Theo Nghị định, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cũng theo Nghị định trên Bộ Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như: Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên UBND cấp tỉnh; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; hướng dẫn UBND cấp tỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã; quyết định giao biên chế công chức, biên chế làm việc ở nước ngoài của tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và biên chế công chức thuộc UBND cấp tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức nhà nước hàng năm; bổ sung biên chế công chức cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trong tổng biên chế dự phòng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định ngạch và mã số ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ cao cấp theo phân công và phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước và ở nước ngoài, cán bộ, công chức cấp xã và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp...
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 24 đơn vị trực thuộc gồm: Vụ Tổ chức - Biên chế; Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Công chức - Viên chức; Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Vụ Tiền lương; Vụ Tổ chức phi chính phủ; Vụ Cải cách hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Tổng hợp; Vụ Công tác thanh niên; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ (có đại diện của Văn phòng Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng); Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Học viện Hành chính Quốc gia; Viện Khoa học tổ chức nhà nước; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Trung tâm Thông tin; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2014.
Nghị định này thay thế Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; bãi bỏ các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.