Theo đó, Quy hoạch đề ra chỉ tiêu phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2015 là tỷ lệ đường dây thuê bao cố định 15 - 20 đường/100 dân; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động 140 máy/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định từ 6 - 8 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 20 - 25 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định 40 - 45%; tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet 15 - 20%; tỷ lệ người sử dụng Internet 40 - 45% dân số; phủ sóng thông tin di động đến trên 90% dân số trên cả nước; trên 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng.
Đến năm 2020: tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định 15 - 20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35 - 40 thuê bao/100 dân;
tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet 35 - 40%; tỷ lệ người sử dụng Internet 55 - 60%; phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh; 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng;
Để đạt được chỉ tiêu trên, Quyết định đề ra các giải pháp cơ bản: Giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về viễn thông (xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện; xây dựng cơ chế, chính sách, quy định quản lý về cấp phép, giá cước, chất lượng dịch vụ, kết nối, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật viễn thông, an toàn mạng lưới, an ninh thông tin phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ, dịch vụ trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế...); Giải pháp về khoa học - công nghệ (đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao trong việc thiết lập mạng lưới, cung cấp dịch vụ và sản xuất, lắp ráp các thiết bị đầu cuối viễn thông, đặc biệt là thiết bị di động, thiết bị thu xem truyền hình số nhằm giảm giá thành, phổ cập nhanh các dịch vụ viễn thông đến người dân với chất lượng tốt và giá cước hợp lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, khai thác mạng lưới, cung cấp dịch vụ để giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông…); Giải pháp về tổ chức (đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành viễn thông; thực hiện việc mua bán, sáp nhập, chuyển giao theo cơ chế thị trường các doanh nghiệp viễn thông hoạt động kém hiệu quả, quy mô nhỏ để hình thành các doanh nghiệp viễn thông mạnh có năng lực cạnh tranh cao làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế; tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông và bảo đảm thực hiện quy định về sở hữu theo Luật viễn thông; hoàn thành việc tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội trong hoạt động viễn thông nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…); Giải pháp về nguồn lực (khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển và khai thác hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng viễn thông băng rộng; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động như hệ thống cột anten, cột treo cáp, cống bể, cáp; đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông; nhà nước hỗ trợ đối với các chương trình dự án truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực viễn thông chất lượng cao và nâng cao kỹ năng số cho người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển nước ngoài (ODA) cho việc xây dựng hạ tầng và phổ cập dịch vụ viễn thông, Internet băng rộng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng, trung tâm thông tin cộng đồng, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, thư viện và phục vụ các nhiệm vụ công ích khác…); Giải pháp về hợp tác quốc tế.
Quyết định nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước; Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các cơ chế hỗ trợ, đầu tư theo Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp viễn thông ứng dụng, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa sản phẩm, sản xuất, lắp ráp các thiết bị viễn thông phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu thị trường ở Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng và thuận lợi cho việc đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam… Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: triển khai thông tin, tuyên truyền về các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung của Quy hoạch này tới tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; Lập, phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động 5 năm một lần; chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hạ ngầm và chỉnh trang đường cáp viễn thông tại địa phương; chỉ đạo giải quyết và xử lý kịp thời các trường hợp cản trở trái pháp luật, phá hoại việc xây dựng và sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2012.