09 Điều)
Chương này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua hoặc thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ; điều kiện được thuê nhà ở công vụ; phương pháp xác định giá thuê nhà ở công vụ; trình tự, thủ tục thuê nhà ở công vụ; quản lý vận hành nhà ở công vụ.
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: quy định cụ thể về phát triển nhà ở công vụ để phù hợp với quy định của Luật Nhà ở 2023, bao gồm quy định cụ thể hồ sơ, trình tự thủ tục quyết định chủ trương, quyết định đầu tư, quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ hoặc dự án mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ thống nhất theo quy định của pháp luật về nhà ở, bảo đảm tính hiệu quả trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở công vụ.
- Chương VI
Phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (gồm 06 Điều)
Chương này quy định một số nội dung về đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư; trình tự thủ tục đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư; trình tự, thủ tục thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư; bố trí nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư; trình tự, thủ tục bàn giao và việc quản lý sử dụng nhà ở để phục vụ tái định cư.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ thêm việc đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở để cho thuê mua, bán thì phải tuân thủ pháp luật nhà ở, xây dựng, đầu tư và pháp luật khác liên quan nhằm quản lý chặt chẽ loại nhà ở này cho phù hợp với quy định mới của Luật Nhà ở 2023.
- Chương VII
Phát triển, quản lý sử dụng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ (gồm 02 Điều)
Chương này quy định rõ về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ, trường hợp xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ quy mô trên 20 căn để cho thuê, cho thuê mua, bán hoặc kết hợp bán, cho thuê, cho thuê mua thì phải thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở, đất đai, xây dựng, đầu tư; trường hợp xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải thực hiện theo quy định về xây dựng nhà ở riêng lẻ cá nhân, bao gồm các yêu cầu về thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, cấp Giấy phép xây dựng, quản lý, giám sát thi công và các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, chương này còn quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua loại nhà ở này thì tùy theo từng trường hợp được thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật dân sự, pháp luật về nhà ở.
- Chương VIII:
Huy động vốn để phát triển nhà ở (gồm 06 Điều)
Chương này quy định cụ thể về điều kiện huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức khác nhau như góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết; phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cho phát triển nhà ở; cấp vốn từ nguồn vốn của nhà nước cho phát triển nhà ở; vay vốn từ tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam; điều kiện huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và điều kiện huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: quy định mới về điều kiện huy động vốn đối với các hình thức khác được Quốc hội giao Chính phủ tại Điều 114 Luật Nhà ở (như huy động thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, vay vốn tín dụng,….) để nhằm tránh huy động vốn tràn lan, không đúng mục đích, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà ở.
- Chương IX:
Chuyển đổi công năng nhà ở (gồm 08 Điều)
Chương này quy định chi tiết về yêu cầu đối với việc chuyển đổi công năng nhà ở; thẩm quyền chấp thuận việc chuyển đổi; hồ sơ trình tự thủ tục chuyển đổi; quản lý, sử dụng nhà ở sau khi chuyển đổi công năng; các trường hợp chuyển đổi công năng cụ thể, các trường hợp chuyển đổi thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định và trình tự, thủ tục báo cáo Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi.
Theo đó, trong một số trường hợp, chủ đầu tư hoặc cơ quan đại điện chủ sở hữu nhà ở căn cứ nhu cầu về nhà ở trên địa bàn và thực tế sử dụng nhà ở có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét việc chuyển đổi công năng nhà ở đã được hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng (như chuyển đổi từ nhà ở phục vụ tái định cư sang làm nhà ở xã hội; từ nhà ở xã hội sang làm nhà ở phục vụ tái định cư; từ nhà ở công vụ sang làm nhà ở xã hội…).
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: quy định cụ thể về yêu cầu thực hiện chuyển đổi công năng nhà ở áp dụng đối với nhà ở đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng nhằm phân tách phạm vi điều chỉnh dự án theo pháp luật đầu tư; quy định cụ thể về thẩm quyền thực hiện chuyển đổi, theo đó chủ yếu phân cấp giao UBND cấp tỉnh thực hiện chuyển đổi công năng nhà ở; quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi và việc quản lý sử dụng sau chuyển đổi nhằm bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, hiệu quả. Ngoài ra, Nghị định quy định các trường hợp chuyển đổi cụ thể và các trường hợp thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện trên thực tế.
- Chương X:
Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (gồm 23 Điều)
Chương này quy định các nội dung như (1) trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý nhà ở thuộc tài sản công, chế độ báo cáo việc quản lý sử dụng nhà ở thuộc tài sản công; (2) quy định cụ thể việc quản lý cho thuê, bán nhà ở cũ thuộc tài sản công (như đối tượng, điều kiện được thuê, mua nhà ở, giá thuê, giá bán nhà ở, nguyên tắc, điều kiện, đối tượng được miễn, giảm tiền thuê, tiền mua nhà ở, trình tự thủ tục thực hiện); (3) quy định về thu hồi, cưỡng chế thu hồi, giải quyết tranh chấp nhà ở thuộc tài sản công (gồm trình tự thủ tục thu hồi, cưỡng chế thu hồi, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp).
Chương này điều chỉnh một số nội dung như: (1) Bỏ quy định về áp dụng hệ số k khi bán nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi tại vị trí mặt đường, phố (vì bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo pháp luật về đất đai đã đảm bảo yếu tố về vị trí); (2) Bỏ quy định giải quyết đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc tài sản công, giải quyết đất liền kề với nhà ở cũ và nội dung này được thực hiện theo pháp luật về đất đai; (3) chính sách miễn, giảm tiền mua nhà: bổ sung quy định miễn, giảm tiền nhà khi mua nhà ở cũ cho đối tượng là người có công với cách mạng đối với trường hợp được bố trí nhà ở từ ngày 05/7/1994 đến trước ngày 19/01/2007, bỏ quy định miễn giảm tiền sử dụng đất trong tiền bán nhà ở cũ đối với đối tượng là người khuyết tật, người cao tuổi, người đặc biệt khó khăn tại đô thị để bảo đảm tính thống nhất đối với pháp luật đất đai (Điều 73, Điều 74 Nghị định 95/2024/NĐ-CP).
- Chương XI:
Phân hạng nhà chung cư (gồm 02 Điều)
Chương này quy định chi tiết về nguyên tắc phân hạng nhà chung cư được thực hiện trên cơ sở theo nhu cầu của các chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà ở, trong đó nhà chung cư được phân hạng phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định của pháp luật về xây dựng và các tiêu chí phân hạng được quy định cụ thể tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; chủ thể thực hiện phân hạng là các tổ chức xã hội-nghề nghiệp có chức năng, chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
- Chương XII -
Quản lý sử dụng nhà chung cư (gồm 08 Điều)
Chương này quy định về (1) đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư (bao gồm: điều kiện, hồ sơ đề nghị thông báo đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư; trình tự, thủ tục thông báo đơn vị đủ điều kiện thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư; xử lý khi có thay đổi hoặc có vi phạm); (2) cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (bao gồm: cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; trình tự, thủ tục cưỡng chế bàn giao từ tài khoản chung, tài khoản do chủ đầu tư lập để thu kinh phí bảo trì; cưỡng chế bàn giao từ tài khoản để hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư; trình tự, thủ tục cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản của chủ đầu tư).
- Chương XIII:
Điều khoản thi hành (gồm 04 Điều)
Chương này quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của địa phương trong phát triển, quản lý nhà ở; quy định về hiệu lực thi hành, trong đó có bãi bỏ các Nghị định có liên quan; quy định về xử lý chuyển tiếp nhằm bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp cho các trường hợp đang thực hiện liên quan đến nhà ở.
17. Nghị định số 96/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
- Việc bãi bỏ, thay thế các văn bản trước đó:
+ Nghị định số
02/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Kinh doanh bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
+ Bãi bỏ
khoản 7 Điều 4 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã được sửa đổi, bổ sung tại
khoản 4 Điều 4 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
+ Các quy định trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này mà khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Nghị định này;
+ Trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ Căn cước, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác theo quy định của các pháp luật có liên quan) khi thực hiện thủ tục liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở thực tiễn
Ngày 10/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Tiếp đó, trong quá trình thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 thay thế Nghị định 76/2015/NĐ-CP nhằm kịp thời khắc phục một số khó khăn vướng mắc phát sinh trên thực tế cũng như bảo đảm đồng bộ thống nhất với các pháp luật liên quan như Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020,…
Tuy nhiên, qua gần 9 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các Nghị định nêu trên cho thấy còn nhiều bất cập như: chưa có quy định riêng biệt để xác định rõ, phân định rõ sự khác biệt của các loại hình bất động sản có đặc thù và tính chất khác nhau; việc công khai về bất động sản đưa vào kinh doanh còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bất động sản; chưa quy định các nội dung về tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; chưa quy định cụ thể nội dung kiểm soát việc thành lập và đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; chưa có các quy định thực sự rõ nét việc điều tiết thị trường bất động sản sẽ được thực hiện như thế nào.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua đã khắc phục được các bất cập nêu trên. Tuy nhiên một số nội dung liên quan được giao Chính phủ quy định chi tiết. Do vậy, cần thiết nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 để đảm bảo thi hành Luật và khắc phục bất cập của hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản trước đây.
Từ cơ sở thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật là cần thiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ sở pháp lý
+ Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023;
+ Ngày 29/6/2024, Qut động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023;hi tiy 29/6/2024, Qut động sản số 29/2023/QH15 Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, trong đó sửa đổi, bổ sung hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 từ ngày 01/8/2024.
- Mục đích ban hành:
Việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản và được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện; đồng thời Nghị định này thay thế cho Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn của hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 07 Chương, 37 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, cụ thể như sau:
- Chương I:
Quy định chung, gồm có 02 Điều;
- Chương II:
Kinh doanh bất động sản có sẵn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, gồm có 07 Điều;
- Chương III:
Thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, gồm có 02 Điều;
- Chương IV: Hợp đồng kinh doanh bất động sản, gồm có 02 Điều;
- Chương V: Kinh doanh dịch vụ bất động sản, gồm có 2 mục và 19 Điều;
- Chương VI: Điều tiết thị trường bất động sản, gồm có 02 Điều;
- Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm có 03 Điều.
Về nội dung mới của Nghị định
- Chương I: Quy định chung (gồm 02 Điều)
+ Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản về kinh doanh bất động sản có sẵn, kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản và điều tiết thị trường bất động sản quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản số 2023.
+ Về đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
- Chương II: Quy định kinh doanh bất động sản có sẵn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai (gồm 07 Điều)
Chương này quy định về các loại công trình xây dựng có sẵn, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; vốn chủ sở hữu và tổng vốn đầu tư đối với dự án bất động sản; điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ và đối với tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh; thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; thông báo đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: quy định về phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng đưa vào kinh doanh; thời điểm công khai thông tin; Nội dung thông tin công khai tin; tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ; không nhằm mục đích kinh doanh và dưới mức quy mô nhỏ; thủ tục thông báo đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
- Chương III: Quy. Quy định cụ thể về
thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản (gồm 02 Điều)
Chương này quy định về thủ tục cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Thủ tướng Chính phủ và thủ tục cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: (i) trường hợp Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng một phần dự án bất động sản thuộc thẩm quyền cho phép chuyển nhượng của Thủ tướng Chính phủ; (ii) trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại
khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản có dự án hoặc phần dự án bất động sản chuyển nhượng tại các khu vực thuộc: đảo; xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển và khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc bảo đảm quốc phòng, an ninh; (iii) quy định bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng dự án, phần dự án bất động sản có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Chương IV:
Hợp đồng kinh doanh bất động sản (gồm 02 Điều)
Chương này quy định về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản và trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản. Một số điểm mới đáng chú ý như: (i) quy định các hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản; (ii) quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi xác lập, ký kết, thực hiện hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Nghị định, được sử dụng hợp đồng kinh doanh bất động sản để ký kết sau khi đã thực hiện công khai theo quy định tại
Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản (iii) trường hợp ký kết hợp đồng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thông qua giao dịch điện tử và chữ ký số thì thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Chương V:
Kinh doanh dg hh doanh dg hp đo (gh doanh dg
Chương này quy định về (1) sàn giao dịch bất động sản (bao gồm: đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản; tạm ngừng hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản; chấm dứt hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản; điều kiện hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản; nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản); (2) quy định về môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (bao gồm: điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản; trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phương thức tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hội đồng thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị tổ chức kỳ thi; nội dung thi và đề thi; hình thức, thời gian và ngôn ngữ làm bài thi; đối tượng dự thi; điều kiện dự thi; hồ sơ đăng ký dự thi; đăng ký dự thi; bài thi đạt yêu cầu; phê duyệt và công bố kết quả thi; bảo quản hồ sơ, tài liệu; cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; cấp lại chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; quy định đối với chứng chỉ hết hạn; thu hồi chứng chỉ môi giới bất động sản).
Chương này có một số điểm mới đáng chú ý như: (i) tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch bất động sản gửi hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản; (ii) các giao dịch bất động sản thông qua hình thức trực tiếp thì được xác nhận bằng văn bản; trường hợp giao dịch bất động sản thông qua hình thức điện tử thì thực hiện việc xác nhận điện tử theo quy định của
Luật Giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử và quy định của pháp luật có liên quan; (iii) quy định việc cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, thu hồi Giấy phép, chấm dứt hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; (iv) mỗi năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức ít nhất 01 kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; (v) Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp; (vi) người có chứng chỉ đã hết hạn không được phép tiếp tục hành nghề môi giới bất động sản; (vii) quy định về các trường hợp thu hồi chứng chỉ môi giới bất động sản.
- Chương VI:
ĐiChương VI: ề thương mại điện tử (ghương VI: ề
Chương này quy định về: đánh giá tình hình thị trường bất động sản để làm cơ sở đề xuất điều tiết thị trường bất động sản; đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản; trình cấp có thẩm quyền quyết định các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản; Thực hiện điều tiết thị trường bất động sản.
Đây là một nội dung mới được quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm điều tiết, bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp khi thị trường tăng trưởng "nóng", "đóng băng".
- Chương VII: Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều)
Chương này quy định về; xử lý chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành; hiệu lực thi hành.
18. Nghị định số 97/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 9 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Sau gần 05 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước trong thực tiễn. Tại Thông báo số 295/TB-VPCP ngày 23/9/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền để các doanh nghiệp chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Mục đích ban hành:
+ Kế thừa những quy định của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đang được thực hiện ổn định, không có vướng mắc; sửa đổi, bổ sung những quy định vướng mắc, bất cập hoặc không phù hợp với thực tế trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan.
+ Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp.
+ Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch và gắn với trách nhiệm giải trình.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 Điều và 02 Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, cụ thể như sau:
- Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP.
- Điều 2: Hiệu lực thi hành.
- Phụ lục I về Danh mục doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
- Phụ lục II về Danh mục Bộ quản lý ngành thực hiện thẩm định Chiến lược, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phú quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước
Nội dung chính của Nghị định
- Bổ sung Phụ lục 1 về Danh mục doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu bao gồm 06 Tập đoàn kinh tế và SCIC; đồng thời quy định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 để làm rõ đối tượng doanh nghiệp giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý bao gồm một số doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập trước khi Luật số 69/2014/QH13 có hiệu lực thi hành.
- Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng Bộ quản lý ngành có trách nhiệm thẩm định Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Đồng thời quy định rõ các cơ quan có trách nhiệm thực hiện thẩm định đối với từng doanh nghiệp tại Phụ lục 2 dự thảo Nghị định.
- Sửa đổi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP để thống nhất với quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Sửa đổi nội dung tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp về số lượng kiểm soát viên.
- Sửa đổi khoản 3 Điều 11 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng không quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định các khoản vay nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, cơ quan địa diện chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp để thống nhất với Luật số 69/2014/QH13 và Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
- Sửa đổi khoản 4 Điều 11 theo hướng không quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quyết định để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty ký hợp đồng thuê tài sản để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật số 69/2014/QH13.
- Bãi bỏ quy định tại khoản 11 Điều 11 và sửa đổi khoản 5 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng giao cho doanh nghiệp tự quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về trách nhiệm của DNNN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trong vòng 180 ngày kể từ ngày thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc; việc thành lập chi nhành, văn phòng đại diện của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định có liên quan và điều lệ doanh nghiệp.
- Sửa đổi khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu công ty con để thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/ 2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quyết định đầu tư sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương đầu tư.
- Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc hướng dẫ
n xử lý tài chính trong trường hợp tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất, chia, tách) và giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Bổ sung quy định đối với nội dung này tại khoản 1 Điều 17 (điểm c) theo hướng các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội vận dụng quy định của Nghị định này để tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu.
- Bổ sung quy định chuyển tiếp đối với 02 Nghị định Điều lệ của hai Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Lương thực Miền Bắc để xử lý chuyển tiếp đối với các nội dung tại 02 Nghị định nêu trên, đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật hiện hành.
19. Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
- Việc bãi bỏ, thay thế các văn bản trước đó:
+ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
+ Điều 7 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở thực tiễn
Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cho thấy quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2021 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và các địa phương đang triển khai thi hành một số quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP như bố trí kinh phí thực hiện kiểm định chất lượng nhà chung cư, nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết dự án,….Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng cho thấy một số chính sách trong Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Do đó, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở 2023, nhiều quy định trong Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được “luật hóa” trong Luật Nhà ở 2023 để đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn.
Cơ sở pháp lý
+ Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023;
+ Ngày 29/6/2024, Qu023/QH15 ngày 27/11/2023;uật Nhà ở 2023, nhiều quy định trong Nghị định số 69/2021/NĐ-CP củhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, trong đó sửa đổi, bổ sung hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 từ ngày 01/8/2024.
- Mục đích ban hành:
Việc xây dựng ban hành Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định trong Luật Nhà ở 2023 và được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện; đồng thời Nghị định này thay thế cho Nghị định số 69/2021/NĐ-CP sẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 08 Chương, 48 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, gồm có 05 Điều;
- Chương II: Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, gồm có 02 mục, 17 Điều;
- Chương III: Di dời, cưỡng chế di dời và bố trí chỗ ở tạm thời, gồm có 05 Điều;
- Chương IV: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gồm có 02 mục, 08 Điều.
- Chương V: Thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với trường hợp quy gom, gồm 04 Điều;
- Chương VI: Cơ chế ưu đãi đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, gồm có 02 Điều;
- Chương VII: Đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, gồm có 03 Điều;
- Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm có 04 Điều.
Về nội dung mới của Nghị định
- Chương I: Quy định chung (gồm 05 Điều)
Quy định về phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và nguyên tắc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Các nội dung tại chương này cơ bản trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhưng có sửa đổi, bổ sung theo ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động trong quá trình lấy ý kiến về Nghị định.
- Chương II: Các giai đoạn của dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (gồm 17 Điều)
Quy định các giai đoạn của dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gồm có 02 mục, trong đó mục 1 quy định về giai đoạn chuẩn bị dự án, mục 2 quy định về giai đoạn thực hiện dự án và kết thúc dự án.
+ Mục 1 giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các bước: lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy hoạch chi tiết dự án, chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư dự án; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; lập, thẩm định phê duyệt dự án.
(1) Về lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Quy định về kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được lập đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, theo đó các địa phương có trách nhiệm tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nhà chung cư, khu chung cư để xây dựng nội dung kế hoạch (gồm: tên, địa điểm dự án, phạm vi, ranh giới, quy mô dự án, dự kiến sơ bộ phương án bồi thường, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời, dự kiến tiến độ, thời gian, nguồn vốn thực hiện dự án, …) và phải công khai nội dung kế hoạch này để lấy ý kiến các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và các cơ quan có liên quan cấp tỉnh trước khi thực hiện phê duyệt. Việc lấy ý kiến góp ý các nội dung của kế hoạch nhằm làm cơ sở cho nhà đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận về phương án bồi thường, tái định cư cụ thể trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư dự án sau khi kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được phê duyệt.
(2) Về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Luật Nhà ở (Điều 67) quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, không thực hiện theo Luật Đầu tư. Đây là nội dung bổ sung mới so với quy định trước đây, nhằm thể chế tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị nhằm tối ưu hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia đầu tư, xây dựng cải tạo lại nhà chung cư; đồng thời tại Điều 69 của Luật Nhà ở quy định hồ sơ, trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo đó, Nghị định tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13 và Điều 14 đã quy định chi tiết trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bao gồm cả trường hợp điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
(3) Về lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Luật Nhà ở (Điều 68) quy định về chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên cơ sở luật hóa quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, đồng thời, so với quy định hiện hành thì Luật Nhà ở 2023 (khoản 11 Điều 60) bổ sung quy định về việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nhà đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư.
Theo đó, Nghị định đã thể chế 04 trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án tại các Điều 15, 16, 17 và Điều 18, bao gồm: (1) giao chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công trong trường hợp Nhà nước trực tiếp thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách; (2) lựa chọn chủ đầu tư thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (3) lựa chọn chủ đầu tư không thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà thông qua tỷ lệ biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư; (4) lựa chọn chủ đầu tư thông qua tổ chức đấu thầu đối với trường hợp hết thời hạn thỏa thuận mà chủ sở hữu không thỏa thuận lựa chọn được chủ đầu tư hoặc không có nhà đầu tư đăng ký tham gia;
+ Mục 2 giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án: các bước trong giai đoạn thực hiện dự án và kết thúc dự án cơ bản được dẫn chiếu thực hiện theo quy định của pháp luật xây dựng, Nghị định chỉ quy định nội dung đặc thù trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
- Chương III: Di dời, cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư (gồm 05 Điều
)
Quy định về các trường hợp di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; trình tự, thủ tục di dời, cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; bố trí chỗ ở tạm thời và trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Trên cơ sở được Luật Nhà ở giao tại khoản 6 Điều 72, quy định về di dời, cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tại Chương này là bổ sung mới so với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
- Chương IV: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gồm 08 Điều)
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm có 02 mục, trong đó mục 1 quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với nhà ở, công trình xây dựng không thuộc tài sản công và mục 2 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc tài sản công.
Cơ bản nội dung của Chương này là trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và có chỉnh lý, bổ sung làm rõ hơn một số quy định về thời điểm thanh toán tiền chênh lệch diện tích căn hộ, việc bồi thường đối với phần diện tích ngoài giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, đồng thời làm rõ hơn cơ chế hỗ trợ đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư.
Ngoài ra, Nghị định đã chỉnh lý, bổ sung làm rõ hơn quy định xử lý đối với phần diện tích nhà, đất sử dụng chung trong khuôn viên nhà chung cư thuộc tài sản công để đảm bảo tính thực thi trên thực tiễn và đồng thời đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật đất đai.
- Chương V: Quy gom nhà chung cư để xây dựng lại (gồm 04 Điều)
Quy định về nguyên tắc quy gom nhà chung cư, các trường hợp quy gom nhà chung cư, việc đầu tư xây dựng dự án quy gom nhà chung cư để xây dựng lại và ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án quy gom nhà chung cư.
Chính sách quy gom nhà chung cư để xây dựng lại là quy định kế thừa của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, tuy nhiên chưa được thể chế đầy đủ trong Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nên việc triển khai thực hiện tại các địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, Nghị định đã làm rõ cơ chế quy gom nhà chung cư để đảm bảo cơ sở triển khai thực hiện trên thực tiễn quy định nguyên tắc quy gom nhà chung cư; các trường hợp quy gom nhà chung cư; việc đầu tư, xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp quy gom và ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp quy gom.
- Chương VI:
Cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (gồm 02 Điều)
Quy định cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và ưu đãi về kinh doanh căn hộ, diện tích dịch vụ, thương mại trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Đây là quy định kế thừa của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và đã được luật hóa tại Điều 63 của Luật Nhà ở 2023, theo đó Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về việc ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và ưu đãi kinh doanh căn hộ, diện tích dịch vụ, thương mại trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định quy định chi tiết phần diện tích miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đồng thời làm rõ các trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung.
- Chương VII:
Cơ chơng ng góp kinh phí đgóp kinh phí đ 69/2021/NĐ-C (gchơn3 Đi3 c
Quy đơn3 Đi3 hch1/Nhí h đgóp kinh phí đ 69/2021/NĐ-CP và đã đượưP và 1/Nhí h pĐiưP và 1/Nhí h phí thừa 23, theo đó Qu và 1/Nhí h phí thừa 23, tđịQu và 1/Nhí h phí thưu đãi tivà 1/Nhí h đấ tivà 1/Nhí hđấ tivàưu đãi kinh
Đây là quy đnguyên t phí đgógóp kinhtheo đó đốógóp kinhtheo phíư cũ, xây dtheo pướcũ,ăm 1994 tidtheo phí thừa 23, đị 1994 tidtheo phí thừa 2iện hành về việc áp d994 tidtheườ d994 tidtheo phí thừaăn h994đố h994 tidtheo phíư mh994 tidtheo phí tăm 1994 mà thuo phí thừa 2iện hành về việc 9/2021/NĐ-CP và đã được luật hóa tại Điều 63 của Luư có trách nhio pđóng góp kinh phí xây dừa 2iện hành về việư, ngóp kinh đóng góp kinh phí thì đượư góp kiườư góp kinh phí thđấư góp kinh phí thì dừa 2iện hành về việc 9/địư góp kinh phí th
- Chương VIII:
ĐiChương VIII: yên t(ghí đgógóp k
Quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và quy định chuyển tiếp đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
20. Nghị định số 99/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 26 tháng 7 năm 2024).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Việc xây dựng Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
c) Nội dung chủ yếu: Tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP đã quy định cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ, chức danh được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn (không quá 60 tuổi) theo quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, để bảo đảm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung đối tượng tại điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, như sau: “Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” thành “Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” (bỏ cụm từ “kiêm Trưởng các Ban Đảng của”).
21. Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
- Việc bãi bỏ, thay thế các văn bản trước đó:
+ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
+ Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
+ Điều 7 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;
+ Điều 6 và khoản 4 Điều 16 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở thực tiễn
Kể từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành (01/7/2015), để triển khai Luật Nhà ở, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền các Nghị định quy định chi tiết về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định quy định chi tiết về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023). Tuy nhiên, qua gần 9 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định nêu trên cho thấy còn nhiều khó khăn, bất cập.
Một số quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành về chính sách nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung tại các Luật có liên quan khác, một số quy định đến nay đã không còn phù hợp hoặc pháp luật nhà ở thiếu quy định, chưa điều chỉnh được hết các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.
Cơ sở pháp lý
+ Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023;
+ Ngày 29/6/2024, Qu023/QH15 ngày 27/11/2023; hướng dẫn thi hành về chính sách nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung tại các Luật có liên quan khác, một số quy định đến nay đã không còn phù hợp hoặc pháp luật nhà ở thiếu quy định, chưa điều chỉnh được hlực thi hành của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 từ ngày 01/8/2024.
- Mục đích ban hành:
Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật là cần thiết, kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế cũng như bảo đảm đồng bộ thống nhất với các pháp luật liên quan cũng như đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn, đồng thời bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 07 Chương, 78 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm có 03 Điều;
- Chương II: Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, gồm 03 Mục, 13 Điều;
- Chương III: Về nhà ở xã hội, gồm có 10 Mục, 40 Điều;
- Chương IV: Về nhà lưu trú công nhân, gồm có 05 Điều;
- Chương V: Về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, gồm có 03 Mục, 10 Điều;
- Chương VI: Tổ chức thực hiện, gồm có 05 Điều;
- Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm có 02 Điều.
Nội dung mới của Nghị định
- Chương I. Những quy định chung, gồm có 03 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ.
+ Về phạm vi điều chỉnh: quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm được giao trong Luật Nhà ở.
+ Về đối tượng áp dụng: Nghị định áp dụng đối với các đối tượng sau đây: (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật Nhà ở; (2) Các đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội; được thuê nhà lưu trú công nhân; được mua, thuê mua, thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật Nhà ở; (3) Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan đến lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
- Chương II. Về các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, gồm có 03 Mục và 13 Điều, quy định về: (1) giai đoạn chuẩn bị đầu tư (bao gồm: đề xuất dự án; quy hoạch xây dựng dự án; quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư dự án; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; thực hiện các thủ tục liên quan khác trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt dự án); (2) giai đoạn thực hiện dự án (bao gồm: khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng; cấp phép xây dựng; Thi công xây dựng, vận hành công trình xây dựng và kinh doanh sản phẩm của dự án; Nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng); (3) giai đoạn kết thúc dự án (bao gồm: Bàn giao, quyết toán hợp đồng xây dựng và các thủ tục khác trong giai đoạn kết thúc dự án; bàn giao nhà ở).
- Chương III. Về nhà ở xã hội, gồm có 10 Mục và 40 Điều, quy định về việc dành diện tích đất nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc bố trí tại vị trí khác ngoài phạm vi dự án hoặc đóng tiền tương đương; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng, vận hành nhà ở xã hội thuộc tài sản công; cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công.
- Chương IV. Về nhà lưu trú công nhân, gồm có 05 Điều, quy định về: các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân; quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đảm bảo an toàn về môi trường; việc cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; việc quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân.
- Chương V. Về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, gồm có 03 Mục 10 Điều, quy định về: Nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng, vận hành nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc tài sản công; nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công.
- Chương VI. Về tổ chức thực hiện, gồm có 05 Điều, quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan (trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp.
- Chương VII. Về điều khoản thi hành, gồm có 02 Điều, điều khoản thi hành và trách nhiệm thi hành; quy định chuyển tiếp.
22. Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Căn cứ chính trị, pháp lý
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đưa ra quan điểm: “Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ; người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật; hiện đại hoá công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai; nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn”. Đồng thời đưa ra mục tiêu:“Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông; giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh;”.
- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đưa ra quan điểm: “Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.”
- Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024;
- Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
- Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó giao: “Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này ...”.
- Thông báo số 32/TB-VPCP ngày 30/01/2024 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, trong đó giao: “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và hệ thống thông tin đất đai”.
- Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
- Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số: 282/TTg-NN ngày 06 tháng 5 năm 2024, 202/TTg-NN ngày 26 tháng 3 năm 2024, số 2710/VPCP-NN ngày 23 tháng 4 năm 2024 và số 2892/VPCP-NN ngày 30 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
- Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 2353/VPCP-NN ngày 09 tháng 4 năm 2024 và Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 17 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Cơ sở thực tiễn
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Tổ chức thi hành Luật Đất đai, các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 07 nghị định sửa đổi, bổ sung và 02 nghị định ban hành thay thế); các Bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc quản lý, khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; người sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn lắng nghe ý kiến phản hồi thực tiễn từ địa phương, người dân và doanh nghiệp, trong đó có các ý kiến về đo đạc lập bản đồ địa chính; điều tra, đánh giá đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và hệ thống thông tin đất đai. Trên cơ sở đó, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành các Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020, và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để bổ sung thể chế, chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.
Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, đất đai cùng với các nguồn lực tài nguyên khác dần được khai thác, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, nhìn chung, đất đai vẫn chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn một số hạn chế: (1) việc tổ chức thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế. Một số địa phương còn có tình trạng tự đặt ra các loại giấy tờ, thủ tục, thời gian giải quyết kéo dài so với quy định; (2) vẫn còn có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; (3) việc cấp Giấy chứng nhận còn chậm; (4) trong thực tiễn phát sinh một số vấn đề có liên quan đến quản lý và sử dụng đất cần giải quyết như: quản lý, sử dụng đất kết hợp đa mục đích; kết hợp với hoạt động thương mại, dịch vụ; đất du lịch có yếu tố tâm linh…(5) xu thế thoái hóa đất, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp; tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế…
Nguyên nhân là do: (i) đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai hoặc một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng có quy định điều chỉnh; (ii) công tác tổ chức thi hành Luật Đất đai chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo cụ thể, sát sao và thường xuyên; việc tổ chức thi hành pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách pháp luật đã ban hành; (iii) một số chính sách đã được ban hành nhưng còn thiếu điều kiện để áp dụng và đưa các quy định vào cuộc sống; (iv) nguồn lực đầu tư cho công tác đo đạc lập, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính; điều tra đánh giá đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa được quan tâm đúng mức; (v) tổ chức bộ máy chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý đất đai; cơ sở vật chất trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; năng lực cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; (vi) việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm túc và triệt để.
Những điểm mới về các nội dung điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và hệ thống thông tin đất đai của Luật Đất đai năm 2024
Ngày 18 tháng 01 năm 2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai với 16 chương 260 điều (Luật Đất đai năm 2024) và bổ sung mới 78 điều. Nội dung về điều tra cơ bản về đất đai; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận; hệ thống thông tin đất đai; quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường có những điểm mới nổi bật sau đây:
(1) Chương IV. Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai (gồm 11 điều, từ Điều 49 đến Điều 59): bổ sung trách nhiệm của Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xác định địa giới đơn vị hành chính trên thực địa, lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính của địa phương và việc sử dụng hồ sơ địa chính cho công tác quản lý đất đai, cũng như cung cấp cho các ngành, các cấp trong quá trình giải quyết nhiệm vụ có liên quan đến đất đai; bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính, theo đó giao trách nhiệm cho Chính phủ trong việc hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính; tổ chức giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.
Về điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai, mục 2 của Chương này đã quy định cụ thể về nguyên tắc điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; nội dung điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai; bổ sung trách nhiệm, thời hạn phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
(2) Chương X. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gồm 25 điều, từ Điều 128 đến Điều 152): Quy định chuẩn hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quy định rõ thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhằm phân định rõ quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của cơ quan nhà nước thông qua việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu, tách riêng giữa vai trò quản lý nhà nước (việc công nhận quyền sử dụng đất) với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký (việc cấp Giấy chứng nhận), đưa công tác cấp Giấy chứng nhận được chuyên nghiệp hóa, làm cơ sở cho việc thống nhất công tác đăng ký đất đai, quản lý hồ sơ địa chính từ trung ương tới địa phương.
Bổ sung quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bổ sung thời điểm áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương (được thực hiện theo quy định tại thời điểm người sử dụng đất nộp hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận), trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện.
Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước. Quy định hình thức đăng ký đất đai, đăng ký biến động đất đai được thực hiện đăng ký trên giấy hoặc đăng ký trên môi trường điện tử và đều có giá trị pháp lý như nhau. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất. Bổ sung quy định về đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp có thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm.
(3) Chương XII. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (gồm 8 điều, từ Điều 163 đến Điều 170): Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18- NQ/TW, Chương này có sửa đổi, bổ sung các nội dung sau đây:
Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định các thành phần cơ bản của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Quy định về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; các thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng đồng bộ, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong phạm vi cả nước.
Quy định về quản lý, vận hành, khai thác và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương; dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai; bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu đất đai và trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Quy định vai trò của Hệ thống thông tin đất đai đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể của các cấp/ngành và nguồn lực xây dựng, quản trị vận hành thường xuyên;
Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai để quy định chi tiết 11
[8] nội dung được giao trong Luật là cần thiết, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực; bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 Chương, 68 Điều và Phụ lục quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai, cụ thể:
- Chương I: Điều 1 đến Điều 2.
- Chương II: Điều 3 đến Điều 17.
- Chương III: Điều 18 đến Điều 50.
- Chương IV: Điều 51 đến Điều 64.
- Chương V: Điều 65 đến Điều 68.
- Phụ lục: bao gồm 24 mẫu.
23. Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Căn cứ chính trị, pháp lý
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đưa ra quan điểm: “Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai”; đồng thời đưa ra mục tiêu: “Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả”.
- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đưa ra quan điểm: “Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.”
- Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024.
- Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
- Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó giao: “Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này...”.
- Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
- Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số: 282/TTg-NN ngày 06 tháng 5 năm 2024, 202/TTg-NN ngày 26 tháng 3 năm 2024, số 2710/VPCP-NN ngày 23 tháng 4 năm 2024 và số 2892/VPCP-NN ngày 30 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
- Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 2353/VPCP-NN ngày 09 tháng 4 năm 2024 và Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 17 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Căn cứ thực tiễn
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Tổ chức thi hành Luật Đất đai, các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 07 nghị định sửa đổi, bổ sung và 02 nghị định ban hành thay thế); các Bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc quản lý, khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía địa phương, người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành các Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐCP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.
Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính về đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; xu thế thoái hóa đất, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp; tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế…
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Ngày 18 tháng 01 năm 2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15 với 16 chương 260 điều (Luật Đất đai năm 2024). Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Ngày 05 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phân công các Bộ, ngành chuẩn bị nội dung quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chuẩn bị 06 Nghị định để quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai1 . Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai được ban hành để quy định chi tiết 54 nội dung được giao trong Luật là cần thiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 10 Chương, 113 Điều và Phụ lục quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, cụ thể như sau:
- Chương I: Điều 1 đến Điều 12.
- Chương II: Điều 13 đến Điều 14.
- Chương III: Điều 15 đến Điều 24.
- Chương IV: Điều 25 đến Điều 40.
- Chương V: Điều 41 đến Điều 43.
- Chương VI: Điều 44 đến Điều 63.
- Chương VII: Điều 64 đến Điều 100.
- Chương VIII: Điều 101 đến Điều 104.
- Chương IX: Điều 105 đến Điều 109.
- Chương X: Điều 110 đến Điều 113.
- Phụ lục: bao gồm 31 mẫu.
24. Quyết định số 09/2024/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.
- Quyết định này thay thế Quyết định 13/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Quy định chuyển tiếp: Các trường hợp cấp tín dụng vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo các văn bản phê duyệt trước đó.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Khoản 7, Điều 136 Luật các TCTD năm 2024 quy định:
“7. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.
Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg ngày 06/03/2018
quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng vượt giới hạn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quyết định 13/2018/QĐ-TTg là văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD theo quy định tại Quyết định 50/QĐ-TTg ngày 11/01/2018 về danh mục ban hành văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Do vậy, khi Luật này hết hiệu lực thi hành thì Quyết định 13/2018/QĐ-TTg sẽ hết hiệu lực đồng thời.
Vì vậy, để đảm bảo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 7, Điều 136 Luật các TCTD năm 2024 đồng bộ với thời gian có hiệu lực của Luật các TCTD năm 2024, việc ban hành Quyết định 09/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định 13/2018/QĐ-TTg là cần thiết, phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2024.
- Mục đích ban hành:
Việc cho phép tổ TCTD được cấp tín dụng vượt giới hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 136 Luật các TCTD 2024 sẽ làm tăng mức độ tập trung tín dụng của TCTD đối với một khách hàng, khách hàng và người có liên quan, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động cho TCTD. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ xem xét các đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 7, Điều 136 Luật các TCTD năm 2024 cần được quản lý chặt chẽ theo quy trình, thủ tục rõ ràng, cụ thể.
Quy định này được thực hiện giúp cho quy trình, thủ tục đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn rõ ràng, mạch lạc hơn, giúp cho các TCTD theo dõi được quá trình xử lý của cơ quan có thẩm quyền khi đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn. Về phía Ngân hàng nhà nước, Bộ, ngành nâng cao hiệu quả tham mưu Thủ tướng Chính phủ về đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của TCTD. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 Chương và 10 Điều quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung
+ Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
+ Điều 2: Đối tượng áp dụng
- Chương II: Quy định cụ thể
+ Điều 3: Điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn
+ Điều 4: Hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn
+ Điều 5: Xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn
+ Điều 6: Thủ tục xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn
- Chương III: Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành
+ Điều 7: Tổ chức thực hiện
+ Điều 8: Quy định chuyển tiếp
+ Điều 9: Hiệu lực thi hành
+ Điều 10: Trách nhiệm thi hành
- Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 7 Điều 136 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024.
- Đối tượng áp dụng:
(1). Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng) bao gồm:
a) Ngân hàng: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài;
b) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Công ty tài chính tổng hợp, Công ty tài chính chuyên ngành;
c) Quỹ tín dụng nhân dân;
d) Tổ chức tài chính vi mô;
e) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(2). Khách hàng vay vốn, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung chủ yếu của Quyết định:
- Điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn:
+ Đối với khách hàng vay vốn: (i) đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 03 năm liền trước thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn không quá ba lần; (ii) có nhu cầu vốn thuộc một trong các trường hợp sau: Triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ; Triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
+ Đối với dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng: đã được tổ chức tín dụng thẩm định và đánh giá là khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Đối với tổ chức tín dụng đề nghị: (i) Đã đề xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng hợp vốn đối với dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc đã phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 5 tổ chức tín dụng khác, đăng trên cổng thông tin điện tử chính thức của tổ chức tín dụng và cổng thông tin điện tử của NHNN hoặc Tạp chí Ngân hàng hoặc Thời báo ngân hàng trong thời gian ít nhất 45 ngày nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia hợp vốn; (ii) Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, tổ chức tín dụng đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn của NHNN; (iii) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ được nêu tại hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và các văn bản phê duyệt chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn trước đó; (iv) Đảm bảo giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 8 Điều 136 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.
- Cách xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn
Cách xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn đối với một khách hàng, khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: (i) tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; (ii) số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.
- Thủ tục xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn
Quyết định quy định đầy đủ các bước, thời gian, cơ quan thực hiện xem xét đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng gửi 01 bộ hồ sơ tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Căn cứ đề nghị của TCTD, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định về thời gian Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng không đáp ứng các điều kiện theo quy định; thời gian có ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan và thời gian xử lý hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc cấp tín dụng vượt giới hạn.
- Tổ chức thực hiện
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan là đơn vị phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cũng phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định, quyết định cấp tín dụng, thu hồi nợ vay (gốc và lãi) của khoản cấp tín dụng và nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung khác tại văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Quyết định này cũng quy định về điều khoản chuyển tiếp, theo đó, các trường hợp cấp tín dụng vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực tiếp tục thực hiện theo các văn bản phê duyệt trước đó.
25. Quyết định số 11/2024/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
- Việc bãi bỏ, thay thế các văn bản trước đó:
+ Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ.
- Điều khoản chuyển tiếp: Đối với các trường hợp đã bố trí cho thuê nhà ở công vụ theo tiêu chuẩn, định mức của Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 và theo tiêu chuẩn nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì tiếp tục bố trí cho thuê theo Hợp đồng thuê nhà ở công vụ, sau khi hết Hợp đồng thuê nhà ở công vụ thì thực hiện bố trí cho thuê theo quy định của Quyết định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Tại Khoản 2 Điều 44 của Luật Nhà ở năm 2023, trong đó quy định “
2. Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Xây dựng”. Tại điểm a khoản 5 Điều 191 của Luật Nhà ở năm 2023 quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng: “a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ…;”
Do đó, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ là cần thiết, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở.
- Mục đích ban hành:
Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chế độ nhà ở công vụ cho các cán bộ thuộc diện và đủ điều kiện theo quy định, đồng thời, thống nhất quy định về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất của các Bộ, ngành và địa phương, tạo điều kiện cho các cán bộ được bố trí cho thuê nhà ở công vụ đảm bảo ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Tạo điều kiện cho Bộ, ngành và địa phương có cơ sở để triển khai khi thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ để bố trí cho các đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo Luật Nhà ở năm 2023.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 3 Chương, 10 Điều về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ, cụ thể như sau:
- Chương I – Những quy định chung, gồm 03 Điều;
- Chương II – Những quy định cụ thể, gồm 04 Điều;
- Chương III - Tổ chức thực hiện, gồm 03 Điều.
Về nội dung của Quyết định
- Chương I: Những quy định chung (gồm 03 Điều)
Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc thiết kế, nguyên tắc bố trí cho thuê và trang bị nội thất nhà ở công vụ và việc bảo hành, bảo trì, quản lý vận hành nhà ở công vụ.
- Chương II: Những quy định cụ thể (gồm 04 Điều)
Quy định chi tiết tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất về nhà ở công vụ cho Bộ ngành, các cơ quan trung ương và địa phương.
- Chương III: Tổ chức thực hiện (gồm 03 Điều)
Quy định về tổ chức thực hiện, điều khoản chuyển tiếp và điều khoản thi hành Quyết định này.
Những nội dung mới
- Sửa đổi, bổ sung về nhóm chức danh tương đương đảm bảo phù hợp với Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở;
- Bổ sung về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ đối với đối tượng được mở rộng thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023;
- Bổ sung tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
26. Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở chính trị, pháp lý
+ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có nêu các nội dung về chính sách đất đai, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề.
+ Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh tạo việc làm bền vững cho người lao động.
+
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó nhấn mạnh: “thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”.
+ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024: điểm a khoản 4 Điều 109 quy định: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.
+ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
Cơ sở thực tiễn
Căn cứ khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ngày 10 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Nhìn chung, Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg chủ yếu quy định về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo hướng dẫn chiếu theo các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiện hành.
Quyết định được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động khi tổ chức thu hồi đất để phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị … đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước (Báo cáo tổng kết kèm theo).
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, đến nay cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:
+ Ngày 18 tháng 01 năm 2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024), một số quy định có sự thay đổi (ví dụ: hỗ trợ người có đất thu hồi (hiện nay là người lao động bị thu hồ đất), căn cứ pháp lý, …) đòi hỏi phải sớm ban hành văn bản quy định để tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện chính sách;
+ Một số quy định chưa cụ thể, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện (ví dụ: điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng); một số quy định không triển khai thực hiện được trong thực tế (chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên); một số quy định chưa phù hợp quy định hiện hành, hạn chế cơ hội của người có đất thu hồi (chính sách cho vay hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm);
+ Một số quy định theo hướng dẫn chiếu cụ thể tên văn bản, tuy nhiên, các văn bản này đã được sửa đổi, bổ sung
[9]; một số quy định hết hiệu lực thi hành
[10].
Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi là cần thiết, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Mục đích ban hành:
Thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả người lao động, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 Điều về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi, cụ thể như sau:
- Phạm vi điều chỉnh
Quyết định quy định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội.
- Đối tượng áp dụng
+ Người có đất thu hồi gồm:
(i) Người thuộc hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai;
(ii) Người thuộc hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai.
+ Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Về điều kiện hỗ trợ
Quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, gồm: (i) Là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm và (ii) Có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
- Về thời hạn hỗ trợ
Quy định kế thừa Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg theo hướng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất.
- Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề
+ Quy định kế thừa Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, theo đó, người có đất thu hồi: (i) Tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành; (ii) Tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí 01 khóa học.
+ Quy định nguồn kinh phí hỗ trợ được xây dựng trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+ Quy định nguyên tắc người có đất thu hồi được hỗ trợ đào tạo một lần.
- Về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước
Quy định kế thừa Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, theo đó, người có đất thu hồi được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại trung tâm dịch vụ việc làm và được vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
- Về chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
+ Quy định kế thừa Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, theo đó, người có đất nông nghiệp thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định của chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người có đất kinh doanh thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ như người lao động có đất nông nghiệp thu hồi.
+ Quy định nguồn kinh phí hỗ trợ được xây dựng trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+ Quy định nguyên tắc người có đất thu hồi được hỗ trợ một lần.
- Về chính sách hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
+ Quy định điều kiện người có đất thu hồi được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (iii) có đăng ký thường trú trên địa bàn nơi Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết thủ tục cho người lao động vay vốn; (iv) Có bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật đối với mức vay trên 100 triệu đồng.
+ Quy định mức vay (tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), lãi suất vay vốn (bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định), lãi suất nợ quá hạn (bằng 130% lãi suất vay vốn), thời hạn vay (tối đa bằng thời hạn hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài không bao gồm thời gian gia hạn hợp đồng).
+ Quy định giao Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục vay vốn, định kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2024 Bộ Tư pháp xin thông báo./.