I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 9 năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng;
2. Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa;
3. Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;
4. Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
5. Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
6. Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức;
7. Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
8. Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự;
9. Nghị định số 119/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ;
10. Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 14/2024/QĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Trên cơ sở thông tin do các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp (1), Bộ Tư pháp thông tin về hiệu lực thi hành, sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của 10 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2024 như sau:
1. Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ Quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 161 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có quy định về trách nhiệm của Chính phủ, trong đó có việc “quy định việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư tại nước ngoài và việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng”, đồng thời tại khoản 11 Điều 162 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng giao Bộ Xây dựng “xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng”. Ngày 19/01/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 509/VPCP-TH về Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022, trong đó đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng về việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng. Ngày 02/02/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 578/VPCP-CN về gia hạn thời gian xây dựng một số Nghị định và Đề án của Bộ Xây dựng, trong đó xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng trong tháng 9/2023.
Việc xây dựng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin, dữ liệu cơ bản về quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng/công trình xây dựng được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, hướng đến việc cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về hoạt động xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng theo hướng hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tổ chức; thúc đẩy việc công khai, minh bạch thông tin về hoạt động xây dựng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xây dựng Nghị định quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, và sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân, đồng thời đảm bảo tương thích với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và đúng thẩm quyền pháp lý; đảm bảo an toàn thông tin và ưu tiên chia sẻ dữ liệu về xây dựng giữa các cơ quan; đảm bảo tính thống nhất, hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở dữ liệu của Chính phủ điện tử.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 Chương, 19 Điều quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung, gồm 04 Điều, từ Điều 1 đến Điều 4.
- Chương II: Xây dựng, quản lý khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng gồm 09 Điều, từ Điều 5 đến Điều 14.
- Chương III: Tổ chức thực hiện, gồm 04 Điều, từ Điều 15 đến Điều 18.
Nội dung chủ yếu của Nghị định
- Phạm vi điều chỉnh:
+ Nghị định này quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
+ Nghị định này không áp dụng đối với thông tin, dữ liệu về quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước.
- Đối tượng áp dụng:
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
- Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng
Để định hướng cho các nội dung khác của Nghị định, Điều 4 đã quy định 05 nguyên tắc được thực hiện trong quá trình xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, gồm:
+ Việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được thực hiện tập trung, thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng, cập nhật nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng.
+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt và được lưu trữ lâu dài, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
+ Việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng tuân thủ các quy định của Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Về xây dựng, quản lý khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
Nghị định quy định cụ thể về các hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng, Cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng (Điều 5, Điều 6); Cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng (Điều 7); Mã số thông tin trong hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 8); Nguồn thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 9); Khởi tạo mã số thông tin và nhập thông tin, dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 10); Cập nhật, điều chỉnh thông tin trong hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 11); Khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 12); Quy định về kết nối với hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 13); Kinh phí xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý khai thác hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng (Điều 14).
- Về tổ chức thực hiện
Nghị định quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với việc tổ chức thực hiện Nghị định, bao gồm: Trách nhiệm của Bộ Xây dựng (Điều 15); Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (Điều 16); Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ (Điều 17); Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 18).
2. Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 11 tháng 9 năm 2024).
- Quy định chuyển tiếp
+ Chính sách hỗ trợ cho địa phương, người sản xuất lúa theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chính sách sử dụng kinh phí theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP) được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
+ Trường hợp phương án sử dụng tầng đất mặt của công trình, dự án đã gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm định hoặc đã được chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
+ Trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên trồng lúa sang trồng cây lâu năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hằng năm hoặc đồng ý cho chuyển đổi trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Căn cứ pháp lý
+ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đưa ra quan điểm: “Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai”; đồng thời đưa ra mục tiêu: “Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả”;
+ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”;
+ Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 đưa ra mục tiêu “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”;
+ Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội đưa nhiệm vụ đến năm 2030 “Hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp”;
+ Luật Đất đai năm 2024 tại Điều 182 giao Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa;
+ Luật Trồng trọt năm 2018: tại Điều 56 giao Chính phủ quy định chi tiết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; Điều 57 giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước;
Các nội dung này đang được triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (sau đây gọi là Nghị định số 35/2015/NĐ-CP); Nghị định 62/2019/NĐ- CP ngày 11/7/2019 của của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định số 62/2019/NĐ-CP); Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác (sau đây gọi là Nghị định số 94/2019/NĐ-CP);
+ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó giao: “Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này...”;
+ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15;
Cơ sở thực tiễn
Thời gian qua, để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, Luật Trồng trọt năm 2018, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định quy định các nội dung liên quan tới việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, gồm: Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2025, Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 và Điều 13,14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019. Việc ban hành kịp thời, đầy đủ và đồng bộ các quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Trồng trọt đã tạo ra hành lang pháp lý một cách chặt chẽ, khả thi và đầy đủ trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất lúa, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, tăng thu nhập cho người dân và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tầng đất mặt đất trồng lúa được bóc tách, sử dụng vào mục đích nông nghiệp khi tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất trồng lúa được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp; chính sách hỗ trợ và bảo vệ đất trồng lúa góp phần cải tạo, tăng độ phì của đất, hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới, áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, nâng cao thu nhập, đời sống người dân trồng lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy một số nội dung quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, Điều 13, 14 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP đã phát sinh những bất cập không còn phù hợp với thực tiễn, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể:
Thứ nhất, việc bóc tách và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất trồng lúa được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, chấp thuận Phương án sử dụng tầng đất mặt, do đó chưa có đủ căn cứ pháp lý để thẩm định, kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt hiệu quả.
Thứ hai, nội dung, mức hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được quy định cách đây 10 năm tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ, do đó một số địa phương trong quá trình tổng kết thi hành các nghị định đã đề nghị nâng mức hỗ trợ để hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân trồng lúa nhằm đảm bảo bù đắp lạm phát trung bình 5%/năm trong thời gian qua.
Thứ ba, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP) quy định: “sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm” chưa phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương và từng giai đoạn khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thực thi.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 182 Luật Đất đai năm 2024 quy định nội dung mới là cho phép được sử dụng một phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, do vậy cần phải quy định chi tiết về điều kiện, tỷ lệ, thủ tục, thẩm quyền cho phép xây dựng công trình để các địa phương tổ chức thực hiện.
Từ những căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa là cần thiết.
- Mục đích ban hành: Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Trồng trọt năm 2018, từ đó khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất trồng lúa.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 04 Chương 20 Điều quy định chi tiết về đất trồng lúa, cụ thể như sau:
+ Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
+ Điều 2. Đối tượng áp dụng.
+ Điều 3. Giải thích từ ngữ.
+ Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính.
+ Điều 5. Vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
+ Điều 6. Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa.
+ Điều 7. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa.
+ Điều 8. Hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa.
+ Điều 9. Xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa.
+ Điều 10. Quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp.
+ Điều 11. Hồ sơ, trình tự thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt.
+ Điều 12. Quy định về nộp tiền để nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
+ Điều 13. Trình tự, thủ tục nộp tiền để nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa
+ Điều 14. Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa.
+ Điều 15. Sử dụng kinh phí hỗ trợ.
+ Điều 16. Chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
+ Điều 17. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư và lập, chấp hành, quyết toán kinh phí thực hiện các chính sách.
+ Điều 18. Hiệu lực thi hành.
+ Điều 19. Quy định chuyển tiếp.
+ Điều 20. Trách nhiệm thi hành.
3. Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024.
Nghị định này bãi bỏ: (1) Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012; (2) Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012; (3) Các điều, khoản: khoản 1 và 3 Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về tổ hợp tác.
Nghị định này sửa đổi: Điều 5, Điều 6, khoản 3 Điều 15, Điều 24, khoản 6 Điều 29 của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về tổ hợp tác.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 (Luật HTX 2023) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật đã cơ bản giải quyết các vấn đề vướng mắc, hạn chế trong các quy định của chính sách, pháp luật hiện hành. Một số vấn đề cần được tiếp tục cụ thể hóa tại các văn bản quy định chi tiết và giao Chính phủ hướng dẫn.
Tại Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, rà soát, xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Mục đích ban hành: Cụ thể hóa các quy định được giao tại Luật HTX năm 2023 nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp; nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hướng đến phát huy bản chất, nguyên tắc, giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; qua đó thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 Chương, 25 Điều và 01 Phụ lục quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung;
- Chương II: Phân loại HTX;
- Chương III: Chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX;
- Chương IV: Tài sản, tài chính của HTX, liên hiệp HTX;
- Chương V: Tổ chức thực hiện;
- Chương VI: Điều khoản thi hành;
- Phụ lục các biểu mẫu: (1) Mẫu số 1. Đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; (2) Mẫu số 2. Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhu cầu hỗ trợ của tổ hợp tác/HTX/liên hiệp HTX; (3) Mẫu số 3. Thông báo tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của tổ hợp tác/HTX/liên hiệp HTX.
Nội dung chủ yếu của Nghị định
- Nghị định này quy định chi tiết 15 Điều, khoản của Luật HTX 2023, gồm: Điều 16 về phân loại HTX; các Điều 18, 20, 24, 25, 26, 27 và khoản 2 Điều 28 liên quan đến các chính sách phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; các Điều 81, 82 về thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX; khoản 3 Điều 83 về hoạt động cho vay nội bộ; khoản 2 Điều 85 liên quan đến giao dịch nội bộ; các Điều 99, 101 về xử lý tài sản khi HTX, liên hiệp HTX giải thể; và khoản 5 Điều 107 liên quan đến tổ hợp tác.
- Nghị định áp dụng cho các đối tượng: (1) Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; (2) Thành viên tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Các nội dung của Nghị định gồm: (1) Xác định lĩnh vực, tiêu chí phân loại, quy mô phân loại HTX; (2) Tiêu chí lựa chọn, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ, nguồn kinh phí và tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; (3) Điều kiện HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp; (4) Điều kiện HTX, liên hiệp HTX thực hiện hoạt động cho vay nội bộ và mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ; (5) Xác định các giao dịch nội bộ và thu nhập từ giao dịch nội bộ của HTX, liên hiệp HTX; (6) Xử lý tài sản theo nguồn hình thành khi HTX, liên hiệp HTX giải thể, phá sản; (7) Bãi bỏ, sửa đổi một số điều của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác.
4. Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 16 tháng 9 năm 2024).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Trên cơ sở Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 10 Chương, 74 điều, 03 phụ lục quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, cụ thể như sau:
Những quy định chung; Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm; Phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; nội dung thẩm định và trách nhiệm thẩm định, phê duyệt trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; xử lý tình huống và kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư qua mạng và các điều khoản thi hành.
03 Phụ lục kèm theo Nghị định (Phụ lục I – Quy trình lựa chọn nhà đầu tư; Phụ lục II – Bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư; Phụ lục III– Hướng dẫn lập hợp đồng mẫu dự án đầu tư có sử dụng đất).
- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định gồm các dự án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai và dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai (gồm dự án đầu tư xây dựng: công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công trình cấp nước; chợ; công trình trạm dừng nghỉ; công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không sân bay; các dự án có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm: dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; đầu tư trường đua ngựa, đua chó trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó; công trình năng lượng và các dự án khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 và điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai).
- Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2024, Nghị định 115/2024/NĐ-CP sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 23/2023/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/3/2021quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/6/2024 về phát triển và quản lý chợ; 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
5. Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 17 tháng 9 năm 2024).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo nêu trên, từ năm 2021 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (2) đã ban hành nhiều văn bản mới liên quan đến công tác cán bộ. Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; để kịp thời thể chế hóa các quy định của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cụ thể như sau:
- Điều 1 gồm 46 khoản, trong đó sửa đổi 43 nội dung; bổ sung 03 nội dung mới (Điều 31a, Điều 31b, Điều 68a) (3); bỏ các cụm từ không còn phù hợp tại 8 Điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
- Điều 2 bãi bỏ Điều 12 và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Điều 3: Gồm 05 khoản quy định về hiệu lực của Nghị định và điều khoản chuyển tiếp.
- Điều 4: Quy định trách nhiệm thi hành.
Những nội dung mới của Nghị định
- Các nội dung rà soát, chỉnh lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng:
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý (tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; bố trí công tác đối với trường hợp không được bổ nhiệm lại) bảo đảm phù hợp với Quy định số 80-QĐ/TW; về miễn nhiệm, từ chức (điều kiện, trình tự, thủ tục; bố trí công tác sau khi từ chức, miễn nhiệm; chế độ, chính sách) bảo đảm phù hợp với Quy định số 65-QĐ/TW; về luân chuyển (tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện luân chuyển, kế hoạch luân chuyển, nhận xét, đánh giá bố trí công tác đối với công chức sau luân chuyển) bảo đảm phù hợp với Quy định số 41-QĐ/TW;
+ Bổ sung quy định về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cấp phó (nhân sự từ nguồn tại chỗ hoặc nhân sự từ nguồn ở nơi khác) và đối với bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý bảo đảm phù hợp với Quy định số 142-QĐ/TW;
+ Bổ sung quy định về tạm đình chỉ chức vụ (về thẩm quyền tạm đình chỉ, căn cứ tạm đình chỉ, thời hạn tạm đình chỉ, quy trình xem xét tạm đình chỉ) bảo đảm phù hợp với Quy định số 148-QĐ/TW;
+ Bổ sung trường hợp ưu tiên trong tuyển dụng công chức đối với cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW;
+ Bổ sung quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản của Đảng và văn bản của Nhà nước do chưa kịp thể chế hóa phù hợp thì thực hiện theo quy định mới của cấp có thẩm quyền. Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện các quy định này, bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong hệ thống cơ quan hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Các nội dung đẩy mạnh phân cấp, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình; giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật
+ Về tuyển dụng công chức:
(i) Rút gọn quy trình tuyển dụng từ 195 - 225 ngày xuống còn 125 - 145 ngày;
(ii) Quy định bắt buộc tổ chức thi vòng 1 trên máy tính (bỏ hình thức thi trên giấy); bỏ quy định thi tin học tại vòng 1; mở rộng các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ; bổ sung quy định người trúng tuyển không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;
(iii) Bỏ hình thức phỏng vấn là một hình thức độc lập trong tuyển dụng (thi vòng 2 lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Viết hoặc kết hợp viết và phỏng vấn); cho phép các cơ quan căn cứ vào đặc thù có thể lựa chọn hình thức thi trên máy tính (lượng thí sinh tuyển dụng lớn, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành như thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng…);
(iv) Bỏ quy định người trúng tuyển phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp; bổ sung quy định cơ quan tuyển dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với người trúng tuyển theo tinh thần Quyết định số 498/QĐ-TTg (4);
(v) Bổ sung quy định về vị trí việc làm được tuyển dụng chung, theo đó các cơ quan có thể tuyển dụng được những người có điểm số cao nhất trong cùng vị trí việc làm; thí sinh có kết quả cao có thể có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn;
(vi) Sửa đổi, bổ sung quy định không thực hiện sát hạch đối với trường hợp tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào làm công chức cấp huyện trở lên hoặc trường hợp tiếp nhận để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý;
(vii) Quy định rõ thực hiện sát hạch bằng hình thức vấn đáp (thay vì lựa chọn viết hoặc phỏng vấn hoặc kết hợp viết và phỏng vấn) do đối tượng được tiếp nhận hầu hết đều đã qua các kỳ tuyển dụng;
(viii) Quy định đối với trường hợp công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã thì khi có nhu cầu, cấp có thẩm quyền thực hiện điều động trở lại công chức cấp huyện mà không phải thực hiện thủ tục tiếp nhận.
- Về nâng ngạch công chức:
(i) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp theo hướng bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định việc tổ chức thi nâng ngạch mà không phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ;
(ii) Bổ sung quy định chi tiết về xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ theo hướng giảm yêu cầu về thành tích, bảo đảm phù hợp với từng ngạch dự xét;
(iii) Bổ sung quy định xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo hướng mở rộng đối tượng được xét nâng ngạch, đặc biệt là từ nhân viên lên cán sự, cán sự lên chuyên viên; giảm thiểu đối tượng phải dự thi nâng ngạch ở tất cả các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc;
(iv) Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp án môn Kiến thức chung và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức xem xét, quyết định việc sử dụng để xây dựng đề thi môn kiến thức chung; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho thí sinh.
6. Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở pháp lý
- Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo hành lang pháp lý quan trọng để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).
Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Luật số 67/2020/QH14 được ban hành với những quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp đến Nghị định số 82/2020/NĐ-CP như: Bổ sung quy định về việc giao Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt...
+ Ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định về xử phạt đối với hành vi của luật sư khi tham gia tố tụng. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, quy định về xử phạt vi phạm hành chính của luật sư quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cũng cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung.
+ Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP), trong đó, quy định các yêu cầu, nguyên tắc để làm căn cứ quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính…
Bên cạnh đó, sau khi Nghị định số 82/2020/NĐ-CP được ban hành, một số văn bản quy pháp pháp luật về quản lý trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm cũng đã có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế. Do vậy, quy định của Nghị định này cũng cần được điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025 giao nhiệm vụ các Bộ, ngành (trong đó có Bộ Tư pháp) xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tất cả các ngành nghề có liên quan.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung từ các văn bản nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ của các quy định về xử phạt vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã nói riêng.
Cơ sở thực tiễn
Thực tiễn sau gần 03 năm thi hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cho thấy, một số hành vi quy định tại Nghị định chưa bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, dẫn đến việc người có thẩm quyền xử phạt khi áp dụng quy định xử phạt gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định; một số hành vi vi phạm diễn ra xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tuy nhiên lại chưa có chế tài để xử lý (5).
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm (các hành vi vi phạm hành chính quy định tại: khoản 4, 5, 6 Điều 7; khoản 4 Điều 9; khoản 4, 5, 6 Điều 16; khoản 4, 5 Điều 24; khoản 6 Điều 33; khoản 5 Điều 39 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành và Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chưa quy định thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành và Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp đối với các hành vi nêu trên. Ngoài ra, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hiện hành không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an nhân dân đối với một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định như sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung các giấy tờ của cơ quan nhà nước; ứng xử, phát ngôn ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của cá nhân; đe dọa, cưỡng ép, xúi giục người khác có hành vi vi phạm pháp luật; đe dọa, cưỡng ép người có thẩm quyền… vì vậy cần bổ sung thẩm quyền của lực lượng này để bảo đảm tính kịp thời khi xử lý vi phạm hành chính.
Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn đã nêu, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của cơ quan, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tới.
- Mục đích ban hành:
+ Việc xây dựng Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản mà Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 (Luật XLVPHC) giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
+ Kịp thời cập nhật, bổ sung những quy định trong các văn bản pháp luật mới ban hành nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo thuận lợi trong áp dụng pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể như sau:
- Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
- Điều 2: Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
- Điều 3: Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Điều 4: Điều khoản thi hành.
Nội dung cơ bản của Nghị định
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
Trên cơ sở rà soát các quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP với các quy định của Luật XLVPHC, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Điều 1 Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật XLVPHC, bao gồm: quy định về đối tượng bị xử phạt; về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện; về việc thi hành các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; về việc áp dụng tình tiết tăng nặng trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần (khoản 3 Điều 1 Nghị định).
Đối với việc quy định áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần, trên cơ sở tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, Nghị định quy định về vấn đề này như sau:
- Lĩnh vực bổ trợ tư pháp, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; lý lịch tư pháp về cơ bản sẽ áp dụng xử phạt từng hành vi trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, trừ một số trường hợp liệt kê cụ thể sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng (các hành vi cụ thể đã được liệt kê tại điểm b khoản 2 Điều 4a dự kiến bổ sung).
- Lĩnh vực bồi thường nhà nước sẽ áp dụng phạt từng hành vi vi phạm.
- Lĩnh vực trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm, nuôi con nuôi, phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, hợp tác quốc tế, hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự áp dụng tình tiết tăng nặng đối với vi phạm hành chính nhiều lần, không xử phạt theo từng hành vi.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về việc xử lý đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để bảo đảm phù hợp với Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì: “Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, thì phải quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó”. Theo đó:
- Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung: Nghị định đã chỉnh sửa các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề... bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung” đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó”.
- Đối với giấy tờ, tài liệu (không phải là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động) bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
(i) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính (là các loại giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung);
(ii) Buộc nộp lại bản chính (các loại giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung);
(iii) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối giấy tờ đã được cấp trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung (nếu có).
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả này tại Nghị định (khoản 4 Điều 1 Nghị định).
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi vi phạm hành chính của luật sư khi tham gia tố tụng để bảo đảm thống nhất với Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo đó, luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” và “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn” (khoản 6 Điều 1 Nghị định).
Thứ tư, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng chống rửa tiền tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành (trong đó có Bộ Tư pháp) xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống rửa tiền tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tất cả các ngành nghề có liên quan (khoản 17 Điều 1 Nghị định).
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi này cho công chức, viên chức Sở Tư pháp, công chức Thanh tra Bộ Tư pháp và công chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Bổ trợ tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm để bảo đảm phù hợp với một số văn bản quy pháp pháp luật về quản lý trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm mới được ban hành, đồng thời, nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm hành chính để bảo đảm phù hợp với các văn vản quy phạm pháp luật lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm mới được ban hành, cụ thể như sau:
+ Bổ sung các hành vi: (i) Hội công chứng viên không tham gia bàn giao hồ sơ công chứng giữa Phòng công chứng bị giải thể hoặc Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động với tổ chức hành nghề công chứng khác theo quy định, (ii) chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng không đúng quy định của pháp luật (theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng).
+ Bổ sung các hành vi: (i) luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không lập báo cáo về hoạt động của mình gửi Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, (ii) không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định (theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư).
+ Bổ sung các hành vi: (i) không thông báo hoặc thông báo công khai kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản không đúng thời hạn hoặc không đúng mẫu quy định, (ii) lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thuộc trường hợp bị từ chối đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn theo quy định pháp luật, (iii) không xem xét, xác minh thông tin phản ánh về việc tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn, (iv) không báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn và kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản kèm theo kết quả xác minh trong trường hợp tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn (theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản).
+ Sửa đổi tên Điều 55 thành “Hành vi vi phạm quy định về khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu, về đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm”; sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 của Điều 55 thành “Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép mã số sử dụng cơ sở dữ liệu, tài khoản đăng ký trực tuyến của cá nhân, tổ chức để thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm” (theo quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm).
- Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hoạt động hòa giải ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh các hành vi vi phạm:
+ Sửa đổi, bổ sung các hành vi trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp: (i) công chứng viên hướng dẫn tập sự không nhận xét đầy đủ theo quy định về quá trình tập sự hành nghề công chứng đối với người tập sự do mình hướng dẫn; (ii) công chứng viên là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng nhưng không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết; (iii) không ký trực tiếp vào văn bản công chứng; (iv) vi phạm quy định về thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp khi mua bảo hiểm hoặc thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm; (v) tiếp nhận thành viên hợp danh mới của Văn phòng công chứng không đúng quy định của pháp luật; (vi) không thực hiện việc tiếp nhận đầy đủ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng bị giải thể hoặc Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động theo chỉ định của Sở Tư pháp; (vii) phân công một đấu giá viên hướng dẫn từ 03 người trở lên tập sự hành nghề đấu giá tại cùng một thời điểm; (viii) không lưu hình ảnh niêm yết trong hồ sơ đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản theo quy định…
+ Bổ sung hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở: (i) cản trở hoạt động hòa giải ở cơ sở đối với tổ hòa giải, hòa giải viên; (ii) cản trở các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải ở cơ sở (khoản 43 Điều 1 Nghị định).
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của một số chức danh tại các điều 83, 84, 85, 86 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm thống nhất với các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến sửa đổi, bổ sung như đã nêu trên tại Nghị định.
Thứ bảy, bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành và Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại: khoản 4, 5, 6 Điều 7; khoản 4 Điều 9; khoản 4, 5, 6 Điều 16; khoản 4, 5 Điều 24; khoản 6 Điều 33; khoản 5 Điều 39 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Bổ sung thẩm quyền xử phạt cho lực lượng Công an nhân dân đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5a, các điểm c và e khoản 6, các điểm a, b, d và g khoản 7 Điều 6; các điểm a và b khoản 3 Điều 10; các điểm a và d khoản 3 Điều 12; điểm b khoản 6 Điều 15; các khoản 2 và 3 Điều 19; các điểm b và c khoản 3, các điểm a và b khoản 7 Điều 22; các điểm a, b và h khoản 1, các điểm a và b khoản 3 Điều 23; các điểm c và h khoản 4 Điều 32; điểm g khoản 2 Điều 53; Điều 54; các Điều 58, 59, 60, 61 Nghị định này.
Theo đó, các hành vi dự kiến bổ sung thẩm quyền của Công an nhân dân chủ yếu là các vi phạm liên quan đến cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật sửa chữa, tẩy xóa, làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước; ứng xử, phát ngôn ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của cá nhân; đe dọa, cưỡng ép, xúi giục người khác có hành vi vi phạm pháp luật; móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền làm trái pháp luật; cung cấp thông tin tài liệu sai sự thật; đe dọa, cưỡng ép người có thẩm quyền; cản trở hoạt động của cá nhân, tổ chức; các hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân đối với các hành vi vi phạm nêu trên nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật hành chính; bảo đảm tính kịp thời trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, tránh trường hợp khi Công an nhân dân phát hiện lại phải chuyển vụ việc đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Nghị định cũng đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra tỉnh, có thẩm quyền xử phạt cùng mức phạt với thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp (căn cứ theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 116 Luật Thanh tra năm 2022) tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị định để bảo đảm phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022.
- Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
Điều 2 Nghị định quy định về việc bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật XLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chủ yếu là quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh, đồng thời, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cũng như trong nội tại văn bản.
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện, Theo đó, dự thảo Nghị định quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này. Đồng thời, cũng quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Điều khoản thi hành
Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về điều khoản thi hành, trong đó quy định về ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định về việc áp dụng pháp luật trong trường hợp luật sư thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5a dự kiến bổ sung vào Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đối với người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án. Theo đó, luật sư thực hiện hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Đối với hành vi vi phạm xảy ra và đã kết thúc trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc đang xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.
- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để giải quyết.
7. Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2024 thay thế Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2020. Sau 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đã được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến về nhận thức của phạm nhân, học sinh; giúp phạm nhân, học sinh tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm tư tưởng, xoá bỏ mặc cảm, tích cực học tập rèn luyện, cải tạo tiến bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định, chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng, cụ thể về các mặt:
+ Về công tác giam giữ phạm nhân
Điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Nhà giam chung: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 50 phạm nhân”. Tuy nhiên, thực trạng hệ thống công trình giam giữ của các trại giam chưa được xây dựng thống nhấttheo một mẫu chung, các nhà giam, buồng giam được xây dựng trong nhiều thời kỳ khác nhau do đó thiết kế mẫu nhà giam chung hiện nay có nhiều loại, kích thước, diện tích khác nhau, trong đó cả buồng giam có quy mô giam giữ trên 50 phạm nhân. Số lượng buồng giam có quy mô giam giữ trên 50 phạm nhân đảm bảo 02m2/phạm nhân là 548 buồng giam, chiếm tỉ lệ hơn 18% trên tổng số 3.402 buồng giam hiện có của 54 trại giam. Theo quy định cũ, việc giam giữ tối đa 50 phạm nhân trong một buồng giam gây lãng phí cho công trình giam giữ và không phù hợp với thực tế quy mô thiết kế các buồng giam hiện có. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, tăng số lượng phạm nhân tối đa mà buồng giam tại nhà giam chung có thể giam giữ.
+ Về thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân
Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 133/2020/NĐ-CPquy định: “Phạm nhân được sử dụng điện, nước sinh hoạt theo định mức quy định”. Hiện nay, Bộ Công anchưa có văn bản nào quy định về định mức điện, nước mà phạm nhân được sử dụng để các cơ sở giam giữ có căn cứ thống nhất áp dụng. Mặt khác, việc ban hành định mức điện, nước sinh hoạt mà phạm nhân được sử dụng là rất khó khăn và không phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giam giữ phạm nhân, xuất phát từ các lý do sau:
(i) Các trại giam thường đóng quân cách xa trung tâm, khu dân cư nên việc cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân là hết sức khó khăn, nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân chủ yếu từ các giếng khoan, nước mặt từ các hồ chứa nước được xử lý công nghiệp. Nếu quy định định mức nước phạm nhân được sử dụng thì rất nhiều cơ sở giam giữ, nhất là các đơn vị đóng quân tại các tỉnh miền trung, Tây Nguyên thường xuyên thiếu nước vào mùa khô sẽ phát sinh chi phí rất lớn để mua nước sạch cho phạm nhân sử dụng.
(ii) Thực tế tại mỗi phân trại, số lượng phạm nhân giam giữ thường không đúng theo quy mô, không ổn định mà thay đổi từng ngày (do phạm nhân nhập và ra trại), việc sử dụng điện, nước vào từng thời điểm lại khác nhau (mùa hè và các tháng có ngày lễ, tết thông thường sẽ sử dụng điện, nước nhiều hơn).
(iii) Các công trình thuộc khu giam giữ phạm nhân được xây dựng theo mẫu thiết kế chung của Bộ Công an, đều đảm bảo yêu cầu về nghiệp vụ và yêu cầu sử dụng, trong đó đã tính toán đến hệ thống điện, hệ thống cấp nước đảm bảo công suất hoạt động cũng như an toàn chung.
Vì vậy, việc ban hành định mức sử dụng điện, nước sinh hoạt cho phạm nhân sẽ không khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tất cả các cơ sở giam giữ phạm nhân. Do đó cần thiết phải sửa đổi nội dung này nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giam giữ phạm nhân.
+ Quy định về công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân
(i) Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh,… Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo;…”. Theo đó, trong nhiều trường hợp do phải thực hiện quy trình đề nghị nên việc cứu chữa có thể không kịp thời, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân.
(ii) Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm giảm khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình…”. Quy định này không thống nhất với khoản 3 Điều 55 Luật Thi hành án hình sự “… bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình…”.
+ Quy định về công tác phổ biến pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; dạy văn hóa và dạy nghề cho phạm nhân
(i) Trong giai đoạn ngay sau khi phạm nhân được đưa đến chấp hành án, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định về việc phổ biến, giáo dục cho phạm nhân trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; trường hợp có dưới 05 phạm nhân hoặc phạm nhân bị ốm đau, bệnh tật khó có thể tổ chức lớp học.
(ii) Trong giai đoạn phạm nhân đang chấp hành án, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định về việc tổ chức phổ biến, giáo dục trong các trường hợp:phạm nhân mới được đưa đến; phạm nhân có mức án ngắn hoặc thời gian chấp hành án còn lại ngắn; sốlượng phạm nhân mỗi lớp học; số lượng phạm nhân ít không đủ để mở lớp.
(iii) Trong giai đoạn phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định về việc tổ chức phổ biến, giáo dục riêng đối với phạm nhân đã được Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá thẩm định có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, phạm nhân được lập hồ sơ đề nghị Tòa án xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc phạm nhân đã được lập hồ sơ đề nghị Tòa án giảm hết thời hạn chấp hành án còn lại.
(iv) Khoản 3 Điều 31 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân do Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định về nội dung này.
(v) Điều 50 Luật Thi hành án hình sự đã quy định về hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Điều luật này không giao Chính phủ quy định chi tiết. Vì vậy tên của Mục 2 Chương III, tên Điều 12 và quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP là không phù hợp với Điều 50 Luật Thi hành án hình sự.
+ Quy định về công tác xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân
(i) Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993 ngày 17/12/2002 Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 04 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và quy định xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho phạm nhân; trải qua các giai đoạn khác nhau, do sự thay đổi của mô hình tổ chức nhưng quy định 04 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù vẫn được kế thừa và hướng dẫn thực hiện trong Thông tư số 40/2011/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 27/6/2011 quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân; Thông tư số 06/2018/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 12/02/2018 thay thế Thông tư số 40/2011/TT-BCA. Trong thực tiễn các cơ sở giam giữ khi tổ chức cho phạm nhân kiểm điểm và xếp loại theo 04 tiêu chuẩnthi đua chấp hành án phạt tù đều không có khó khăn, vướng mắc. Việc tổ chức cho phạm nhận đánh giá xếp loại theo các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, về thực chất thì vẫn cơ bản theo các nội dung của 04 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù nhưng các nội dung lại bị tách nhỏ ra gây trùng lặp không cần thiết. Việc đánh giá phạm nhân theo mức độ ăn năn hối cải được quy định còn mang tính định tính.
(ii) Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định “Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù định kỳ theo: Tuần, tháng, quý, 06 tháng, 01 năm”. Đồng thời điểm a quy định: “Phạm nhân đã được nhận xét, đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù từ 04 ngày trở lên trong một tuần thì được xếp loại tuần”. Quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc là chưa có quy định về trường hợp tuần có các ngày thuộc hai tháng, tuần có từ 03 ngày trở xuống thì xếp loại tháng như thế nào.
Trong thực tế, hàng ngày phạm nhân đều được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù. Việc căn cứ kết quả nhận xét, đánh giá chấp hành án phạt tù theo ngày để xếp loại chấp hành án phạt tù tháng vẫn đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thực tế. Việc quy định xếp loại chấp hành án phạt tù theo tuần phát sinh nhiều thủ tục mà cán bộ quản giáo của các cơ sở giam giữ phạm nhân phải thực hiện (hiện Bộ Công an đang thực hiện trình tự, thủ tục xếp loại theo Thông tư số 103/2020/TT-BCA ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân).
(iii) Điểm a, b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định:
“a) Phạm nhân đã được nhận xét, đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù từ 04 ngày trở lên trong một tuần thì được xếp loại tuần. Xếp loại tuần vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Thời gian xếp loại tuần tính từ ngày thứ Bảy tuần trước đến ngày thứ Sáu tuần sau đó;
b) Phạm nhân đã được xếp loại từ 03 tuần trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng. Xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó. Trường hợp phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được 20 ngày trong 01 tháng, thì thời gian xếp loại được tính từ ngày 06 đến ngày 25 của tháng đó.”
Bất cập theo quy định nêu trên là có trường hợp phạm nhân chấp hành án 18 ngày đã được xếp loại 3 tuần vì vậy đủ điều kiện xếp loại tháng, tuy nhiên lại không đúng quy định tại khoản b là phải chấp hành án ít nhất được 20 ngày. Vì vậy, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP có sự mâu thuẫn, từ đó phát sinh vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện.
(iv) Điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định:
“Xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó.
Xếp loại quý I vào ngày 25 tháng 02, quý II vào ngày 25 tháng 5, quý III vào ngày 25 tháng 8, quý IV vào ngày 25 tháng 11.
Thời gian xếp loại 06 tháng đầu năm kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 5 của năm sau đó; xếp loại 06 tháng cuối năm kể từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 25 tháng 11 của năm đó.
Xếp loại 01 năm vào ngày 25 tháng 11 hằng năm. Thời gian xếp loại của 01 năm kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 11 của năm sau đó”.
Mốc thời gian để xếp loại như quy định trênkhông trùng với mốc tháng, quý, cả năm của Luật Kế toán nên gây khó khăn cho việc xác định phạm nhân có hoàn thành chỉ tiêu định mức được giao hay khôngbởi kết quả lao động của phạm nhân trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối tháng. Vì vậy, khi tổ chức áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP trong thực tiễn phát sinh vướng mắc, bất cập.
(v) Điểm d khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù sau đây thì được xếp loại tốt: d) Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tích cực trong lao động, nghiêm túc chấp hành sự phân công của cán bộ, tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc và vượt định mức hoặc tiến độ được giao,...”.
Trên thực tế, rất khó khăn cho phạm nhân có thể tham gia đầy đủ 100% ngày công vì phạm nhân còn được thực hiện các chế độ chính sách như: liên lạc điện thoại với thân nhân, thăm gặp thân nhân, nghỉ ốm, tham gia học tập…; việc xác định phạm nhân lao động vượt định mức ở các đội vệ sinh, chăn nuôi,phục vụ bếp... rất khó xác định.
(vi) Điều 35 Luật Thi hành án hình sự quy định việc xếp loại chấp hành án phạt tù, trong đó tại khoản 4 giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Tuy nhiên Nghị định số 133/2020/NĐ-CP mới chỉ quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại tốt/khá/trung bình/kém mà chưa có quy định về: (1) Định kỳ xếp loại tốt/khá/trung bình/kém; (2) Xếp loại chấp hành án trong trường hợp phạm nhân lập công; (3) Xếp loại đối với phạm nhân đang được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử và phạm nhân tham gia tố tụng với vai trò là bị can, bị cáo; (4) Xem xét lại quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù. Các nội dung này chưa được quy định trong Nghị định hiện đang thực hiện theo Thông tư số 103/2021/TT-BCA ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Do đó, cần thiết phải bổ sung các quy định này vào Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo đúng quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Thi hành án hình sự.
+ Quy định về sử dụng kết quả lao động, dạy nghề
(i) Khoản 3 Điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định về việc chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về đối tượng, nguyên tắc, căn cứ và định mức chi trả nên khó khăn cho các đơn vị thống nhất thực hiện. Điều này còn quy định trích chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động, tuy nhiên chưa có định mức chi trả cụ thể. Mặt khác, quỹ hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động trong thực tế ít sử dụng nên thường có số dư, các đơn vị không có mục chi nào khác cho khoản quỹ này nên gây lãng phí, mục đích quỹ kém hiệu quả.
(ii) Quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam chỉ có nguồn thu duy nhất từ việc trích từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân. Căn cứ vào kết quả trích bổ sung Quỹ phúc lợi và Quỹ khen thưởng (20%) trong những năm qua thì nguồn thu này không đảm bảo cho các hoạt động được quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 17 do số lượng cán bộ chiến sĩ và phạm nhân lớn (gần 23.400 cán bộ chiến sĩ và 172.000 phạm nhân); đa số các đơn vị trại giam đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, ăn ở tập trung nên việc nâng cao đời sống cho cán bộ chiến sĩ về cơ sở vật chất và động viên tinh thần là hết sức cần thiết, đáp ứng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hỗ trợ kinh phí cho phạm nhân khi bị bệnh, gặp rủi ro, điều trị tại bệnh xá, trạm xá, bệnh viện, từ đó phạm nhân có tinh thần lạc quan, trách nhiệm hơn trong quá trình cải tạo.
(iii) Trong những năm qua, nguồn 40% đầu tư trở lại cho các trại giam đã đầu tư xây dựng nhà xưởng dạy nghề cho các trại giam nhằm nâng cao năng lực, tạo việc làm và thực hiện tốt việc quản lý. Hiện tại ở các trại giam, mỗi phân trại đều được bố trí từ 01 đến 02 nhà xưởng, nếu giảm nguồn chi (xuống 35%) về cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
(iv) Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về sử dụng kết quả lao động vượt chỉ tiêu, định mức lao động của phạm nhân nên gây khó khăn trong công tác thực hiện và chưa khuyến khích phạm nhân tích cực, tăng năng suất lao động nhằm đạt được kết quả vượt chỉ tiêu.
+ Thời hạn xử lý kỷ luật, thi hành quyết định kỷ luật
Tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định về việc phạm nhân có quyết định kỷ luật phải có thời gian theo dõi, thử thách để được công nhận đã cải tạo tiến bộ nhưng chưa quy định cụ thể về việc khi phạm nhân vi phạm kỷ luật chưa được công nhận cải tạo tiến bộ, nếu tiếp tục có quyết định kỷ luật mới thì thời hạn theo dõi thử thách của các quyết định kỷ luật cũ và mới là bao lâu, thời gian theo dõi thử thách tính từ thời điểm nào; thời gian công nhận cải tạo tiến bộ đối với số phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi đó nên gây khó khăn cho các cơ sở giam giữ khi tổ chức thực hiện.
+ Chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng
Hiện nay, chế độ ăn của học sinh trường giáo dưỡng vẫn chưa đảm bảo cho học sinh ăn no, đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất. Học sinh trong trường giáo dưỡng là trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển thể chất, cần hàm lượng lớn chất dinh dưỡng để phát triển, nâng cao thể trạng. Trong khi đó, hầu hết học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, khi vào trường đều gầy yếu, chiều cao thấp và ít được thân nhân thăm gặp, gửi tiền, quà,…Do đó, cần thiết phải nâng chế độ, khẩu phần ăn cho học sinh.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 28 quy định: “Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm”. Tuy nhiên, hiện nay cả nước chỉ có 03 trường giáo dưỡng đóng tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam, không có trường nào đóng trên địa bàn Tây Nguyên, nên việc áp dụng cho địa bàn 05 tỉnh Tây Nguyên là chưa phù hợp. Mặt khác, Trường giáo dưỡng Số 3 đóng trên địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (giáp với huyện Nam Đông và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế), khu vực đơn vị đóng quân là vùng núi cao nên về mùa đông thời tiết rất lạnh. Vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung thêm chế độ mặc đối với học sinh từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc cho phù hợp với thực tiễn.
+ Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng
Khoản 3 Điều 29 Luật Thi hành án hình sự có quy định về trường hợp học sinh bị ốm nặng đã được chuyển đến cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh nơi có trường giáo dưỡng để điều trị. Tuy nhiên chưa có quy định về trường hợp vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh thì chủ thể nào có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo, vì vậy các trường giáo dưỡng không có căn cứ để thống nhất thực hiện.
Từ những khó khăn, vướng mắc bất cập nêu trong triển khai thực hiện Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, Bộ Công an nhận thấy việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thay thế Nghị định số 133/2020/NĐ-CP là rất cần thiết.
- Mục đích ban hành: Hoàn thiện các quy định về thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn triển khai Luật Thi hành án hình sự và Nghị định 133/2020/NĐ-CP; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, chế độ, chính sách của phạm nhân.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 Chương, 44 Điều quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, gồm 03 điều (từ Điều 1 đến Điều 3).
- Chương II. Quy định về cơ cấu tổ chức của trại giam, gồm 03 điều (từ Điều 4 đến Điều 6).
- Chương III. Quy định về nhóm chế độ, chính sách đối với phạm nhân, phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; học sinh trường giáo dưỡng; xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù và xử lý phạm nhân vi phạm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong giáo dục cải tạo phạm nhân, gồm 20 điều (từ Điều 7 đến Điều 26).
Quy định về xử lý phạm nhân vi phạm, gồm 04 điều (từ Điều 27 đến Điều 30).
Quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương, gồm 03 điều (từ Điều 31 đến Điều 33).
Quy định chế độ, chính sách đối với phạm nhân là người nước ngoài, gồm 01 điều (Điều 34).
Quy định về chế độ đối với học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, gồm 02 điều (Điều 35, Điều 36).
- Chương IV. Quy định về thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù, gồm 06 điều (từ Điều 37 đến Điều 42).
Quy định thi hành quyết định tiếp nhận đối với người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án, gồm 03 điều (từ Điều 37 đển Điều 39).
Quy định thi hành quyết định Hiệu lực thi hành (Điều 43); trách nhiệm thi hành (Điều 44).
Nội dung cơ bản của Nghị định
Nghị định kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị đinh số 133/2020/NĐ-CP, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản, điểm không phù hợp, phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Cụ thể những nội dung được sửa đổi, bồ sung như sau:
- Chương I. Những quy định chung quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; kinh phí đảm bảo cho việc quản lý phạm nhân và thực hiện các chế độ, chính sách đối với phạm nhân. Các nội dung này được giữ như quy định cùa Nghị định số 133/2020/NĐ-CP.
- Chương II. Quy định về cơ cấu tổ chức của trại giam về tổ chức quản lý trại giam: Nội dung của Chương II Nghị định tập trung, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 6 Nghi định 133/2020/NĐ-CP về số lượng phạm nhân gjam giữ tại nhà giam chung như sau: "Nhà giam chung: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 80 phạm nhân” đề phù hợp với thực trạng hệ thống công trình giam giữ của các trại giam hiện nay, tránh lãng phí.
- Chương III. Quy định về nhóm chế độ, chính sách đối với phạm nhân, phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; học sinh trường giáo dường; xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù và xử lý phạm nhân vi phạm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong giáo dục cải tạo phạm nhân.
Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Nghị định đã sửa đổi 12 điều, sửa đổi tên 01 mục tại Chương III và bổ sung 07 điều mới so vơi quy định của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP. Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vẩn đề như: chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân, chương trình, nội dung học tập của phạm nhân; sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân; điều kiện, tiêu chuẩn, định kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù; chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng;... :
- Chương IV. Quy định về thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù: Nội dung cua chương này vẫn giữ nguyên như quy định của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP.
- Chương V. Điều khoản thi hành: Quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành và bổ sung thêm về quy định chuyển tiếp giữa Nghị định 133/2020/NĐ-CP và Nghị định mới khi Nghị định mới có hiệu lực.
8. Nghị định số 119/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2024
- Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ vận hành từ ngày 01/7/2026. Các nội dung có liên quan đến Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ quy định trong Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2026.
- Quy định chuyển tiếp:
+ Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đã được thực hiện theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện đến 01/7/2026
+ Nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ được quy định tại Nghị định này.
+ Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ tiếp tục thu tiền sử dụng đường bộ theo các quy định về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 01/7/2026
+ Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin tài khoản giao thông đến ngày 01/7/2026. Chi phí kết nối theo thỏa thuận giữa các bên với nhau.
+ Các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh hợp đồng dự án và các nội dung liên quan đã thực hiện theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với Nghị định này. Việc bổ sung dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ vào hợp đồng ký giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ với cơ quan có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở đàm phán, điều chỉnh hợp đồng.
+ Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ hoàn thiện việc chuyển tài khoản thu phí của chủ phương tiện theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ sang tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán của chủ phương tiện trước ngày 01/10/2025.
+ Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ hoàn thiện việc chuyển tiền từ tài khoản thu phí của chủ phương tiện theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ sang phương tiện thanh toán của chủ phương tiện được kết nối với tài khoản giao thông trước ngày 01/10/2025.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành: Nghị định Việc xây dựng Nghị định để triển khai quy định chi tiết thi hành Luật Đường bộ (khoản 3 Điều 6 và Điều 43).
- Mục đích ban hành: Ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số vào công tác quản lý nhà nước nhằm đem lại hiệu quả tối đa, minh bạch trong hoạt động quản lý, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông trong hoạt động liên quan đến thanh toán dịch vụ của phương tiện giao thông đường bộ. Đồng thời, để triển khai hướng dẫn thi hành quy định tại khoản 3 Điều 6, khoản 4 Điều 43 Luật Đường bộ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thanh toán điện tử giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 Chương, 38 Điều và 01 Phụ lục quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung: từ Điều 1 đến Điều 5.
- Chương II: Hệ thống thanh toán điện tử giao thông: từ Điều 6 đến Điều 10.
- Chương III: Mở và sử dụng tài khoản giao thông: từ Điều 11 đến Điều 14.
- Chương IV: Thanh toán điện tử giao thông: từ Điều 15 đến Điều 28.
- Chương V: Trách nhiệm của các đơn vị trong thanh toán điện tử giao thông: từ Điều 29 đến Điều 35.
- Chương VI: Tổ chức thực hiện: từ Điều 36 đến Điều 38.
- Phụ lục: Thông tin trong cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định chi tiết về thanh toán điện tử giao thông đường bộ; tài khoản giao thông; thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc; cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ
- Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ
Nội dung cơ bản của Nghị định
- Dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ
Tại khoản 1 Điều 43 Luật Đường bộ quy định “1. Thanh toán điện tử giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.” Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện khi thanh toán các dịch vụ liên quan đến hoạt động của phương tiện, Nghị định quy định mở tài khoản giao thông để thực hiện thanh toán các dịch vụ liên quan đến hoạt động của phương tiện là một trong những điểm mới nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
- Quy định về Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ
Để phục vụ quản lý nhà nước và chia sẻ dữ liệu tài khoản giao thông cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ GTVT xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ, là một nội dung của cơ sở dữ liệu đường bộ được quy định tại Điều 6 Luật Đường bộ.
- Quy định về Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử
Nghị định phân loại Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ thành hai đối tượng, như sau:
+ Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để thu tiền sử dụng đường bộ (bao gồm nhà cung cấp dịch vụ thu phí được quản lý theo Quyết định 19/2020/QĐ-TTg). Các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ thực hiện phát hành thẻ đầu cuối, mở tài khoản giao thông… thực hiện đồng bộ tài khoản giao thông lên hệ thống quản lý tài khoản giao thông thuộc cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Các nhà cung cấp dịch vụ này được cung cấp dịch vụ khác (thu phí bãi đỗ xe…) nếu hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền cho phép.
+ Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ không tham gia thu tiền sử dụng đường bộ. Các đơn vị này sẽ được kết nối, chia sẻ thông tin tài khoản giao thông từ hệ thống quản lý tài khoản giao thông tập trung để thực hiện thu các dịch vụ liên quan đến phương tiện như thu phí bãi đỗ xe.
- Quy định về mở và sử dụng tài khoản giao thông
Nghị định quy định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.
Tài khoản giao thông phải được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do tổ chức cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp thông qua hợp đồng dịch vụ với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử phối hợp với tổ chức cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp công cụ để chủ tài khoản giao thông thực hiện kết nối tài khoản giao thông với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông; mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.
Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
- Quy định về đối soát và hoàn trả doanh thu
+ Đối soát doanh thu được thực hiện theo nguyên tắc: Hàng ngày, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử thực hiện đối soát việc thanh toán điện tử giao thông đường bộ theo khung thời gian từ 00h00 đến 24h00 (thời điểm chốt số liệu) với đơn vị vận hành thu để làm cơ sở cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử hoàn trả doanh thu cho đơn vị quản lý thu. Hàng tháng, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và Đơn vị quản lý thu thực hiện đối soát và chốt công nợ trước ngày 05 của tháng liền kề hoặc thời điểm khác do các bên thỏa thuận; Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi năm tài chính, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và Đơn vị quản lý thu thực hiện chốt công nợ và quyết toán cho năm liền trước đó.
+ Hoàn trả doanh thu: Trên cơ sở số liệu đã thống nhất sau khi thực hiện đối soát doanh thu hàng ngày, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử chuyển toàn bộ số tiền thu được (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) theo đối soát tại điểm thu cho Đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu. Thời gian chuyển trả theo quy định tại hợp đồng dịch vụ thu giữa Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và đơn vị quản lý thu nhưng không vượt quá 48 giờ kể từ thời điểm chốt số liệu. Trường hợp vào các ngày lễ, ngày nghỉ mà hệ thống ngân hàng nghỉ làm việc không thực hiện được việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng thì sẽ chuyển vào ngày làm việc kế tiếp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
9. Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2024.
Quy định phân loại doanh nghiệp đối với đối tượng ngoài doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã nộp hồ sơ đăng ký phân loại doanh nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Căn cứ pháp lý
Ngày 01/10/2021, được sự phê duyệt và ủy quyền của Chính phủ (tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 30/9/2021), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Thỏa thuận giữa Chính phủ CHXNCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (Thỏa thuận). Trong đó, tại Điều 6, Điều 7 Thỏa thuận, Việt Nam cam kết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định liên quan đến tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam để bảo đảm việc đánh giá, xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực một cách khách quan và phù hợp với thực tiễn; bổ sung đối tượng doanh nghiệp tham gia phân loại doanh nghiệp. Đồng thời, việc mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp phù hợp với Hiệp định VPA/FLEGT và lộ trình đã thống nhất tại các cuộc họp của Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT; đảm bảo phù hợp với Điều 69 và Điều 72 Luật Lâm nghiệp.
Nghị định số 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Trong thời gian gần đây, nhiều Luật, Nghị định mới ban hành đã làm phát sinh một số vấn đề thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định về tuân thủ tiêu chí phân loại doanh nghiệp đối với các lĩnh vực như: Bảo vệ môi trường, phòng cháy tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, cụ thể:
+ Tiêu chí tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường không còn phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2012), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 18/2015/NĐ-CP).
+ Tiêu chí tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy không thống nhất với quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, cụ thể: Nghị định số 136/2020/NĐ-CP chỉ quy định cơ sở chế biến gỗ phải có “Phương án chữa cháy” không quy định “Phương án phòng cháy, chữa cháy”.
Cơ sở thực tiễn
+ Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ với số lượng lớn Log List/Packing List của nhà xuất khẩu đã có các thông tin đầy đủ và phù hợp với Bảng kê gỗ nhập khẩu gỗ theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 Phụ lục I, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP tổ chức, cá nhân nhập khẩu gỗ vẫn phải kê khai lại đầy đủ các nội dung trong Mẫu số 01 và Mẫu số 02 dẫn đến mất nhiều thời gian lưu kho, bãi và gây ách tắc trong quá trình nhập khẩu, đồng thời phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến việc kinh doanh và lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp.
+ Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, quy định chỉ xác nhận nguồn gốc gỗ khi xuất khẩu đối với lô hàng gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng xuất khẩu sang thị trường EU, đối với thị trường ngoài EU thì không xác nhận; như vậy chưa có sự bình đẳng giữa các thị trường.
+ Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, xác nhận Bảng kê gỗ nhập khẩu trước khi thông quan; tuy nhiên, chưa có quy định chi tiết về nội dung, hình thức xác nhận, dẫn đến thông tin, nội dung xác nhận trên Bảng kê gỗ nhập khẩu của cơ quan Hải quan không đồng bộ, thống nhất; gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, truy xuất trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, việc xác nhận vào Mẫu số 01 và Mẫu số 02 làm ảnh hưởng đến Hệ thống hải quan điện tử do phát sinh thêm thủ tục do phải chuyển thành bản điện tử để đưa lên hệ thống.
+ Quy định về thời gian báo cáo định kỳ chưa thống nhất với chu kỳ báo cáo thuế của doanh nghiệp, dẫn đến số liệu khác nhau khi báo cáo cho cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Thuế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hệ thống mẫu biểu báo cáo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP còn chưa thống nhất với Hệ thống mẫu biểu báo cáo tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2023 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Vì vậy đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổng hợp, báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản khi phải thực hiện đồng thời 02 quy định.
+ Ngoài ra, việc cấp phép FLEGT là nội dung mới, cần phải có lộ trình để triển khai thực hiện; theo Hiệp định VPA/FLEGT phải có sự thống nhất giữa Việt Nam và EU. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực cùng với Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT thống nhất các nội dung liên quan, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm thực hiện quản lý gỗ nhập khẩu và cấp phép FLEGT.
Xuất phát từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ là rất cần thiết.
- Mục đích ban hành:
+ Tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật.
+ Khắc phục những vấn đề không phù hợp với thực tiễn, gây ra vướng mắc, bất cập làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
+ Phù hợp với Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 5 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, cụ thể như sau:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
- Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
- Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Điều 4. Quy định chuyển tiếp.
- Điều 5. Điều khoản thi hành.
10. Quyết định số 14/2024/QĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 9 năm 2024.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Thời gian qua, một số bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã thực hiện rà soát và phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ pháp lý để xác định hết hiệu lực theo quy định tại các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 1996, năm 2008, năm 2015 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Về nguyên tắc, các văn bản này vẫn được xác định là “còn hiệu lực”. Do đó, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng quy định về hiệu lực của văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ), việc ban hành văn bản để bãi bỏ các văn bản nêu trên là cần thiết.
Thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 08/4/2018 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018, trong đó, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để chấm dứt hiệu lực các văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có văn bản xác định hết hiệu lực, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp và thấy rằng có 37 văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ (6) cần được bãi bỏ toàn bộ.
- Mục đích ban hành: Xử lý hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm có 02 Điều bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
- Điều 1: Quy định việc bãi bỏ toàn bộ một số văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản bãi bỏ được sắp xếp theo hình thức văn bản (Quyết định sắp xếp trước, Chỉ thị sắp xếp sau); theo thời gian ban hành (từ văn bản ban hành trước đến văn bản ban hành sau).
- Điều 2: Quy định về điều khoản thi hành (Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Quyết định).
Nội dung Quyết định chỉ bãi bỏ toàn bộ một số văn bản của Thủ tướng Chính phủ không còn được áp dụng trên thực tế; Quyết định không quy định chính sách mới hay sửa đổi, bổ sung chính sách hiện có trong các Quyết định, do vậy không làm phát sinh nguồn nhân lực và tài chính trong triển khai, thi hành Quyết định sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Quyết định không có nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và không quy định về thủ tục hành chính hoặc làm phát sinh thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính).
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2024, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
(1) Chưa bao gồm văn bản của Bộ Tài chính.
(2) Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Thông báo số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
(3) Bổ sung: (01) Điều 31a. Xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ; (02) Điều 31b. Xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; (03) Điều 68a. Tạm đình chỉ công tác đối với công chức
(4) Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp
(5) Hành vi dùng chữ ký khắc sẵn để thay cho việc ký trực tiếp của công chứng viên; không vào sổ công chứng đối với hồ sơ đã được công chứng; từ chối tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng; cản trở hoạt động hòa giải ở cơ sở, cản trở các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải ở cơ sở…
(6) Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ: Bộ Công an; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp