Thông tư này hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (sau đây gọi tắt là Nghị định số 138/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 138/2007/NĐ-CP.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là: Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định của Thông tư: Vốn điều lệ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương không được thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng. Khi có nhu cầu tăng vốn điều lệ, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và nguồn bổ sung vốn điều lệ, Quỹ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình UBND cấp tỉnh quyết định. Quỹ được huy động vốn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo nguyên tắc nguồn vốn huy động là nguồn vốn trung và dài hạn (là các nguồn vốn có thời hạn trả nợ từ 01 năm trở lên) và đảm bảo hình thức huy động, giới hạn huy động vốn theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP…
Quỹ được sử dụng vốn hoạt động để thực hiện các chức năng bao gồm: đầu tư trực tiếp, cho vay và góp vốn thành lập tổ chức kinh tế. Việc sử dụng vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng mục đích và an toàn. Việc cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp được thực hiện theo hợp đồng ký kết với các bên có liên quan theo các quy chế nghiệp vụ đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.
Cũng theo Thông tư, Quỹ được sử dụng tối đa 10% vốn chủ sở hữu để đầu tư xây dựng mới, mua sắm và sửa chữa tài sản cố định. Quỹ được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật. Quỹ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo toàn vốn hoạt động, bao gồm: quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật; mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro nghiệp vụ và các loại bảo hiểm khác; trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay, dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư trực tiếp, dự phòng các khoản phải thu khó đòi…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/4/2014 và thay thế Thông tư số 139/2007/TT-BTC ngày 29/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.