Theo đó, người giúp việc phải báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); riêng trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng kỳ hạn; không được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh theo HĐLĐ; bị ốm đau, tai nạn không thể tiếp tục làm việc thì có thể báo trước 3 ngày.
Đồng thời, người giúp việc được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không phải báo trước trong các trường hợp như: Bị người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình ngược đãi, xúc phạm, quấy rối tình dục; phát hiện thấy điều kiện làm việc có nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe của bản thân, đã báo cho người sử dụng lao động biết mà chưa được khắc phục; có thiên tai, hỏa hoạn nên không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ…
Cũng theo Nghị định này, mức tiền lương của người giúp việc (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; trong đó chi phí ăn, ở hàng tháng của người giúp việc (nếu có) không được vượt 50% mức tiền lương. Trong trường hợp người giúp việc phải bồi thường do làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền khấu trừ tiền lương nhưng mức khấu trừ không quá 30% mức tiền lương hàng tháng của người giúp việc.
Nghị định cũng chỉ rõ, người giúp việc phải được nghỉ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục; mỗi tuần được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục; mỗi năm được nghỉ 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương nếu người giúp việc có đủ 12 tháng làm việc…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/05/2014.