Thông tư này hướng dẫn nội dung và quy trình đánh giá trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất, bao gồm: Chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất là cơ sở để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đề xuất giải pháp, chính sách nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sản xuất của doanh nghiệp, ngành hoặc địa phương.
Theo hướng dẫn của Thông tư này, công nghệ sản xuất được chia thành 04 nhóm thành phần cơ bản: Nhóm thiết bị công nghệ thể hiện trong máy móc, công cụ, phương tiện (viết tắt là T); nhóm nhân lực thể hiện trong năng lực tiếp thu kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất (H); nhóm thông tin thể hiện trong các tài liệu, dữ liệu thông tin (I); nhóm tổ chức quản lý thể hiện trong công tác tổ chức, quản lý (O).
Việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp hay ngành được thực hiện trên cơ sở mức đạt được của các tiêu chí thuộc bốn nhóm thành phần cơ bản T, H, I, O. Các tiêu chí này bao gồm: Mức độ hao mòn thiết bị, công nghệ; Cường độ vốn thiết bị, công nghệ; Mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ; Xuất xứ của thiết bị, công nghệ; Mức độ tự động hóa; Mức độ đồng bộ của TBCN; tỷ lệ chi phí năng lượng sản xuất… Căn cứ vào tổng số điểm đạt được (sử dụng thang điểm 100 điểm) của các tiêu chí này để phân loại trình độ công nghệ theo 04 mức: Tiên tiến, trung bình tiên tiến, trung bình và lạc hậu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014.